Đưa thể chế, pháp luật thành lợi thế cạnh tranh
Pháp luật phải tháo gỡ các 'điểm nghẽn' pháp lý, khẩn trương đưa nguồn lực xã hội bị đình trệ hoạt động trở lại
Tổng Bí thư Tô Lâm ngày 30-4-2025 đã ký ban hành Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới (Nghị quyết 66); ký Quyết định 288 thành lập Ban Chỉ đạo (BCĐ) Trung ương về hoàn thiện thể chế, pháp luật.
Thể chế phải tạo động lực mạnh mẽ
Theo quyết định, BCĐ trực thuộc Bộ Chính trị gồm 26 thành viên, Tổng Bí thư Tô Lâm làm Trưởng BCĐ. Hai Phó trưởng BCĐ là Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. 23 ủy viên khác gồm nhiều Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ngành.
Nghị quyết 66 của Bộ Chính trị đánh giá thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xây dựng và thi hành pháp luật, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, công tác này đang đối mặt với nhiều hạn chế, là trở ngại cho phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều chủ trương, định hướng của Đảng chưa được thể chế hóa kịp thời, đầy đủ. Tư duy xây dựng pháp luật ở một số lĩnh vực còn nặng về quản lý, thiếu tính thực tiễn, dẫn đến các quy định chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu rõ ràng. Bên cạnh đó, công tác thực thi pháp luật vẫn là khâu yếu, thiếu cơ chế phản ứng chính sách nhanh chóng, hiệu quả. Đặc biệt, việc chậm ban hành các chính sách, pháp luật điều chỉnh những vấn đề mới đã khiến khung pháp lý chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.

Công nhân Công ty TNHH PPJ - Wiser (Tập đoàn PPJ Group) trong giờ làm việc. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Do đó, để đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình phát triển bứt phá, giàu mạnh, hùng cường dưới sự lãnh đạo của Đảng, cùng với việc thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy, phấn đấu tăng trưởng kinh tế "hai con số", Nghị quyết 66 nêu rõ công tác xây dựng và thi hành pháp luật phải được đổi mới căn bản, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Nghị quyết đặt mục tiêu năm 2025 cơ bản hoàn thành việc tháo gỡ những "điểm nghẽn" do quy định pháp luật. Đến năm 2027, hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản pháp luật bảo đảm cơ sở pháp lý đồng bộ cho hoạt động của bộ máy nhà nước theo mô hình chính quyền 3 cấp. Đến năm 2028, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh, góp phần đưa môi trường đầu tư của Việt Nam nằm trong nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN.
Theo đánh giá của Bộ Tư pháp, Nghị quyết 66 của Bộ Chính trị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của pháp luật trong kỷ nguyên mới, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho rằng pháp luật phải thật sự là nền tảng của phát triển, phục vụ phát triển và thúc đẩy phát triển; "lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể". Công tác xây dựng pháp luật phải áp dụng cách tiếp cận thực tế và thực tiễn. Đồng thời, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế về xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, bắt kịp xu thế thời đại. Theo Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh, pháp luật phải tháo gỡ các "điểm nghẽn" pháp lý, khẩn trương đưa nguồn lực xã hội bị đình trệ hoạt động trở lại.
Bỏ tư duy "không quản được thì cấm"
Theo PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, thể chế được xác định là 1 trong 3 đột phá chiến lược, bên cạnh hạ tầng và nhân lực. PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc nhấn mạnh: "Thời gian qua, hàng loạt cơ chế, chính sách đặc thù để thực hiện các dự án quan trọng như đường sắt cao tốc Bắc - Nam, dự án điện hạt nhân… đã kịp thời được xem xét, thông qua, bảo đảm yêu cầu của cuộc sống". Theo ông Phúc, Chính phủ cũng đang chủ trì xây dựng đề án về phát triển khu vực kinh tế tư nhân.
Để đáp ứng yêu cầu xây dựng và thi hành pháp luật trong giai đoạn mới, Nghị quyết 66 xác định 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp lớn, bảo đảm tính đồng bộ, hiệu quả và phù hợp với thực tiễn. Các giải pháp tập trung vào việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, hợp tác quốc tế, phát triển nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ và cải cách cơ chế tài chính. Trong đó nhấn mạnh việc thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật, các quy định về kiểm soát quyền lực; phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, "lợi ích nhóm" trong xây dựng và thi hành pháp luật. Đổi mới tư duy, định hướng xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực phát triển là một trong những nhóm giải pháp quan trọng được nêu rõ tại Nghị quyết 66. Trong đó, Bộ Chính trị yêu cầu công tác xây dựng pháp luật phải thể chế hóa đầy đủ, đúng đắn, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng; xuất phát từ lợi ích toàn cục của đất nước; đưa thể chế, pháp luật trở thành lợi thế cạnh tranh; dứt khoát từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm".
Bộ Chính trị cũng yêu cầu phải tạo đột phá trong công tác thi hành pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực và hiệu quả; gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng và thi hành pháp luật. Đội ngũ cán bộ, công chức cần phát huy tinh thần phục vụ nhân dân, thực hiện nguyên tắc "người dân, doanh nghiệp được làm những gì luật không cấm". Theo yêu cầu của Bộ Chính trị, văn hóa tuân thủ pháp luật được xây dựng, kết hợp với đa dạng hóa phương thức phổ biến, giáo dục pháp luật qua công nghệ số. Nhấn mạnh yêu cầu xây dựng pháp luật kinh tế thị trường theo hướng tạo môi trường pháp lý thông thoáng, minh bạch, an toàn, với chi phí tuân thủ thấp, Bộ Chính trị nêu rõ các điều kiện thủ tục về đầu tư, kinh doanh cần được cắt giảm, đơn giản hóa triệt để để thúc đẩy phát triển kinh tế. Cùng với đó, bảo đảm quyền tự do kinh doanh, quyền sở hữu tài sản và quyền tự do hợp đồng; bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Bộ Chính trị nghiêm cấm lợi dụng phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực để trục lợi hoặc cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Đặc biệt, không hình sự hóa quan hệ kinh tế, hành chính, dân sự; không dùng biện pháp hành chính can thiệp tranh chấp dân sự, kinh tế.
Cơ chế đặc biệt thu hút chuyên gia pháp luật quốc tế
Nghị quyết của Bộ Chính trị đề cập đến các cơ chế đặc biệt để thu hút chuyên gia pháp luật quốc tế, xây dựng chiến lược tăng cường sự hiện diện của Việt Nam tại các tổ chức pháp lý và cơ quan tài phán quốc tế. Bộ Chính trị cũng đặt ra yêu cầu ngân sách cho xây dựng pháp luật được bảo đảm tối thiểu 0,5% tổng chi hằng năm, tăng dần theo nhu cầu. Quỹ hỗ trợ xây dựng chính sách, pháp luật sẽ được thành lập, kết hợp ngân sách và nguồn xã hội hóa hợp pháp, bảo đảm minh bạch, hiệu quả.
ĐBQH TRẦN VĂN KHẢI, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội:
Kịp thời tháo gỡ "điểm nghẽn"
Trong các kỳ họp của Quốc hội gần đây, nhiều nội dung quan trọng về cơ chế phát triển khoa học - công nghệ, chuyển đổi số; cơ chế đặc thù về các dự án quan trọng của quốc gia; việc sắp xếp bộ máy… đã kịp thời được bổ sung vào chương trình lập pháp, bảo đảm các chủ trương mới của Đảng được thể chế hóa kịp thời, không chậm trễ. Tại kỳ họp thứ 9 tới đây, với khối lượng công việc đồ sộ khi dự kiến thông qua 30 luật và 7 nghị quyết, cho ý kiến đối với 6 dự án luật khác, xem xét, quyết định hàng loạt vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách, giám sát và tổ chức bộ máy cho thấy sự quyết liệt trong tháo gỡ các "điểm nghẽn" về thể chế để đưa đất nước phát triển.
GS-TS HOÀNG THẾ LIÊN, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Tư pháp:
Gắn công tác xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật
Để tạo đột phá cho sự phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, yêu cầu cấp bách là phải cải cách lập pháp, trước hết là phải đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, cũng như tinh thần của Nghị quyết 66. Cần gắn công tác xây dựng pháp luật với công tác tổ chức thi hành pháp luật. Tăng cường khảo sát thực tiễn, bảo đảm sự tham gia rộng rãi và thực chất của nhân dân trong xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật. Từ trước tới nay, đa số đồng nhất hệ thống pháp luật với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Chính nhận thức còn có phần phiến diện này là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự chia cắt giữa xây dựng và thi hành pháp luật. Phải đặt hoạt động lập pháp, hành pháp, tư pháp trong quan niệm tổng thể nêu trên mới có thể chung sức tạo dựng được một hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu thực tiễn, có hiệu lực, hiệu quả.