Đức cảnh báo làn sóng dịch COVID-19 thứ 5 vào mùa Đông

Trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm thứ 4 của đại dịch COVID-19 chưa có dấu hiệu tạm lắng tại Đức, Viện Robert Koch (RKI) ngày 20/11 đã cảnh báo những nguy cơ từ làn sóng thứ 5 vào mùa Đông này, khi chỉ số lây nhiễm trung bình 7 ngày xét trên 100.000 dân ở Đức hiện ở mức cao kỷ lục.

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Magdeburg, miền Đông Đức, ngày 28/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Magdeburg, miền Đông Đức, ngày 28/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Phóng viên TTXVN tại Berlin dẫn lời Chủ tịch RKI Lothar Wieler cho biết để ngăn chặn những nguy cơ trong mùa Đông, cần phải nhanh chóng hành động với những biện pháp cứng rắn, kể cả đối với những người đã tiêm đầy đủ, bởi chỉ riêng việc tiêm phòng là chưa đủ để ngăn ngừa căn bệnh nguy hiểm này. Tuy nhiên, ông Wieler cũng nêu rõ nếu không đạt đủ hạn ngạch tiêm chủng, đại dịch COVID-19 sẽ tiếp tục bùng phát trở lại sau làn sóng thứ 4 hiện nay. Ông nhấn mạnh: "Nếu không thành công trong việc giảm tiếp xúc và đẩy mạnh tiêm chủng, chúng ta sẽ phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ 5 theo mô hình hiện nay".

Theo ông Wieler, xu hướng dịch bệnh trong mùa Đông phụ thuộc nhiều vào những gì diễn ra hiện nay. Ông cảnh báo cần ngay lập tức có hai sự điều chỉnh, gồm hạn chế tiếp xúc trên diện rộng ở Đức, cũng như tránh các lễ hội, sự kiện lớn trong không gian kín có đông người tham gia. Biện pháp hạn chế này có thể thấy rõ hiệu quả sau 2 tuần. Lãnh đạo RKI ủng hộ cách hành động phòng ngừa, kể cả ở những bang chưa bị tác động mạnh bởi đại dịch. Theo ông, tại các bang có số lượng lây nhiễm thấp, biện pháp hạn chế tiếp xúc là cơ hội để duy trì số ca nhiễm thấp, trong khi với các bang có tỷ lệ nhiễm cao, thì đã là rất muộn để thực hiện biện pháp này.

Điều cần làm thứ hai, theo Chủ tịch RKI, là cần phải đẩy mạnh tiêm chủng tối đa, dù biện pháp này không tác động nhanh chóng tới số ca nhiễm mới như việc hạn chế tiếp xúc và phải cần tới 3-5 tuần để thấy rõ hiệu quả. Theo ông Wieler, vaccine là con đường thoát khỏi đại dịch, song điều đó không có nghĩa các biện pháp khác có thể hoàn toàn bị bỏ qua. RKI trước đó nhấn mạnh mục tiêu hạn ngạch tiêm chủng cần đạt được là ít nhất 85% dân số từ 12-59 tuổi và 90% đối với người trên 60 tuổi.

Tại Đức, sau bang Bayern, tới lượt Sachsen cũng đã "bật đèn xanh" cho việc áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt nhằm đẩy lùi dịch COVID-19 đang lan rộng ở bang miền Đông nước Đức này. Theo đó, kể từ ngày 22/11 tới, các cơ sở văn hóa, giải trí, thư viện, quán bar, các câu lạc bộ và vũ trường sẽ phải đóng cửa, trong khi những người chưa tiêm chủng tại các điểm nóng dịch bệnh (tỷ lệ nhiễm bệnh trung bình 7 ngày/100.000 dân ở mức trên 1.000) sẽ phải tuân thủ lệnh giới nghiêm vào ban đêm. Chợ Giáng sinh cũng sẽ bị đóng cửa, các quán ăn được mở tới 20 giờ và phải tuân thủ quy tắc 2-G (nới nóng với người đã tiêm, đã khỏi bệnh).

Ngoài ra, các sự kiện lớn hay hội chợ thương mại cũng bị cấm. Các trường nghệ thuật, âm nhạc phải đóng cửa, ngoại trừ các trường dành cho trẻ em dưới 16 tuổi. Nơi làm việc phải áp dụng quy tắc 3-G (2-G cộng thêm xét nghiệm) Các quy định này sẽ được áp dụng trước mắt cho tới ngày 12/12 tới. Thủ hiến bang Sachsen Michael Kretschmer nhấn mạnh rằng cần phải thiết lập chiếc "đê chắn sóng", bởi những quy tắc như 2-G là chưa đủ. Theo ông, tự do vô trách nhiệm là chủ nghĩa vị kỷ, thay vào đó cần nhiều hơn nữa sự đoàn kết và tính tập thể.

Liên quan kế hoạch tiêm chủng, từ tuần tới, việc giao vaccine của Pfizer/BioNTech cho những điểm tiêm chủng ở Đức sẽ bị hạn chế nhằm đẩy mạnh việc chủng với vaccine Moderna. Cụ thể số lượng đặt vaccine của Pfizer/BioNTech tại các điểm tiêm chủng sẽ được giới hạn với 30 liều vaccine cho mỗi bác sĩ tiêm, trong các trung tâm tiêm chủng và đội tiêm chủng lưu động có thể đặt tối đa 1.020 liều/tuần. Trong khi đó, việc đặt vaccine Moderna là không giới hạn.

Theo Bộ trưởng Y tế liên bang Jens Spahn, việc giới hạn cung cấp số lượng vaccine của Pfizer/BioNTech là để chuyển sang tăng cường sử dụng vaccine của Moderna sắp hết hạn sử dụng. Bộ Y tế Đức cho rằng cần phải sử dụng vaccine của Moderna nhiều hơn để tiêm nhắc lại, nếu không từ giữa quý I/2022, vaccine Moderna đang được lưu trữ có nguy cơ hết hạn sử dụng.

Theo số liệu của RKI công bố sáng 20/11, trong 24 giờ qua ở Đức có tổng cộng 63.924 ca mắc mới COVID-19 và 248 ca tử vong. Tỷ lệ nhiễm mới trung bình 7 ngày/100.000 dân hiện lên tới 362,2, mức cao kỷ lục cho tới nay. Tỷ lệ này một ngày trước là 340,7 trong khi một tuần trước là 277,4 và tháng trước chỉ ở mức 80,4.

Mạnh Hùng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/duc-canh-bao-lan-song-dich-covid19-thu-5-vao-mua-dong-20211120171424539.htm
Zalo