Đức chặn thỏa thuận kinh doanh lớn với Trung Quốc do lo ngại an ninh

Đức đã ngăn chặn việc bán công ty con của công ty sản xuất ô tô Volkswagen cho Trung Quốc vì lý do an ninh quốc gia, giáng một đòn mới vào mối quan hệ vốn đã căng thẳng với đối tác thương mại lớn nhất của nước này.

MAN Energy Solutions, là một phần của tập đoàn Volkswagen, cho biết, họ có kế hoạch bán hoạt động kinh doanh tua-bin khí của mình cho CSIC Longjiang GH Gas Turbine Co (GHGT) thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo Reuters, một cuộc đánh giá của chính phủ Đức, được khởi xướng vào tháng 9, đã làm dấy lên lo ngại rằng Trung Quốc có thể sử dụng tua-bin khí để cung cấp năng lượng cho tàu chiến.

Quyết định ngăn chặn thỏa thuận này được đưa ra chỉ vài tuần sau khi Liên minh châu Âu tăng thuế đối với xe điện từ Trung Quốc, gây ra tranh chấp thương mại với Bắc Kinh, và vài ngày sau đó Trung Quốc đã tiến hành một cuộc điều tra về giá thịt lợn của Liên minh Châu Âu (EU).

Trong cuộc họp báo hôm 3/7, Bộ trưởng kinh tế Đức Robert Habeck nói rằng Berlin hoan nghênh đầu tư từ các công ty nước ngoài, nhưng các công nghệ liên quan đến “an ninh công cộng” phải được bảo vệ khỏi các quốc gia “có thể không phải lúc nào cũng có mối quan hệ thân thiện với chúng tôi”.

Trong cùng cuộc họp báo, Bộ trưởng Nội vụ Nancy Faeser thông tin, bà hoan nghênh quyết định của chính phủ “vì lý do an ninh”.

Theo số liệu của chính phủ Đức, Đức và Trung Quốc đã trao đổi hàng hóa trị giá 255 tỷ euro (275,3 tỷ USD) vào năm ngoái. Nhưng mối quan hệ của Berlin với Bắc Kinh đã trở nên căng thẳng trong những năm gần đây, khi Đức cố gắng bảo vệ các nhà sản xuất địa phương và giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Tua bin khí đang trở thành lĩnh vực cạnh tranh quan trọng

Tua bin khí đang trở thành lĩnh vực cạnh tranh quan trọng

Nước này đã bị tổn hại nặng nề bởi mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với Nga sau cuộc tấn công Ukraine - đặc biệt là sự phụ thuộc nặng nề vào khí đốt tự nhiên của Nga - và muốn giảm thiểu rủi ro xảy ra điều tương tự trong tương lai.

Vào tháng 11 năm 2022, Đức đã chặn việc bán một trong những nhà máy bán dẫn của mình cho một công ty công nghệ thuộc sở hữu của Trung Quốc, cũng với lý do lo ngại về an ninh.

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 4/7 cho biết Trung Quốc phản đối việc “chính trị hóa” “hợp tác thương mại bình thường”.

“Chúng tôi hy vọng rằng Đức sẽ cung cấp một môi trường kinh doanh công bằng, bình đẳng và không phân biệt đối xử cho các công ty từ khắp nơi trên thế giới, bao gồm cả các công ty Trung Quốc” – người phát ngôn nhấn mạnh.

Theo MAN Energy Solutions, họ tôn trọng quyết định của chính phủ. “(Chúng tôi) hiện sẽ bắt đầu một quy trình có cấu trúc để đóng cửa bộ phận tuabin khí, quá trình này sẽ diễn ra trong những tháng tới”.

Các mức thuế bổ sung của EU, có thể tăng tới 38% chi phí nhập khẩu ô tô điện từ Trung Quốc, sẽ có hiệu lực từ ngày 5/7 trong thời gian ban đầu là 4 tháng. EU phải quyết định trước tháng 11 có nên áp dụng thuế quan trong 5 năm hay không.

Trong một tuyên bố hôm 4/7, Ủy ban Châu Âu cho hay, “các cuộc tham vấn với chính phủ Trung Quốc đã được tăng cường trong những tuần gần đây” nhằm giải quyết tranh chấp.

Volkswagen, nhà sản xuất ô tô lớn nhất châu Âu, nhắc lại những nhận xét trước đó rằng thời điểm đưa ra quyết định của EU là “gây bất lợi cho nhu cầu yếu hiện nay” đối với xe điện ở Đức và khu vực.

Công ty cho biết thêm trong một tuyên bố: “Những tác động tiêu cực của quyết định này lớn hơn bất kỳ lợi ích tiềm năng nào đối với người châu Âu và đặc biệt là ngành công nghiệp ô tô Đức”.

Anh Duy

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/quoc-te/duc-chan-thoa-thuan-kinh-doanh-lon-voi-trung-quoc-do-lo-ngai-an-ninh_164355.html
Zalo