Đức tuyên bố không gửi quân tới Ukraine nếu không có 'sự tham gia của Mỹ'
Chính quyền Berlin được cho là đã loại trừ khả năng tham gia sứ mệnh gìn giữ hòa bình của EU mà không có sự hỗ trợ của Mỹ trên bộ.

Tòa nhà Quốc hội Đức ở Berlin vào ngày 29/1. Ảnh: Getty.
Berlin sẽ không cử lực lượng gìn giữ hòa bình đến Ukraine trừ khi Mỹ cũng triển khai lực lượng của mình, AFP dẫn một nguồn tin trong chính phủ Đức cho hay. Nhận xét được đưa ra sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth loại trừ việc triển khai quân nhân Mỹ như một phần của sự đảm bảo an ninh tiềm năng cho Kiev.
Một quan chức Đức nói với AFP: “Chúng tôi sẽ không tham gia vào các tình huống trong đó an ninh châu Âu và Mỹ có sự khác biệt, chẳng hạn như nếu binh lính châu Âu được triển khai mà không có sự tham gia đầy đủ của Mỹ”.
Ba Lan trước đó cũng bác bỏ khả năng gửi quân tới Ukraine. Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk cho biết hôm 17/2: “Ba Lan sẽ hỗ trợ Ukraine như đã làm cho đến nay: về mặt tổ chức, phù hợp với khả năng tài chính của chúng tôi, về viện trợ nhân đạo và quân sự. Chúng tôi không có kế hoạch gửi binh lính Ba Lan đến lãnh thổ Ukraine”.
Thủ tướng Anh Keir Starmer, người ủng hộ tích cực Ukraine trong cuộc xung đột với Nga, đã tuyên bố rằng ông sẵn sàng đóng góp quân đội như một phần của sự “đảm bảo an ninh” sau ngừng bắn cho Kiev.
Moscow đã nhiều lần nhấn mạnh rằng một giải pháp hòa bình chỉ có thể thực hiện được nếu phương Tây giải quyết được “nguyên nhân gốc rễ” của cuộc xung đột, chẳng hạn như kế hoạch gia nhập NATO của Ukraine và việc liên minh này tiếp tục mở rộng về phía đông.
Ông Vassily Nebenzia, đặc phái viên của Nga tại Liên hợp quốc, cho biết hồi đầu tháng này rằng chỉ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc mới có thể cho phép triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình, đồng thời cảnh báo rằng Nga sẽ coi “bất kỳ đơn vị quân sự nước ngoài nào” không được Liên hợp quốc hậu thuẫn là “mục tiêu hợp pháp”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hứa sẽ nhanh chóng chấm dứt xung đột và thực hiện các bước nhằm khôi phục liên lạc ngoại giao với Moscow vốn đã bị đóng băng trên thực tế vào năm 2022. Các quan chức Mỹ và Nga sẽ thảo luận về Ukraine tại Riyadh, Arab Saudi vào thứ Tư tuần này.
Nhà lãnh đạo Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết Kiev sẽ không tham gia các cuộc đàm phán ở Riyadh và sẽ “không công nhận” bất kỳ cuộc đàm phán nào được tổ chức mà không có sự đồng ý của nước này.
Nhiều quan chức EU đã bày tỏ sự thất vọng với ông Trump sau khi ông thực hiện cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 12/2 mà không được sự chấp thuận của họ.