Đức Trọng: Tăng cường các biện pháp phòng bệnh trên con tằm
(LĐ online) - Lãnh đạo UBND huyện Đức Trọng vừa có văn bản chỉ đạo các phòng, ban, địa phương tăng cường công tác phối hợp mở lớp tập huấn, tuyên truyền đến người nuôi tằm về kỹ thuật trồng dâu, nuôi tằm và các biện pháp phòng bệnh trong tình hình tằm bị bệnh không kéo kén gây thiệt hại lớn cho người dân trên địa bàn thời gian qua.

Việc tăng cường mở các lớp tập huấn kỹ thuật trồng dâu, nuôi tằm góp phần phòng tránh các bệnh trên con tằm
Theo báo cáo từ Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện, thời gian qua, đơn vị đã phối hợp với Trung tâm Nông nghiệp, UBND các xã để kiểm tra, làm việc với một số hộ nuôi tằm trên địa bàn.
Qua làm việc, phản ánh của địa phương và người chăn nuôi tằm, trước đây nuôi tằm phát triển bình thường, ít bị bệnh và người nuôi tằm có thu nhập ổn định. Tuy nhiên, trong khoảng tháng 3/2024 đến nay, tằm hay bị bệnh; trong đó, có tình trạng tằm không quấn kén đã gây thiệt hại rất lớn cho các hộ chăn nuôi tằm.
Qua khảo sát và tham khảo ý kiến của các chuyên gia, bước đầu nhận định một số nguyên nhân gây bệnh trên tằm như: Tại các vùng trồng dâu nuôi tằm, diện tích trồng dâu tiếp giáp hoặc gần với diện tích trồng các loại hoa màu, cây công nghiệp có sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; các bệnh trên tằm phần lớn là do vi rút thường tồn dư trong môi trường nhà nuôi tằm và dễ dàng lây lan sang các lứa tằm tiếp theo. Một vài lứa tằm, có thể một phần nguyên nhân do ảnh hưởng từ chất lượng trứng giống tằm.
Để tăng cường công tác phòng bệnh trên tằm nhằm giảm thiểu thiệt hại, góp phần phát triển bền vững ngành chăn nuôi tằm tại huyện, UBND huyện Đức Trọng giao Trung tâm Nông nghiệp huyện thường xuyên theo dõi tình hình bệnh trên tằm, báo cáo về Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật để có biện pháp phòng bệnh phù hợp; mở lớp tập huấn, tuyên truyền đến người nuôi tằm về kỹ thuật trồng dâu, kỹ thuật nuôi tằm, các biện pháp phòng bệnh trên tằm; thường xuyên điều tra tình hình sâu bệnh hại trên cây dâu và dịch bệnh trên tằm.
Bên cạnh đó, UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến cáo người dân sản xuất dâu tằm áp dụng các biện pháp để phòng bệnh trên tằm theo hướng dẫn của Trung tâm Nông nghiệp huyện.
Hiện nay, thống kê huyện Đức Trọng có 1.819 ha dâu tằm, tập trung tại một số xã như Bình Thạnh, N’ Thôn Hạ, Liên Hiệp, Tân Hội, Tân Thành và Ninh Gia. Đây là địa phương đứng thứ 2 của tỉnh về diện tích và sản lượng kén tằm, chỉ sau huyện Lâm Hà.