Đưa văn học thiếu nhi ra biển lớn
Suốt một thời gian dài, văn học thiếu nhi có phần bị xao nhãng, thậm chí bỏ trống. Tuy nhiên gần đây, với nhiều giải thưởng và nhất là văn học thiếu nhi của Việt Nam được dịch ra tiếng nước ngoài cho thấy con đường ra biển lớn đã rộng mở.
Những tín hiệu tích cực
Theo nhà văn Nguyễn Bình Phương - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhìn vào nội dung cũng như hình thức thể hiện có thể thấy sự phong phú mà văn học viết cho thiếu nhi Việt Nam có thể chạm tới. Không dừng ở đó, nhiều tác phẩm còn góp phần giúp người lớn thâm nhập vào thế giới riêng của các em, từ đó thấu hiểu, có cách ứng xử hài hòa, phù hợp trên tinh thần tôn trọng.
Còn theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, chúng ta muốn trẻ em Việt Nam lớn lên, trở thành người tử tế và mang tên Việt Nam thì sự tử tế đó phải chứa đựng vẻ đẹp văn hóa, phong tục, lịch sử Việt… Để làm được điều đó, cần có thật nhiều những tác phẩm văn học thiếu nhi mang đậm văn hóa Việt đến với các em.
Đời sống văn học thiếu nhi, thị trường sách thiếu nhi ở Việt Nam hiện khá sôi động với số lượng lớn tác phẩm trong và ngoài nước. Văn học thiếu nhi nước ngoài được dịch và giới thiệu ở Việt Nam rất nhiều, đồng thời văn học thiếu nhi Việt Nam cũng có nhiều cơ hội được xuất khẩu ra nước ngoài hơn.
Chưa có sự thống kê nào cho thấy “văn học người lớn” và “văn học thiếu nhi” của Vệt Nam được dịch ra nước ngoài tỉ lệ ra sao, nhưng có thể nói sách văn học thiếu nhi Việt Nam được xuất ngoại ngày càng nhiều hơn. Đứng đầu vẫn là “Dế Mèn phiêu lưu ký” của nhà văn Tô Hoài được dịch ra hơn 40 thứ tiếng. Kế đến có “Đất rừng phương Nam” của nhà văn Đoàn Giỏi đã được dịch ra các thứ tiếng Nga, Ba Lan, Trung Quốc, Đức, Tây Ban Nha. Tác giả Nguyễn Nhật Ánh cũng có nhiều tác phẩm được dịch sang các ngôn ngữ khác, trong đó có thể kể đến “Chúc một ngày tốt lành”, “Ngồi khóc trên cây” - dịch sang tiếng Anh; nhất là cuốn “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” đã được dịch ra tiếng Thái, tiếng Hàn, tiếng Anh, tiếng Nhật...
Tuy thị trường sách văn học thiếu nhi vẫn nghiêng về phía nhập khẩu so với xuất khẩu, nhưng vẫn có những tín hiệu khả quan, cho thấy văn học thiếu nhi Việt Nam hoàn toàn có đủ năng lực để tiếp cận và được bạn đọc nước ngoài đón nhận cũng như yêu thích.
Một trong những yếu tố quan trọng để văn học thiếu nhi Việt Nam bước ra thế giới là tham gia các hội sách. Năm 2023, khi tham gia Hội sách Thiếu nhi châu Á 2023 tại Singapore, Nhà xuất bản Kim Đồng đã mang đến 30 đầu sách tiêu biểu cho thiếu nhi ở nhiều thể loại (sách văn học, sách kỹ năng, sách khoa học, sách văn hóa…). Tham gia Hội sách quốc tế Frankfurt năm 2024, nhà xuất bản này giới thiệu gần 60 tựa sách thuộc nhiều thể loại, mà hầu hết là sách thiếu nhi.
Các đơn vị làm sách cho thiếu nhi cũng đã có những bước đi tương tự, mạnh dạn làm nhiều sách song ngữ hoặc dịch sang tiếng Anh những đầu sách chất lượng của mình để phát hành, điều đó đã góp phần tích cực trong việc quảng bá và đưa văn học thiếu nhi Việt ra thế giới nhanh và nhiều hơn.
Gỡ “nút thắt” dịch thuật
Tuy nhiên, đây là công việc khó khăn, mà trước hết là vấn đề dịch thuật. Số tác phẩm văn học viết cho thiếu nhi được chọn dịch khá ít. Nhiều người cho rằng sở dĩ như vậy là do mảng sách này từ trước tới nay ít được chú ý, kể cả thiếu tự tin về chất lượng. Có trường hợp các nhà xuất bản, bạn đọc quốc tế phát hiện ra những tác phẩm văn học thiếu nhi Việt Nam chay đã chủ động tìm đến tác giả, nhà xuất bản nhưng vẫn lại vướng ở khâu dịch thuật.
Có thể nói, trong bối cảnh đất nước hội nhập sâu rộng và bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, con đường đưa văn học thiếu nhi Việt Nam ra thế giới đang mở rộng, nhưng muốn thế thì trước hết phải gỡ được nút thắt dịch thuật. Đội ngũ dịch thuật văn học thiếu nhi Việt Nam hiện nay rất mỏng. Lý do là vì công việc dịch thuật không mang lại thu nhập cao, dịch văn học lại đòi hỏi dịch giả phải hội tụ nhiều yếu tố (khả năng ngoại ngữ, hiểu biết văn hóa, khả năng cảm thụ văn học, nắm vững đặc điểm văn học thiếu nhi…). Nếu không có một đội ngũ dịch giả tốt và không tạo điều kiện để các tác phẩm được dịch, thì việc vươn ra thế giới của văn học thiếu nhi Việt Nam vẫn chưa thể vươn nhanh ra biển lớn được.
Trong bối cảnh đó, nhiều ý kiến cho rằng cần xây dựng đội ngũ dịch thuật uy tín, nhất là tiếng Anh. Tất nhiên họ phải được trả thù lao xứng đáng. Bên cạnh đó, cần thành lập Quỹ dịch thuật văn học thiếu nhi để có cơ sở vận động tài trợ, xã hội hóa nhiều nguồn kinh phí hoạt động. Tránh việc tiến hành dịch sang tiếng nước ngoài các tác phẩm một cách manh mún, nhỏ lẻ. Muốn giới thiệu văn học thiếu nhi Việt Nam nói riêng, văn học Việt Nam nói chung một cách hệ thống, bài bản, đầy đủ hơn cần phải có một chiến lược dài hơi, thực hiện đồng bộ những hoạt động như thành lập những trung tâm, quỹ cho hoạt động đào tạo, dịch thuật, quảng bá…
Trên tinh thần đó, việc Nhà xuất bản Kim Đồng thành lập Giải thưởng văn học Kim Đồng gắn với Cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi giai đoạn 2023 - 2025 với tổng giá trị giải thưởng lên đến 360 triệu đồng, trong đó giải Nhất lên đến 100 triệu đồng, là rất đáng hoan nghênh.
Nhà văn Lê Phương Liên:
Các giải thưởng khích lệ tinh thần viết cho thiếu nhi
Nhà văn Lê Phương Liên.
Hiện nay, văn học thiếu nhi nhận được sự quan tâm toàn diện của các cơ quan chức năng cũng như toàn xã hội. Điều đó có ý nghĩa cổ vũ rất lớn đối với phong trào viết cho trẻ em. Sách thiếu nhi đã có mặt ở tất cả các cấp độ giải của Giải thưởng Sách Quốc gia, từ giải cao nhất cho đến giải khuyến khích.
Ngoài ra, không thể không nhắc đến Giải thưởng Dế mèn, Giải thưởng Văn học Kim Đồng, tuy mới tổ chức nhưng đã và đang thu hút sự tham gia của nhiều tác giả. Có một giải thưởng nữa đáng chú ý, đó là Giải thưởng sáng tác truyện thiếu nhi "Đóa hoa đồng thoại". Đây là giải thưởng mang ý nghĩa quốc tế bởi có sự tài trợ từ phía Nhật Bản và sự tham gia chấm giải của các nhà văn, họa sĩ Nhật Bản. Có thể nói, văn học thiếu nhi đang có sự phát triển là nhờ có sự khích lệ của một hệ thống giải thưởng ý nghĩa.