Đức không còn nhu cầu nào đối với khí đốt Nga nữa
Các cơ sở lưu trữ khí đốt tự nhiên của Đức đã đầy và mọi mục tiêu đều đã đạt được. Tuy nhiên, giá khí đốt ở Đức đang cao hơn mức trước xung đột ở Ukraine.
Đức đã giải quyết được cuộc khủng hoảng năng lượng và sẵn sàng cho mùa đông sắp tới, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết trong các bình luận được báo Bild trích dẫn hôm 19/9.
"Không còn tình trạng thiếu khí đốt nữa", ông Habeck cho biết trong cuộc đối thoại với người dân tại thành phố Osnabruck thuộc bang Niedersachsen, đồng thời nói thêm rằng Đức không còn nhu cầu nào đối với khí đốt Nga nữa.
Nguồn cung khí đốt Nga cho châu Âu bắt đầu bị thắt chặt dần kể từ khi Moscow phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine kéo theo hàng loạt các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ.
Gã khổng lồ năng lượng nhà nước Gazprom của Nga đã "khóa van" nguồn cung trực tiếp khí đốt thông qua đường ống Nord Stream (Dòng chảy phương Bắc) từ Nga qua Biển Baltic tới Đức vào năm 2022, và không lâu sau đó đường ống này đã ngừng hoạt động vô thời hạn do bị hư hại trong các vụ nổ phá hoại.
Năm 2023, Đức đã ký một thỏa thuận với Na Uy, nhà sản xuất khí đốt lớn nhất châu Âu, theo đó tăng thị phần nguồn cung của Na Uy lên 60%, tương đương với lượng mà Nga từng cung cấp.
Theo Phó Thủ tướng Habeck, các cơ sở lưu trữ khí đốt tự nhiên của Đức đã đầy và mọi mục tiêu đều đã đạt được. Tuy nhiên, vị chính trị gia đến từ Đảng Xanh (Greens) cũng cho biết giá khí đốt ở Đức đang cao hơn mức trước xung đột ở Ukraine.
"Giá cao hơn; điều này cũng áp dụng cho khí đốt, nhưng không phải vì chúng tôi thiếu hụt nguồn cung", Phó Thủ tướng Đức cho biết, đồng thời nói thêm rằng lý do thực sự là các quốc gia châu Á đang thu mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG).
Ông Habeck bày tỏ tin tưởng rằng giá khí đốt sẽ giảm trở lại khi có thêm khối lượng LNG được giải phóng và đưa vào thị trường Đức. Nhìn chung, giá khí đốt ở Đức sẽ chỉ "cao hơn một chút so với những năm trước đại dịch", ông tuyên bố.
Ukraine hiện đang vận chuyển khí đốt Nga sang EU trong khuôn khổ một thỏa thuận được ký vào năm 2019, dự kiến sẽ hết hạn vào tháng 12 năm nay. Châu Âu và Ukraine đang đàm phán với Azerbaijan về việc thay thế Nga làm nhà cung cấp.
Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev cho biết vào ngày 6/9 rằng, các cuộc đàm phán đang được tiến hành với EU, Moscow và Kiev để vận chuyển khí đốt Azerbaijan tới các khách hàng châu Âu sau khi Ukraine ngừng trung chuyển khí đốt Nga.
Nguồn cung khí đốt từ Azerbaijan muốn đến được Ukraine thì trước tiên sẽ phải chảy qua cơ sở hạ tầng ở miền Nam nước Nga.
"Nga, Ukraine và các tổ chức châu Âu đã tiếp cận chúng tôi liên quan đến việc tiếp tục vận chuyển khí đốt qua lãnh thổ Ukraine", ông Aliyev nói. "Trong nhiều tháng, chúng tôi đã nỗ lực rất nhiều để đi đến một mẫu số chung".
Minh Đức (Theo Kyiv Independent)