Đừng bỡn cợt với không gian Hồ Gươm
Trước hôm cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung hầu tòa, một nghệ nhân làng nghề đã đặt mô hình trái tim kết bằng tre - nứa - lá bên Hồ Gươm.
Ngay trong đêm, mạng xã hội dậy sóng. Có người gọi nó là “trái tim quái dị”, “trái tim mọc lông”, “trái tim bệnh hoạn”…
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, trên trang cá nhân, ngay trong đêm 10/12, bức xúc: “Ngay bên Hồ Gươm mà cho dựng lên một hình ảnh quái dị như thế này quả là không bình thường”. Không dừng ở đó, ông bày tỏ tiếp: “Tôi mang cảm giác bao nhiêu vẻ đẹp Thăng Long, bao nhiêu tác phẩm điêu khắc đẹp của các nghệ sĩ Việt Nam hình như chưa bao giờ có trong đầu những người quy hoạch thủ đô thời đổi mới”.
Vì sao một mô hình trái tim vừa dựng bên Hồ Gươm lại bị dư luận xã hội phản ứng dữ dội đến thế?
Trái tim? Đâu phải trái tim
Định danh cho sát mô hình “trái tim quái dị” - như cách gọi của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - bằng cụm từ “trái tim mọc lông” thì đúng hơn. Đó mới là điểm nhấn của cái gọi là tác phẩm nghệ thuật. Gọi thế mới rõ “chủ ý sáng tạo” của nghệ nhân.
“Điểm nhấn”, “chủ ý sáng tạo” ấy dẫn cái nhìn của người ta đến những liên tưởng méo mó khác. Khi ấy, trái tim không còn là trái tim, mà nó thành cái hình “gì đó đó”, có cả cái thứ không tiện nói ra. Nói điều này không hề có ý suy diễn, nâng quan điểm. Nếu đây chỉ là hình trái tim bình thường, thì dư luận đã không dậy sóng như thế.
Mà “trái tim quái dị”, “trái tim lông lá”, “trái tim bệnh hoạn” này được đặt ngay không gian Hồ Gươm! Có phải là sự giễu cợt, khi Hồ Gươm, từ rất lâu đã là biểu tượng trái tim Thủ đô, không những thế, là trái tim của trái tim?
Không được làm xấu xí Hồ Gươm
Có hai nơi khiến tôi yêu, nhớ và luyến tiếc khi phải rời xa Hà Nội, đó là không gian Hồ Gươm và Hồ Tây. Không gian Hồ Gươm, với đậm đặc hệ thống di tích lịch sử - văn hóa, với mặt hồ xanh lục, với thảm xanh và những con phố rợp cây khởi phát từ đây như than hồng giữ ấm tình yêu Hà Nội.
Hồ Gươm được mệnh danh là viên ngọc xanh, là không gian linh thiêng. Mỗi di tích, hàng cây, con đường đều như đã linh hóa, được sắp đặt đến độ hài hòa như thể có bàn tay tạo hóa.
Trải nghìn năm, dù bao đận giặc dã, thiên tai tàn phá, cùng sự tác động vô tâm, vô cảm của con người, mà lạ thay, viên ngọc xanh vẫn lung linh, để rồi ai đến đó cũng cảm thấy như mình được tiếp nhận nguồn năng lượng thanh lành, và an nhiên trở lại.
Đặt “trái tim lông lá” nơi đây, cả nghệ nhân lẫn nhà quản lý văn hóa đều rất đáng trách, đáng giận.
Người Hà Nội và cả nước đã bày tỏ thái độ không khoan nhượng khi không gian Hồ Gươm bị ai đó xâm lấn, hủy hoại và làm xấu xí. Không ít lần những hành vi nhân danh văn hóa và phát triển đe dọa xâm hại không gian linh thiêng này, đã bị cộng đồng yêu Hà Nội lên tiếng cảnh báo, ngăn chặn.
Chưa nói đến những công trình kiến trúc to tát như tòa nhà Hàm cá mập hay khách sạn Hà Nội Vàng, mà chỉ một thay đổi nho nhỏ nhưng thô thiển hóa Hồ Gươm cũng đã làm những người yêu Hà Nội, yêu Hồ Gươm “lên ruột”, như cái lần người ta thả xuống mặt hồ mấy bè hoa sen giả bằng nhựa, dập dềnh dạt vào bờ như một sự phỉ báng cái đẹp!
Bài học đắt giá
Vụ “trái tim mọc lông” là sự kiện văn hóa phản văn hóa, là chuyện đã rồi. Nhưng đây là bài học đắt giá cho những người làm quản lý văn hóa và cả lãnh đạo chính quyền thủ đô.
Đừng bỡn cợt với không gian Hồ Gươm.
Cũng cần nhắc lại một lần nữa những dòng cảm xúc của vị Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam: “Tôi mang cảm giác bao nhiêu vẻ đẹp Thăng Long, bao nhiêu tác phẩm điêu khắc đẹp của các nghệ sĩ Việt Nam hình như chưa bao giờ có trong đầu những người quy hoạch thủ đô thời đổi mới”.