Đức Giáo hàng Francis qua đời
Sau 12 năm đứng đầu Giáo hội Công Giáo, Đức Giáo hoàng Francis, 88 tuổi, đã qua đời sáng 21/4, sau nhiều tuần điều trị chứng viêm phổi.
Trong một thông cáo ngày 21/4, Tòa thánh Vatican cho biết, Đức Giáo hoàng Francis đã qua đời lúc 7h35’ sáng cùng ngày, giờ địa phương (12h35’ giờ Việt Nam).
Tin buồn được Đức Hồng Y nhiếp chính Kevin Joseph Farrell loan báo.
“Anh chị em thân mến, với nỗi đau sâu sắc, tôi phải thông báo về sự qua đời của Đức Thánh Cha Francis.
Lúc 7h35’ sáng nay, Giám mục Roma, Francis, đã trở về nhà Cha.
Cả cuộc đời ngài đã được hiến dâng để phục vụ Chúa và Hội Thánh của Người.
Ngài đã dạy chúng ta sống các giá trị Tin Mừng với lòng trung tín, can đảm và tình yêu phổ quát, đặc biệt là cho những người nghèo khổ và bị gạt ra bên lề...”, thông báo của Đức Hồng Y Joseph Farrell viết.

Đức Giáo hoàng Francis qua đời sáng ngày 21/4, ở tuổi 88, sau nhiều tuần điều trị bệnh viêm phổi mãn tính. Nguồn: Vatican

Đức Giáo hoàng Francis xây dựng danh tiếng là một người có lối sống giản dị. Ảnh: Simone Padovani/ Getty.
Người đứng đầu Tòa Thánh Vatican đã xuất hiện trước công chúng lần cuối cùng nhân ngày lễ Phục Sinh 20/4. Phó Tổng thống Mỹ J.D. Vance là vị chính khách cuối cùng được tiếp kiến giáo hoàng Francis.
Đức Giáo hoàng Francis tên thật là Jorge Mario Bergoglio, sinh năm 1936, tại Buenos Aires, Argentina. Ông đã phải điều trị chứng viêm phổi, vốn là căn bệnh mãn tính, tại Bệnh viện Gemelli ở thủ đô Rome, Ý từ nửa cuối tháng 2.
Khi đó, thông báo của Tòa Thánh Vatican nói, tình trạng sức khỏe của ông nghiêm trọng, khó thở dạng hen kéo dài, phải hỗ trợ thở ô xy, tuy ông vẫn tỉnh táo.
Năm 1992, ông được bổ nhiệm làm Giám mục phụ tá của Buenos Aires, Argentina và sau đó trở thành Tổng Giám mục.
Giáo hoàng John Paul II phong ông làm Hồng y vào năm 2001 và ông đảm nhận các chức vụ trong bộ máy hành chính của Giáo hội, Giáo triều Rome.

Đức Giáo hoàng Francis điều trị viêm phổi tại Bệnh viện Gemelli ở thủ đô Rome, Ý từ giữa tháng 2. Nguồn: Vatican.

Giáo hoàng Francis cùng Tổng thống Israel Shimon Peres (bên trái) và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas cầu nguyện cho hòa bình vào năm 2014. Ảnh: Reuters/BBC.
Ngày 13/3/2013, Hồng Y Bergoglio của Buenos Aires được bầu làm Giáo hoàng thứ 266 của Giáo hội Công Giáo, là vị Giáo hoàng đầu tiên đến từ châu Mỹ. Kể từ khi Giáo hoàng Gregory III, người gốc Syria, qua đời năm 741, chưa từng có một Giám mục Rome nào không phải người châu Âu.
Giáo hoàng đã dành chuyến viếng thăm đầu tiên đến Lampedusa, Ý, thăm hỏi người tị nạn vượt đại dương đến châu Âu, tỏ lòng nhân ái với người di cư.
Giáo hoàng được biết đến với lập trường thể hiện trách nhiệm của con người đối với môi trường sinh thái. Ông mạnh mẽ phê phán những bất bình đẳng kinh tế, xã hội, lên án các cuộc xung đột quốc tế, ví dụ như chiến tranh Ukraine. Ông xây dựng danh tiếng là một người có lối sống giản dị, tránh xa những hào nhoáng của một giáo sĩ cấp cao. Ông thường bay hạng phổ thông và thích mặc áo choàng đen của linh mục hơn là áo đỏ và tím của Giáo hoàng.
Ông quyết tâm đề cao sự khiêm nhường, tránh dùng xe limousine của Giáo hoàng và khăng khăng đòi đi chung xe buýt với các Hồng y khác về nhà.

Giáo hoàng Francis gặp nhà lãnh đạo Cuba Fidel Castro trong chuyến thăm Havana năm 2015. Ảnh: Reuters/BBC.

Giáo hoàng Francis mặc áo mưa vẫy tay chào đám đông ở Manila trong chuyến thăm Philippines tháng 1/2015. Ảnh: Getty.
Ông cũng không chọn sống trong Điện Tông đồ của Vatican như truyền thống, mà ở trong tòa nhà bên cạnh vốn được Giáo hoàng John Paul II xây dựng làm nhà khách.
Trong các bài giảng của mình, ông kêu gọi sự hòa nhập xã hội và chỉ trích các Chính phủ không quan tâm đến những người nghèo nhất trong xã hội.
Với tư cách là Giáo hoàng, ông đã nỗ lực rất lớn để hàn gắn mối rạn nứt kéo dài hàng ngàn năm với Giáo hội Chính thống Đông phương. Để ghi nhận điều này, lần đầu tiên, kể từ cuộc Đại Ly giáo năm 1054, Thượng phụ Constantinople đã tham dự lễ nhậm chức của một giám mục Rome mới.
Giáo hoàng Francis đã hợp tác với các giáo phái Anh giáo, Luther và Giám lý, đồng thời thuyết phục các Tổng thống Israel và Palestine cùng ông cầu nguyện cho hòa bình.

Giáo hoàng Francis gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vào năm 2023. Ảnh: Getty.

Hình ảnh cuối cùng của Giáo Hoàng Francis trong Ngày Lễ Phục Sinh 20/4.
Và với tư cách là một người Mỹ Latinh nói tiếng Tây Ban Nha, ông đã đóng vai trò quan trọng của một nhà hòa giải khi Chính phủ Mỹ hướng đến xích lại gần hơn với Cuba.
Năm 2022, sau khi Giáo hoàng Benedict qua đời ở tuổi 95, ông trở thành Giáo hoàng đầu tiên trong hơn một thế kỷ chôn cất người tiền nhiệm của mình.
Năm 2023, ông thực hiện cuộc hành hương đến Nam Sudan, đề nghị các nhà lãnh đạo đất nước chấm dứt xung đột.
Ông từng nhiều lần kêu gọi chấm dứt “cuộc chiến tranh phi lý và tàn khốc” ở Ukraine và từng có kế hoạch đến thăm Kyiv khi nơi này đang diễn ra chiến sự.
Ông đã bổ nhiệm hơn 140 hồng y từ các quốc gia ngoài châu Âu và để lại cho người kế nhiệm một Giáo hội có tầm nhìn toàn cầu hơn nhiều so với Giáo hội mà ông thừa hưởng.