Đức: 'Liên minh đèn giao thông' và những kỳ vọng
Truyền thông Đức đưa tin, hiện đảng Dân chủ xã hội (SPD), đảng Xanh và đảng Dân chủ tự do (FDP) đã tham gia các cuộc đàm phán chính thức thành lập chính phủ liên minh. Nếu việc này thành công, đây sẽ là chính phủ liên minh 3 đảng đầu tiên ở Đức kể từ sau chiến tranh, đồng thời cũng đặt dấu chấm hết cho 16 năm cầm quyền của Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ Đốc giáo (CDU/CSU) dưới sự lãnh đạo của bà Merkel.
“Liên minh đèn giao thông”
Kết quả do Ủy ban Bầu cử Liên bang công bố ngày 15-10 cho thấy, trong cuộc bầu cử cuối tháng 9, SPD đã đánh bại CDU/CSU với 25,5% số phiếu và trở thành đảng lớn nhất trong quốc hội. CDU/CSU đứng thứ hai với 24,1% số phiếu - kết quả tồi tệ nhất trong lịch sử của đảng này. Đảng Xanh và FDP lần lượt nhận được 14,8% và 11,5% số phiếu, đứng vị trí thứ ba và thứ tư.
Hiến pháp Đức quy định một đảng hoặc liên minh đảng nào đó phải nắm hơn một nửa số ghế trong hạ viện mới có thể thành lập chính phủ mới. Tương tự như cuộc bầu cử cách đây 4 năm, SPD và CDU/CSU đều không đạt số ghế quá bán trong hạ viện, còn đảng Xanh và FDP lại một lần nữa “góp mặt” trong liên minh cầm quyền. Điểm khác biệt so với 4 năm trước là CDU/CSU với 4 nhiệm kỳ liên tiếp nắm quyền, đang ở tình thế bị động hiện nay.
"Liên minh đèn giao thông" giành chiến thắng áp đảo là sự kiện quan trọng của chính trường Đức.
Ngay sau khi cuộc bầu cử kết thúc, đảng Xanh và FDP đã triển khai đàm phán riêng. Sau đó, SPD và CDU/CSU lần lượt tổ chức các cuộc đàm phán 3 bên với đảng xanh và FDP. Rồi lại đến lượt đảng Xanh và FDP quyết định tiến hành các cuộc đàm phán thăm dò với SPD về việc thành lập chính phủ liên minh nhằm tìm kiếm điểm chung và gây dựng lòng tin lẫn nhau. Vì màu đại diện của SPD, đảng Xanh và FDP lần lượt là đỏ, xanh và vàng nên liên minh giữa 3 đảng này được gọi là “liên minh đèn giao thông”.
Theo dư luận Đức, đứng trên phương diện kinh nghiệm lịch sử lẫn phổ chính trị, thì đây là một sự kiện quan trọng của lịch sử chính trường Đức. Kể từ năm 1982 đến nay, FDP luôn là đối tác của CDU/CSU, vậy mà hiện tại lại bất ngờ tham gia cuộc đàm phán do SDP lãnh đạo. Về phương diện phổ chính trị, SPD bắt nguồn từ phong trào công nhân Đức thế kỷ 19, giữ lập trường trung tả, đại diện cho tầng lớp lao động và dân thường. Đảng Xanh được thành lập vào đầu những năm 1980, chú trọng việc ứng phó với biến đổi khí hậu, được thanh niên, phụ nữ và một số thành phần trí thức ưa thích. FDP giữ lập trường trung dung thiên hữu, ủng hộ giới doanh nghiệp và đại diện cho lợi ích của các doanh nghiệp lớn.
Cục diện hài hòa này trái ngược với tình trạng bế tắc trong việc thành lập chính phủ sau cuộc bầu cử năm 2017. Lần này, 3 bên đã hoàn tất đàm phán thăm dò trong vòng nửa tháng và chuẩn bị bước vào đàm phán chính thức. Người dân Đức cũng đặt nhiều kỳ vọng vào triển vọng thành lập liên minh 3 bên. Cuộc thăm dò mới nhất của Kênh truyền hình ZDF cho thấy 62% số người được hỏi ủng hộ “liên minh đèn giao thông” và hơn 75% ủng hộ ông Martin Schulz, lãnh đạo SPD, trở thành thủ tướng.
Hợp tác và kỳ vọng
Hiện tại, được biết 3 bên đã đạt được một số đồng thuận sơ bộ xoay quanh các nguyên tắc cơ bản, chẳng hạn như duy trì “kiềm chế nợ công”, không tăng thuế trong nhiệm kỳ hay tăng lương tối thiểu và hạ độ tuổi bỏ phiếu của thanh niên. SPD quan tâm đến nhu cầu của người dân, mục tiêu của đảng Xanh về ứng phó với biến đổi khí hậu tương đối tích cực. FDP thiên về cánh hữu, không hài lòng với việc tăng thuế và phản đối việc chi ngân sách để thực hiện các mục tiêu xanh và kỹ thuật số. Trong tương lai, các bên vẫn tiếp tục đi sâu vào các cuộc đàm phán và thương lượng xoay quanh tranh chấp trong các lĩnh vực tài chính, xã hội và sinh thái. Ngoài ra, việc phân chia quyền lực cũng sẽ là một trong những trọng tâm của đàm phán vì điều này liên quan đến các vị trí chủ chốt trong chính phủ.
Ông Martin Schulz thời điểm tái đắc cử Chủ tịch Nghị viện EU.
Hầu hết người Đức hy vọng rằng “liên minh đèn giao thông” có thể mang lại một số thay đổi. Người ta đang nói nhiều đến sự phân mảnh giữa các chính đảng và Đức cũng không ngoại lệ. Hơn nữa, sự chênh lệch về số phiếu giữa các chính đảng ngày càng thu hẹp. Nếu “liên minh đèn giao thông” đạt được thỏa thuận, trong ngắn hạn chính phủ mới có thể sẽ “yếu thế” hơn so với chính phủ của bà Merkel, bởi nhiều nhà phân tích cho rằng việc các chính đảng gia tăng số lượng và đến từ nhiều nơi khác nhau sẽ dẫn đến sự kiềm chế lẫn nhau. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ dài hạn, chính phủ liên minh 3 bên sẽ trở thành một trạng thái bình thường mới. Các bên có thể tìm được vị trí cũng như sự cân bằng của riêng mình và khả năng là một số chương trình nghị sự chính sách có thể được thúc đẩy.