Đức Trọng: Xuất hiện bệnh khô ngọn trên cây cà phê
Trên địa bàn xã Bình Thạnh, huyện Đức Trọng hiện có khoảng 2 ha cà phê canh tác theo kỹ thuật 'đa thân không hãm ngọn' bị nhiễm bệnh chết khô ngọn, tỷ lệ hại khoảng 20 đến 30% cây, mỗi cây bị khoảng 1 đến 2 'thân con'.
Bệnh chết khô ngọn trên cây cà phê có biểu hiện giống hiện tượng gây hại của mọt đục cành và sâu đục thân. Cây bị bệnh ban đầu có triệu chứng lá trên các cành ngọn chuyển vàng, rủ xuống sau đó khô và rụng dần chỉ còn trơ lại cành. Quả ở các cành bị bệnh chuyển vàng và khô đen dần. Sau một thời gian nhiễm bệnh, toàn bộ cành ngọn cây sẽ chết khô đen.
Để chủ động các biện pháp phòng trừ đối tượng gây hại trên cây cà phê, Trung tâm Nông nghiệp huyện Đức Trọng khuyến cáo bà con nông dân trên địa bàn xã Bình Thạnh nói riêng và các hộ dân trồng cà phê trong huyện nói chung cần tăng cường công tác thăm vườn cà phê để nắm bắt tình hình gây hại.
Đồng thời, cắt bỏ và thu gom toàn bộ thân, cành, lá, quả nhiễm để đốt, tiêu hủy, tuyệt đối không để lại trên vườn hoặc xung quanh vườn dễ làm nguồn bệnh lây lan sang các vùng lân cận. Thường xuyên phát dọn cỏ dại, tỉa bỏ chồi vượt, cành vô hiệu, cành khuất bên trong tán giúp cho vườn thông thoáng, giảm ẩm độ vườn cây. Mặt khác, cây cà phê đang trong giai đoạn nuôi trái, bà con cần bổ sung đầy đủ, cân đối dinh dưỡng để hạn chế tình trạng thiếu dinh dưỡng hoặc bón phân không cân đối gây vàng lá, rụng quả, sinh trưởng phát triển kém, tạo điều kiện cho bệnh chết khô ngọn phát triển và lây lan.