Đức kiên quyết nói 'không' với giấc mơ của Ukraine về loại vũ khí đặc biệt

Nhà lãnh đạo Đức Olaf Scholz một lần nữa khẳng định Berlin sẽ không gửi tên lửa hành trình tầm xa Taurus cho Ukraine.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ảnh: DW

Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ảnh: DW

Theo hãng tin Tass, Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 20/9 tuyên bố, Kiev sẽ không nhận được loại tên lửa Taurus với tầm bắn lên tới 500 km.

"Mặc dù phải chịu sức ép từ các đồng minh phương Tây, nhưng tôi sẽ không chuyển giao tên lửa hành trình có khả năng vươn xa tới Moscow cho Ukraine" - Thủ tướng Scholz nói tại một cuộc gặp gỡ với cư dân địa phương tại TP Niedergorsdorf, bang Brandenburg.

"Tôi nhắc lại rằng chúng tôi sẽ giữ vững lập trường này,” ông Scholz nói thêm.

Nhà lãnh đạo Đức cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc tìm kiếm các giải pháp ngoại giao để giải quyết cuộc xung đột hiện tại ở Ukraine.

Đức là nhà tài trợ quân sự lớn thứ 2 của Ukraine chỉ sau Mỹ, đã cam kết viện trợ hơn 28 tỷ euro vũ khí sát thương cho Kiev kể từ khi cuộc xung đột với Nga bắt đầu. Chính quyền Berlin dự kiến sẽ phân bổ thêm khoảng 397 triệu euro viện trợ quân sự bổ sung ngắn hạn cho Kiev.

Trước đó, hôm 19/9, Chính phủ Đức thông báo đã chuyển 22 xe tăng Leopard 1 A5, 61.000 viên đạn 155mm, 3 pháo phòng không tự hành Gepard cùng các phụ tùng thay thế và nhiều thiết bị khác trong đợt chuyển giao viện trợ quân sự mới nhất cho Ukraine.

Chính quyền Kiev từ lâu đã đề nghị Berlin cung cấp hệ thống Taurus - một trong những tên lửa tầm xa mạnh nhất, nhưng nhận được phản hồi không chắc chắn và sau đó là những lời từ chối nhất quán của Đức.

Taurus là tên lửa hành trình do Đức - Thụy Điển cùng hợp tác sản xuất, được thiết kế để tấn công các mục tiêu kiên cố nằm sâu dưới lòng đất và được bảo vệ chặt chẽ, chẳng hạn như các trạm chỉ huy và cầu. Tên lửa hành trình Taurus có thể tấn công các mục tiêu ở cự ly tới 500km, vượt xa khả năng của các hệ thống tầm xa khác của phương Tây mà Ukraine đang sử dụng.

Vì sao Berlin từ chối cấp tên lửa Taurus cho Kiev?

Tờ Kyivindependent Kiev cho biết, trước đó, Đức theo sau Mỹ đi tiên phong trong việc bàn giao hệ thống phòng không Patriot đầu tiên vào đầu năm 2023 và các xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard cho Ukraine.

Khi Kiev phát động một cuộc tấn công bất ngờ vào tỉnh biên giới Kursk của Nga, chiến dịch này đã nhận được sự ủng hộ từ Berlin. Bộ Quốc phòng Đức tuyên bố, Ukraine "được tự do lựa chọn" các loại vũ khí để sử dụng bên trong lãnh thổ Nga để tự vệ phù hợp với luật pháp quốc tế.

Tuy nhiên, chính quyền Berlin hiện vẫn tiếp tục từ chối yêu cầu của Ukraine về việc cung cấp mảnh ghép cuối cùng, đó là tên lửa Taurus có thể nhắm vào quân đội Nga ở hậu phương.

Theo ông Fabian Hoffmann, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Oslo, kịch bản ác mộng đối với Thủ tướng Đức Scholz là Ukraine sẽ sử dụng tên lửa Taurus để tấn công các mục tiêu nhạy cảm về mặt chính trị bên trong Nga.

“Thủ tướng Đức lo ngại rằng điều này có thể leo thang cuộc xung đột hiện tại và đẩy Berlin vào tình thế thù địch trực tiếp với Nga. Về cơ bản, điều này có nghĩa là ông Scholz bị hạn chế do thiếu ý chí chính trị, bắt nguồn từ việc thiếu niềm tin vào giới lãnh đạo Ukraine để không thất hứa bất kỳ cam kết nào" - chuyên gia Hoffmann nói.

Tên lửa hành trình Taurus do Đức chế tạo không được Berlin cân nhắc chuyển cho Kiev. Ảnh: AFP

Tên lửa hành trình Taurus do Đức chế tạo không được Berlin cân nhắc chuyển cho Kiev. Ảnh: AFP

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho rằng việc Berlin từ chối cung cấp tên lửa tầm xa cho Kiev có liên quan đến việc Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo về vũ khí hạt nhân.

"Theo tôi hiểu, Thủ tướng Scholz nói rằng Đức không phải là một quốc gia hạt nhân và đây (tên lửa Taurus) là hệ thống vũ khí mạnh nhất ở Đức" - Tổng thống Zelensky nói trong một cuộc phỏng vấn với tờ Bild của Đức.

Trong những bình luận gần đây, Tổng thống Putin tuyên bố rằng việc “bật đèn xanh” cho Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa chống lại các mục tiêu bên trong Nga có nghĩa là NATO đang "có chiến tranh" với Moscow.

Ngoài hệ thống tên lửa chiến thuật Lục quân (ATACMS) do Mỹ cung cấp, Ukraine còn nhận được tên lửa Storm Shadow của Anh, cùng với tên lửa SCALP tương đương của Pháp, có tầm bắn lên tới 250km. Kho vũ khí này đã giúp Ukraine tấn công các mục tiêu của Nga tại các vùng lãnh thổ bị kiểm soát, trong đó có Crimea.

Kiev đã nhiều lần cam kết sẽ không tấn công lãnh thổ Nga bằng vũ khí tầm xa do các đồng minh phương Tây cung cấp mà không có sự chấp thuận chính thức, song Berlin dường như không quan tâm.

Chuyên gia chính trị Jessica Berlin tại Trung tâm Phân tích Chính sách Châu Âu (CEPA), cho biết: "Tại thời điểm này, việc Berlin từ chối cung cấp tên lửa tầm xa cho Kiev có thể gọi là vấn đề cá nhân của Thủ tướng Đức. Có yếu tố cá nhân liên quan đến những cân nhắc chính trị khác... Đó không phải là yếu tố duy nhất dẫn đến quyết định này, nhưng chắc chắn nó đóng một vai trò nào đó".

Theo một tướng Đức giấu tên, việc cung cấp tên lửa Taurus cho Ukraine chỉ là một quyết định chính trị và Lực lượng Vũ trang Đức không phản đối quyết định được đưa ra.

Trong khi đó, đa số người Đức ủng hộ quyết định của Thủ tướng Scholz không cung cấp tên lửa tầm xa Taurus cho Ukraine.

Một cuộc thăm dò vào tháng 4 của Viện Forsa cho thấy, chỉ 37% người Đức ủng hộ việc giao tên lửa hành trình tầm xa này tới Kiev, trong khi 56% phản đối động thái đó.

Đồng thời, theo cuộc thăm dò hồi tháng 2 của kênh truyền hình ZDF, 62% người Đức ủng hộ các nước châu Âu cung cấp thêm vũ khí, đạn dược cho Kiev, trong khi 32% phản đối.

Nguyễn Phương

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/duc-kien-quyet-noi-khong-voi-giac-mo-cua-ukraine-ve-loai-vu-khi-dac-biet.html
Zalo