Đừng chờ mùa Vu Lan để thực hành đạo hiếu

Biết bao người con bỗng một ngày chứng kiến nỗi đau mất người thân của bao người xung quanh mới nhận ra mình thật may mắn khi còn mẹ cha. Chữ hiếu là cách sống, sống từng ngày trọn nghĩa vẹn tình với đấng sinh thành chứ không phải chờ mùa Vu Lan.

Mỗi ngày trôi đi nghĩa là thêm một ngày xa con. Vợ chồng bà Nguyễn Thị Bích ở quận Đống Đa, Hà Nội năm nay đã ngoài 70 tuổi. Hai tấm thân già tựa vào nhau sống qua ngày trong khu tập thể cũ.

(Tạo bởi AI)

(Tạo bởi AI)

Các con đã phương trưởng, người sống riêng ở quận khác, người thì lập nghiệp mãi tận phương Nam xa xôi. Mùa Vu Lan gõ cửa, thứ bà mong mỏi là bữa cơm đủ đầy các thành viên.

"Tập trung ăn bữa cơm với bố mẹ, cháu nào không về được thì gọi điện. Những người già chỉ cần có thế thôi" - với bà đó là không khí tuyệt vời.

Con cái ở xa nên ngày mỗi ngày, bà thường lo: nhỡ đứa này ốm đứa kia đau mà bố mẹ chẳng ở cạnh. Vậy nên hai chữ “báo hiếu” bà mong chờ không phải là bữa cơm thịnh soạn trong nhà hàng, mà là cuộc gọi mỗi ngày và nghe giọng con nói: “con vẫn khỏe bố mẹ ạ”.

"Không phải cứ cho bố mẹ tiền là báo hiếu, chỉ mong các con sống hạnh phúc, sống khỏe mạnh và không làm bố mẹ buồn rầu chuyện gì cả" - bà Bích chia sẻ.

Rằm tháng Bảy -Vu Lan báo hiếu luôn là một trong những ngày lễ có sức sống văn hóa lâu đời nhất trong đời sống tinh thần của mỗi người dân Việt Nam. Đây cũng là dịp để thế hệ trẻ hiểu hơn về truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc ta.

Tiến sĩ Vũ Việt Anh - TGĐ Học viện Thành công cho rằng, mùa Vu Lan là dịp để chúng ta nhìn nhận lại giá trị của cuộc sống.

"Ngày nay chúng ta đang trong guồng quay của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, giữa bộn bề thông tin, nhiều khi cuộc sống cuốn chúng ta đi và ta quên giá trị của gia đình, sự quan tâm yêu thương đến những người xung quanh. Chính vì vậy, đây là dịp để chúng ta dành thời gian lắng đọng lại hơn, yêu thương nhiều hơn và quan tâm đến cha mẹ" - Tiến sĩ Vũ Việt Anh chia sẻ.

Trong ngày này, mỗi bông hồng cài trên ngực áo lại mang một ý nghĩa sâu xa. Ai còn cả cha và mẹ chọn bông hồng màu đỏ; ai mất cha hoặc mẹ cài bông hoa màu hồng, ai mất cả cha và mẹ cài bông hồng màu trắng.

Màu hoa hồng trên ngực áo nhắc nhớ mỗi người thông điệp, phận làm con hãy sống hiếu nghĩa với cha mẹ, vậy nhưng tôi tin rằng không phải mấy ai cũng hiểu hết ý nghĩa sâu sa của cụm từ báo hiếu, báo hiếu như thế nào là đủ đầy, báo hiếu như thế nào là đúng với mong mỏi của những người làm cha làm mẹ?

Trao đổi trong chương trình Diễn đàn VOV2 ngày 14/kg 8, Tiến sĩ Vũ Việt Anh cho rằng sở dĩ gọi là "mùa Vu Lan" để nói lên "báo hiếu cha mẹ" là hành trình bền bỉ xuyên suốt, giống như quy luật của tự nhiên và ta cần thực hành hàng ngày.

"Đã là mùa thì không phải là sự kiện mà là hành trình. Từ "mùa" có cái hay là liên kết chu trình cuộc sống, gắn với cả chu trình thiên nhiên thành mùa như tất cả mùa xuân - hạ - thu - đông khác" - Tiến sĩ Vũ Việt Anh cho hay.

Nho giáo quan niệm: “Thiên địa tứ thời, xuân tại thủ/ Nhân sinh bách hạnh, hiếu vi tiên”. Nghĩa rằng: Trời đất có bốn mùa, mùa xuân đứng đầu/ Con người có trăm hạnh, hạnh hiếu là trên hết. Suy cho cùng đạo hiếu chính là đạo làm người.

Khi đứng giữa lằn ranh sinh - tử, con người mới học được bài học của sự sống: tình thân là quan trọng nhất. Đại dịch covid-19 đã khiến nhiều người trên thế giới nhận ra, trong cuộc trường chinh mưu sinh và đầy tham vọng, ta gặp người lạ nhiều hơn với cha mẹ. Vậy là có một chuyến đi mang tên “trở về”.

"Những người còn bố mẹ, mình cần có tình cảm, quan tâm chăm sóc, đấy là điều quan trọng nhất. Bố mẹ không còn thì anh chị em phải giữ được hòa khí tình thân, anh chị em vẫn yêu thương nhau, đùm bọc nhau hạnh phúc, đó chính là báo hiếu" - Chị Trịnh Hương ở Hà Nội tâm sự.

Mỗi người có những cách khác nhau để thể hiện đạo hiếu. Em Lê Anh Minh thuộc thế hệ gen Z, sống xa nhà kể từ khi học Đại học. Bao nhiêu mùa Vu Lan xa nhà, là ngần ấy thời gian dạy cho em biết báo hiếu cần những gì.

Minh tự nhận mình "khắc khẩu" với cha mẹ. "Sao ba mẹ cứ muốn mình làm cái này cái kia, mình không muốn ở nhà đâu…Bây giờ làm người lớn rồi, hiểu được áp lực cuộc sống, kiếm tiền, dạy dỗ con gái mà ba mẹ đang gánh, em thấy thương hơn. Em sẽ học cách lắng nghe, chia sẻ và hiểu bố mẹ hơn".

Là người giảng dạy, tiếp xúc nhiều với các bạn trẻ, tiến sĩ Vũ Việt Anh cho rằng, thế hệ của anh luôn xem cha mẹ là trên hết, còn các bạn trẻ gặp phải thách thức đó chính là sự ngại ngần trong cách thể hiện. Vì vậy, việc giáo dục trong gia đình đóng vai trò nền tảng xây dựng hiểu biết, lối sống của mỗi công dân.

"Tôi là người cha và biết được, việc chúng ta cần phải làm là trở thành tấm gương để con cái noi theo. Vậy nên, khi chúng ta đối xử với bố mẹ thế nào thì con cái sẽ đối xử với chúng ta như thế. Đó chính là luật nhân quả".

Biết bao người mẹ như bà Bích ngóng chờ tin con sống khỏe, bình an là đủ để hạnh phúc rả rích cả ngày. Biết bao người con bỗng một ngày chứng kiến nỗi đau mất người thân của bao người xung quanh mới nhận ra mình thật may mắn khi còn mẹ cha. Chữ hiếu là cách sống, sống từng ngày trọn nghĩa vẹn tình với đấng sinh thành chứ không phải chờ mùa thị thơm và Vu Lan gõ cửa.

Anh Thu/VOV2

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/dung-cho-mua-vu-lan-de-thuc-hanh-dao-hieu-post1114915.vov
Zalo