Đưa tin sai sự thật về vỡ đê có thể bị xử lý hình sự?
Trường hợp hành vi đưa thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự an toàn xã hội khiến cho người dân lo lắng mà phải di chuyển chỗ ở hoặc phải tốn kém chi phí để thực hiện các giải pháp ứng phó không cần thiết, gây ra dư luận xấu thì có thể xem xét xử lý hình sự
Ảnh hưởng của mưa bão hiện nay khiến nhiều con sông ở phía Bắc nước dâng lên nhanh chóng, gây ngập lụt nhiều khu vực, thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Các thông tin về lũ lụt ở khu vực các tỉnh phía Bắc đang được dư luận xã hội rất quan tâm. Lợi dụng vào tình hình này, nhiều đối tượng đã đưa tin sai sự thật nhằm câu view hoặc thực hiện các mục đích cá nhân gây nhiễu loạn thông tin, có thể gây hoang mang trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến công tác phòng chống bão lụt.
Ngày 10/9, Công an tỉnh Hải Dương đã triệu tập 5 người thông tin nội dung sai sự thật về việc vỡ đê trên địa bàn các huyện Cẩm Giàng, Thanh Hà, Chí Linh (tỉnh Hải Dương). Các bài viết này đã thu hút sự chú ý và chia sẻ của hàng ngàn lượt người, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác phòng chống lụt bão và tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn.
Trước đó, công an các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang cũng phát hiện, xử phạt nhiều người đưa thông tin không đúng về việc vỡ đê sông Cầu, vỡ đê ở địa phận xã Trí Yên, huyện Yên Dũng.
Khi cơn bão Yagi đi vào khu vực biển Đông và vào đất liền thì những thông tin về cơn bão liên tục được chuyển tải trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ngoài các thông tin chính thống từ đài, báo thì những thông tin qua mạng xã hội cũng dày đặc về cơn bão này.
Những thông tin về diễn biến cơn bão, tình hình thời tiết sau bão là những thông tin rất quan trọng để người dân kịp thời ứng phó, chuẩn bị về cơ sở vật chất, đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết chọn lọc nguồn tin, nhiều người tin vào những tin đồn thất thiệt, những thông tin sai sự thật trên mạng xã hội dẫn đến tích trữ thức ăn, bỏ bê công việc để phòng chống bão lụt, thậm chí có thể sợ bão lụt mà di tản không cần thiết…
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp cho rằng, hành vi đưa thông tin sai sự thật là hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm luật an ninh mạng. Bởi vậy, tùy thuộc vào tính chất mức độ của hành vi vi phạm, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người đưa thông tin sai sự thật sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
“Những thông tin về vỡ đê trong bối cảnh nhiều địa phương đang bị ngập nặng do mưa bão hiện nay là những thông tin thất thiệt, có thể tác động tiêu cực đến xã hội, gây nhiễu loạn thông tin và ảnh hưởng đến công tác phòng chống bão lụt ở nhiều địa phương, gây hoang mang trong dư luận xã hội. Bởi vậy, cơ quan chức năng sẽ vào cuộc xác minh làm rõ nguồn tin, xác định người đã đưa thông tin sai sự thật này, làm rõ động cơ mục đích và đánh giá hậu quả của những thông tin sai sự thật này để xem xét xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự” - luật sư Cường phân tích.
Theo trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, trong trường hợp hành vi được xác định là chưa đến mức nguy hiểm cho xã hội, chưa gây ra những hậu quả xấu cho xã hội thì người đưa thông tin sai sự thật này sẽ bị phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điều 101 nghị định số 15/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện với mức phạt từ 5 đến 10 triệu đồng với cá nhân và sẽ gấp hai lần đối với tổ chức.
Trường hợp hành vi đưa thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự an toàn xã hội khiến cho người dân lo lắng mà phải di chuyển chỗ ở hoặc phải tốn kém chi phí để thực hiện các giải pháp ứng phó không cần thiết, gây ra dư luận xấu thì có thể xem xét xử lý hình sự về tội lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích pháp của tổ chức cá nhân theo điều 331 bộ luật hình sự với chế tài bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 2 đến 7 năm.
Theo luật sư Cường, trước những vấn đề dư luận xã hội quan tâm thì người dân cần thận trọng khi tiếp cận với các nguồn thông tin. Tuyệt đối không vội vàng tin vào những thông tin qua mạng xã hội để không ảnh hưởng đến đời sống, công việc, hoang mang một cái không cần thiết. Để theo dõi các thông tin về thời tiết, về bão lũ thì cần tiếp cận những thông tin từ đài, báo chính thống, ứng phó với thiên tai theo các thông báo, chỉ dẫn của chính quyền địa phương
Khi thầy xuất hiện những thông tin mới về thiên tai trên mạng xã hội thì người dân cần phải tìm hiểu rõ nguồn tin có chính thống hay không, đã được cơ quan chức năng xác thực hay chưa. Tuyệt đối không chia sẻ, đăng tải những thông tin chưa được kiểm chứng, sai sự thật gây ảnh hưởng đến công tác phòng chống lụt bão, gây hoang mang trong dư luận xã hội
Cơ quan chức năng cũng cần thường xuyên thông tin về tình hình bão lũ, về thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền giải thích pháp luật để người dân không nghe theo, làm theo những tin đồn thất thiệt, ảnh hưởng đến hoạt động ứng phó với thiên tai và phòng thủ dân sự.