Đừng biến lòng tốt thành thứ hiếm hoi, biến việc bình thường thành bất thường

Tặng bằng khen các sinh viên nhường chỗ cho cựu chiến binh là kỳ vọng quá thấp về đạo đức của các bạn trẻ; không nên biến lòng tốt thành thứ hiếm hoi, bất thường.

Đó là bình luận của bạn đọc Nguyễn Hòa An dưới bài “Sinh viên nhường chỗ cựu chiến binh là bình thường, sao lại tặng bằng khen?”. Độc giả này viết: “Tôi nghĩ việc tặng bằng khen cho hành động này đúng là có ‘quá liều’. Chẳng lẽ kỳ vọng của chúng ta đối với đạo đức của sinh viên thấp đến mức việc đứng dậy nhường chỗ cho người già, người có công với đất nước cũng được coi là hành động tốt xuất sắc, đến mức Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM phải tặng bằng khen? Đừng biến lòng tốt thành thứ hiếm hoi, biến việc bình thường thành bất thường”.

Sinh viên không biết nhường chỗ mới là bất thường

Trong hàng trăm bình luận phản hồi về bài viết, rất nhiều người đồng tình với ý kiến trên: “Nhường chỗ cho các bậc ông của mình, lại là cựu chiến binh, đó là việc đương nhiên của các cháu, cũng như văn hóa nhường ghế khi đi xe bus thôi, việc làm này có phải là thành tích đâu mà tặng bằng khen”; “Nhường người già, phụ nữ, trẻ em, đó là điều hiển nhiên, là điều rất bình thường trong cuộc sống mà nhỉ?”; “Việc người nhỏ tuổi nhường chỗ cho người già, trẻ em, phụ nữ mang thai, người khuyết tật là đạo lý xưa nay, có gì bất thường đâu”...

Độc giả Ngọc Thưởng viết: “Những điều bình thường này bị biến thành ‘phi thường’, các em nên được biểu dương và khuyến khích, nhưng tặng bằng khen thì bất thường quá”.

Nguyễn Hùng Thái: “Đó là hành vi cơ bản. Ngày xưa ông bà bố mẹ đều dạy phải luôn trọng người lớn tuổi dù đó là ai. Biết việc trao thưởng với hành vi cực bình thường này, tôi thấy hốt hoảng”.

Độc giả Việt Anh so sánh việc tặng bằng khen cho sinh viên biết nhường hỗ với hình ảnh cả nhà vỗ tay hoan hô đứa trẻ 7 tuổi biết tự ăn cơm: “Tôi cũng thấy việc Đại học Quốc gia TP.HCM tặng bằng khen cho 6 sinh viên vì hành vi nhường chỗ ngồi cho các cựu chiến binh là hơi quá. Cứ hình dung thế này, khi đứa trẻ 1 tuổi tự cầm bát xúc cơm ăn, ông bà bố mẹ vỗ tay khen ngoan quá, giỏi quá, nhưng với đứa trẻ 7 tuổi mà khen như vậy thì thật buồn cười.

Tương tự, nếu người nhường chỗ cho các cựu chiến binh hôm đó là em bé tiểu học chẳng hạn thì trường của bé cần khen thưởng long trọng để các cháu khác có thêm bài học sống động về đạo đức và ứng xử. Nhưng đây là sinh viên Đại học Quốc gia, việc họ làm hôm đó không hề cao hơn kỳ vọng của xã hội dành cho người đủ tuổi trưởng thành và có học thức cao. Long trọng tặng bằng khen vì hành động này của sinh viên cũng chẳng khác gì cảnh cả gia đình vỗ tay hoan hô đứa trẻ 7 tuổi biết tự cầm thìa cầm bát xúc cơm ăn cả”.

Nhường chỗ cho người già là cách ứng xử tối thiểu của người có giáo dục. (Ảnh minh họa: AI)

Nhường chỗ cho người già là cách ứng xử tối thiểu của người có giáo dục. (Ảnh minh họa: AI)

Nhiều bình luận khác cũng cho rằng, việc nhường chỗ cho cựu chiến binh rất đáng khen, tuy nhiên nên coi đó là tiêu chuẩn ứng xử cơ bản của người có giáo dục.

Độc giả Nguyễn Chanh viết: “Tặng bằng khen cho 6 sinh viên là hơi quá, vì việc nhường chỗ cho người già, người, người khuyết tật, phụ nữ có thai, trẻ nhỏ là bình thường, bởi từ tiểu học các cháu đã được giáo dục rồi. Đây lại là sinh viên đại học, nếu không tự giác nhường mới là có vấn đề. Bằng khen chỉ nên dành cho những người sẵn sàng quên mình cứu người đang gặp hoạn nạn trong tình huống khẩn cấp như cháy nhà, đuối nước, tại nạn giao thông mà người khác còn đang do dự hoặc họ không làm được”.

Lê: “Đó là hành động, cách ứng xử được giáo dục từ nhỏ ở nhà và ở trường, ai ai cũng phải làm điều đó thì mới xứng là con người có giáo dục, vậy hành động đó không cần khen thưởng vì nó đúng với điều mà người trẻ cần phải làm, ai ai cũng phải làm”.

Biểu dương, tuyên dương là đủ

Rất nhiều ý kiến cho rằng, hành vi của 6 sinh viên trên cần được khuyến khích và lan tỏa, nhưng bằng những hình thức phù hợp hơn tặng bằng khen.

Nguyenvan: “Trong trường hợp này nên khen các em nhưng chỉ cần khen ngợi trước tập thể là được. Việc tặng bằng khen cho một hành động thuộc về ý thức trách nhiệm (họ chẳng những đã trưởng thành mà còn là sinh viên) sẽ khiến cho sự lễ phép ai cũng phải có lại trở thành điều hiếm thấy”.

Nga Vũ: “Những người đi trên xe nhường chỗ ngồi cho người già, phụ nữ có đc tặng bằng khen không? Trong khi có những bạn đối xử chưa đúng mực thì các sinh viên này làm tốt, nên biểu dương”.

Thụ: “Tặng bằng khen thì hơi lố, tuyên dương trước toàn trường là phù hợp. Đó là bổn phận, là nghĩa vụ của tuổi trẻ, các bạn đa số sẽ hành động như vậy”.

Phong Nha Ngo: “Nhà trường chỉ nên tuyên dương toàn trường và có tặng thêm vật phẩm tượng trưng nếu có chứ không cần phải phô trương như vậy. Bằng khen chỉ dành cho những người có thành tích xuất sắc thôi”.

Giang Phong: “Tôi cũng thấy không cần thiết tặng bằng khen vì các em không tạo ra thành tích nổi bật. Tặng giấy khen, biểu dương và có phần thưởng là phù hợp vì các em đã có hành động đẹp góp phần làm đẹp thêm hình ảnh của trường”.

Đình Du Nguyễn: “Hàng ngày vẫn còn rất nhiều bạn học sinh, sinh viên có những hành động việc làm ý nghĩa, nhân văn tốt đẹp... nhưng chỉ cần một lời cảm ơn hoặc một nụ cười, một ánh mắt trân trọng là đã rất ấm lòng”.

Độc giả Trịnh Thanh Phi, người tự giới thiệu là cựu chiến binh, cũng không hoan nghênh việc tặng bằng khen lần này: “Các sinh viên ứng xử với cựu chiến binh như vậy là đúng, là chuyện bình thường trong cuộc sống như khi đi xe buýt, metro thì nhường ghế cho người già, phụ nữ, trẻ em. Chỉ cần lời biểu dương công khai khi sinh hoạt tập thể là đủ. Việc tặng bằng khen vô tình thừa nhận những hành vi đúng đắn đó trong cuộc sống là hiếm, quá đặc biệt! Tôi là cựu chiến binh nhưng không hoan nghênh cách khen thưởng này”.

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng quyết định khen thưởng của Đại học Quốc gia TP.HCM có tác dụng khuyến khích các hành động đẹp. Độc giả Nguyễn Bảo viết: “Theo tôi là hợp lý, hành động nhỏ nhưng sức lan tỏa lớn và giáo dục một cách rộng rãi về nhân cách sống. Tặng bằng khen cũng là cách ĐH Quốc gia TP.HCM nâng cao hơn nữa ý thức của sinh viên trong trường”.

“Việc mà người khác không làm, không biết làm mà các cháu lại làm và rất trân trọng thì nên tuyên dương khen thưởng”, Sam Hải viết.

Một số người cho rằng, nhường chỗ cho cựu chiến binh là hành động bình thường, nhưng xét bối cảnh hôm đó thì chuyện trường tặng bằng khen cũng không phải là quá.

Nguyen Thanh viết: “Đây là việc rất bình thường, cũng là nguyên tắc bất thành văn về cách hành xử trong xã hội nói chung; nhưng có những việc hết sức bình thường diễn ra đúng lúc, đúng chỗ, đúng thời điểm thì lại có giá trị rất lớn, có sức lan tỏa rộng. Vậy nên, việc nhà trường tổ chức biểu dương và tặng bằng khen cũng nên xem là cần thiết để tăng thêm sự lan tỏa của việc tốt và làm tấm gương cho người khác”.

“Việc làm tuy nhỏ nhưng diễn ra trong một sự kiện lớn; bên cạnh đó còn một số người có những hành vi, lời nói chưa đẹp, chưa tốt. Do đó việc nhà trường tặng bằng khen cho các sinh viên này một cách kịp thời để biểu dương nét đẹp đời thường là một việc cần thiết”, bạn đọc Hữu Phước bình luận.

Hà Anh

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/dung-bien-long-tot-thanh-thu-hiem-hoi-bien-viec-binh-thuong-thanh-bat-thuong-ar942265.html
Zalo