Đức Trọng: Người dân không đồng ý phương án bồi thường, hỗ trợ của công ty cung ứng vắc xin làm bò sữa bệnh, chết

Ngày 28/9, UBND huyện Đức Trọng tổ chức buổi làm việc giữa các bên liên quan để thỏa thuận phương án bồi thường, hỗ trợ thiệt hại trên đàn bò phát bệnh do tiêm vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục Navet-LpVac.

Ông Lê Nguyên Hoàng - Chủ tịch UBND huyện điều hành buổi làm việc

Ông Lê Nguyên Hoàng - Chủ tịch UBND huyện điều hành buổi làm việc

Tham dự buổi làm việc có ông Phạm Phi Long - Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản; đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, bà Nguyễn Thị Kim Lan - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thuốc thú y Trung ương Navetco - đơn vị cung cấp vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục Navet-LpVac.

Về phía huyện Đức Trọng có các ông: Trần Trung Hiếu - Bí thư Huyện ủy, Lê Nguyên Hoàng - Chủ tịch UBND huyện, Nguyễn Mậu Thế - Phó Chủ tịch UBND huyện, lãnh đạo Hội Nông dân, Trung tâm Nông nghiệp huyện; lãnh đạo các địa phương có đàn bò sữa bị bệnh, chết, gồm: xã Hiệp Thạnh, Liên Hiệp, Phú Hội, Hiệp An và đại diện các cơ sở chăn nuôi có bò bệnh, bò chết do tiêm vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục.

Bà Nguyễn Thị Kim Lan - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thuốc thú y Trung ương Navetco trình bày phương án bồi thường, hỗ trợ thiệt hại tại buổi làm việc

Bà Nguyễn Thị Kim Lan - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thuốc thú y Trung ương Navetco trình bày phương án bồi thường, hỗ trợ thiệt hại tại buổi làm việc

BÒ CHẾT "ĐẦY ĐỦ HỒ SƠ", BỒI THƯỜNG TỐI ĐA 70.000 ĐỒNG/KG

Tại buổi làm việc, đại diện Công ty Cổ phần Thuốc thú y Trung ương Navetco đã trình bày phương án bồi thường, hỗ trợ thiệt hại trên đàn bò bị phát bệnh do tiêm vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục Navet-LpVac.

Đại diện Công ty cho biết: Từ năm 2023, vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục Navet-LpVac đã được Cục Thú y cấp giấy chứng nhận lưu hành. Kể từ đó đến nay, Công ty đã cung cấp hơn 300 ngàn liều vắc xin và được sử dụng tại 30 tỉnh, thành trong toàn quốc. Sự cố xảy ra tại Lâm Đồng là sự cố bất thường.

Bà Nguyễn Thị Kim Lan - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thuốc thú y Trung ương Navetco, gửi lời xin lỗi đến người chăn nuôi có đàn bò bị ảnh hưởng; đồng thời, đưa ra phương án bồi thường, hỗ trợ đàn bò bị chết, bệnh do tiêm vắc xin.

Theo đó, mức bồi thường đối với bò chết có đầy đủ hồ sơ: Bò hậu bị không mang thai (bao gồm bê): 55.000 đồng/kg bò hơi; bò hậu bị mang thai: 60.000 đồng/kg bò hơi; bò sinh sản không mang thai: 65.000 đồng/kg bò hơi, bò sinh sản mang thai: 70.000 đồng/kg bò hơi.

Đối với bò chết do hộ chăn nuôi tự xử lý, có xác nhận của thôn, xã, mức hỗ trợ là: 7.000.000 đồng/con (bò đã bán) và 10.000.000 đồng/con (bò đã bán).

Về mức hỗ trợ đối với bò sữa bệnh có đầy đủ hồ sơ, chi phí điều trị bệnh: 1.000.000 đồng/con, chi phí thiệt hại sản xuất: 2.100.000 đồng/con (áp dụng với bò sữa đang khai thác sữa); bò bệnh bị sảy thai: 6.100.000 đồng/con (không áp dụng đối với bò chết).

Người chăn nuôi bò cho rằng mức bồi thường, hỗ trợ quá thấp so với thiệt hại mà người dân đang phải gánh chịu

Người chăn nuôi bò cho rằng mức bồi thường, hỗ trợ quá thấp so với thiệt hại mà người dân đang phải gánh chịu

Thời điểm tính bồi thường hỗ trợ được xác định từ ngày phát sinh ca bệnh đầu tiên đến thời điểm 16h00 ngày 26/9/2024. Sau thời gian này, Công ty Navetco sẽ phối hợp cùng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Lâm Đồng và Cơ quan thú y địa phương tiến hành lấy mẫu đối với bò chết, bò sảy thai để xác định nguyên nhân làm cơ sở thực hiện bồi thường, hỗ trợ.

Phía Công ty cũng đưa ra thời gian chi trả thành 2 lần. Ngoài yêu cầu đầy đủ về hồ sơ, trong Phiếu lấy ý kiến, phía Công ty cũng yêu cầu bên nhận bồi thường, hỗ trợ cam kết không khiếu nại hay có bất cứ tranh chấp gì liên quan đến số lượng bò và số tiền bồi thường, hỗ trợ sau khi đã được nhận tiền.

Cũng theo đại diện Công ty, phương án trên được đưa ra sau khi đã tìm hiểu, cân nhắc phương án khắc phục sự cố dựa trên các thông tin và tư vấn thực tế từ các công ty chăn nuôi và các hộ chăn nuôi trên địa bàn, cũng như các đơn vị tư vấn. Đồng thời, cũng xét khả năng tài chính và phương án khả thi cao nhất mà Công ty có thể thực hiện.

Người dân phát biểu ý kiến tại buổi làm việc

Người dân phát biểu ý kiến tại buổi làm việc

GIÁ BỒI THƯỜNG QUÁ THẤP SO VỚI THIỆT HẠI

Sau khi nghe đại diện Công ty Cổ phần Thuốc thú y Trung ương Navetco trình bày phương án đền bù, hỗ trợ thiệt hại trên đàn bò, các hộ chăn nuôi có bò chết, bệnh khi tiêm vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục Navet-LpVac đã có 18 ý kiến phát biểu.

Đa số các ý kiến đều không đồng thuận với phương án mà Công ty Cổ phần Thuốc thú y Trung ương Navetco đã đưa ra. Các ý kiến đều cho rằng, mức giá đền bù trên là quá thấp so với những thiệt hại mà người nuôi bò sữa đã và đang phải gánh chịu.

Bởi lẽ, theo lý giải của người dân, thu nhập chính của họ là từ đàn bò sữa, sau khi tiêm vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục Navet-LpVac, ngoài những con đã bị chết, đối với những con đang phục hồi thì sản lượng sữa bị giảm rõ rệt. Nhiều hộ dân đang phải vay nợ ngân hàng, nợ trả chưa xong, giờ lại chồng chất khó khăn.

Thêm vào đó, có ý kiến cho rằng, thời điểm tính bồi thường, hỗ trợ được xác định từ ngày phát sinh ca bệnh đầu tiên đến thời điểm 16h00 ngày 26/9/2024 là không thỏa đáng vì sau khi tiêm vắc xin, bò còn bị di chứng rất lâu, còn ảnh hưởng đến các thế hệ sau, chứ không phải chỉ đến ngày 26/9/2024.

Vì vậy, đa số các ý kiến của người dân đều yêu cầu Công ty phải tính toán lại phương án bồi thường, hỗ trợ thiệt hại một cách thỏa đáng để bà con có điều kiện khôi phục chăn nuôi. Người dân cũng đưa ra đề xuất về mức bồi thường, hỗ trợ theo từng loại bò bị thiệt hại.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến xem xét vắc xin tiêm cho đàn bò tại thôn Bồng Lai, xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng gây nên tình trạng bò bệnh và chết

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến xem xét vắc xin tiêm cho đàn bò tại thôn Bồng Lai, xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng gây nên tình trạng bò bệnh và chết

SỚM BỒI THƯỜNG, HỖ TRỢ THEO QUY ĐỊNH

Sau khi nghe ý kiến của các bên liên quan, ông Lê Nguyên Hoàng - Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng đề nghị Công ty Cổ phần Thuốc thú y Trung ương Navetco tiếp thu các ý kiến của các hộ dân đã nêu. Từ đó, sớm xem xét, bồi thường, hỗ trợ theo quy định cho các hộ bị ảnh hưởng trên tinh thần những nội dung nào có thể xem xét, triển khai trước thì làm trước để nhanh chóng khắc phục hậu quả cho người chăn nuôi bò.

Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng cũng đề nghị bà con rà soát, xem xét lại từng phương án mà phía Công ty đã đưa ra. Nội dung nào đồng ý thì phản hồi trước, để các cơ quan có thẩm quyền biết và có ý kiến báo cáo với cấp trên.

Đối với các phòng, ban, cơ quan đơn vị địa phương, ông cũng đề nghị tiếp tục hoàn chỉnh các hồ sơ theo yêu cầu của các đơn vị liên quan để đảm bảo các thủ tục chi trả cho các hộ dân theo đúng quy định của pháp luật và đảm bảo quyền lợi của người dân.

Lực lượng thú y hỗ trợ người dân chăm sóc đàn bò bị bệnh

Lực lượng thú y hỗ trợ người dân chăm sóc đàn bò bị bệnh

Trước đó, như Báo Lâm Đồng đã thông tin, sau khi tiêm vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục Navet-LpVac do Công ty Cổ phần Thuốc thú y Trung ương Navetco cung cấp, trong vòng 7 đến 10 ngày, bò sữa xuất hiện các triệu chứng bỏ ăn, sốt, tiêu chảy và một số con bị chết.

Khởi điểm bò bị bệnh xuất hiện đầu tiên tại huyện Đơn Dương và sau đó xảy ra tại các huyện Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh và TP Bảo Lộc.

Người dân chăn nuôi bò bị thiệt hại nêu ý kiến tại buổi làm việc

Người dân chăn nuôi bò bị thiệt hại nêu ý kiến tại buổi làm việc

Theo các văn bản của Cục Thú y kết luận, nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy trên đàn bò sữa tại Lâm Đồng là "do nhiễm Pestivirus tauri (BVDV type 2) sau khi tiêm vắc xin Navet-LpVac của Công ty Navetco; trong vắc xin Navet-LpVac của Công ty Navetco có BVDV type 2; kết quả giải trình tự gen của BVDV type 2 có trong mẫu bệnh phẩm và mẫu vắc xin Navet-LpVac có độ tương đồng 100% về nucleotide”.

Để khống chế bệnh tiêu chảy trên đàn bò sữa trong tỉnh, UBND tỉnh Lâm Đồng đã huy động lực lượng hơn 600 người từ Trung ương đến địa phương tham gia phục vụ phòng, chống bệnh. Đồng thời, tiếp tục theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình bệnh; hỗ trợ người dân điều trị, chăm sóc phục hồi và không để phát sinh thêm bệnh trên đàn bò.

Theo UBND huyện Đức Trọng, tính đến ngày 27/9, trên địa bàn huyện có 2.850 con bò bị nhiễm bệnh, 213 con bị chết.

Tính đến nay, toàn tỉnh Lâm Đồng đã có hơn 500 con bò sữa bị chết và có hơn 6.000 con bò sữa bị nhiễm bệnh sau khi tiêm vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục.

N.MINH

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/kinh-te/202409/duc-trong-nguoi-dan-khong-dong-y-phuong-an-boi-thuong-ho-tro-cua-cong-ty-cung-ung-vac-xin-lam-bo-sua-benh-chet-1d622fc/
Zalo