Đưa tác phẩm 'Bỉ vỏ' lên sân khấu nhạc kịch
Được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên nổi tiếng của nhà văn Nguyên Hồng, vở nhạc kịch 'Bỉ vỏ' do Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng chỉ đạo, Đoàn Ca múa Hải Phòng thực hiện sẽ chính thức công diễn vào tối 29/6 tại Nhà hát Lớn Hải Phòng và truyền hình trực tiếp trong Chương trình Sân khấu Truyền hình-Đài Truyền hình Hải Phòng (THP).
Với thời lượng khoảng 80 phút, vở diễn đưa người xem đến với mạch kịch được kết nối gồm 3 hồi, 15 cảnh. Trong đó, Hồi I - “Trùm cuối” gồm 3 cảnh: Hải Phòng 1937, Bản án, Trùm cuối; Hồi II - “Cuộc rượt đuổi của số phận” gồm 6 cảnh: Phố Hạ Lý, Tiếng đêm, Lời cuối, Người đàn bà bạc phận, Cũng một kiếp người, Giấc mơ giải thoát; Hồi III - “Con đường bụi mờ” gồm 6 cảnh: Tình nghĩa giang hồ, Chuyến tàu, Bến 6 kho, Sống mòn, Chạm vào yêu thương, Giọt lương tri.
Qua sự kết hợp của âm nhạc, vũ đạo, diễn xuất, vở nhạc kịch mang đến hình dung sống động về thân phận cùng cực của những con người nhỏ bé sống dưới đáy xã hội thực dân nửa phong kiến. Họ bị bần cùng hóa, tha hóa, bị đẩy vào con đường ăn chơi trụy lạc, lưu manh trộm cướp, trở thành dân anh chị giang hồ mà Năm Sài Gòn cùng đồng bọn và Tám Bính là những nhân vật trung tâm.
Mặc dù vậy, từ những kiếp người ám ảnh như Năm Sài Gòn, Tám Bính, vẫn nhận ra những khao khát của con người dưới chế độ xã hội tàn khốc. Đó là khát khao được sống cho ra sống, được cảm nhận ánh sáng của tự do, hạnh phúc, dù đó chỉ là hy vọng le lói nơi cuối con đường hun hút, xa xăm…
Một trong những yếu tố làm nên sức hấp dẫn của “Bỉ vỏ” là trong những câu chuyện khổ đau, nhơ nhuốc, người đọc vẫn cảm nhận được vẻ đẹp lấp lánh của tinh thần nhân văn. Và đó cũng chính là điều mà tác giả kịch bản, tổng đạo diễn Tuyết Minh cố gắng thể hiện trong vở nhạc kịch.
Chị cho biết đã nghiên cứu rất kỹ tiểu thuyết “Bỉ vỏ” của nhà văn Nguyên Hồng và nhiều tư liệu, hình ảnh về Hải Phòng xưa để có cảm nhận rõ nét về một thương cảng sầm uất bậc nhất Đông Dương những năm 30 của thế kỷ trước.
Thạc sĩ Tuyết Minh không muốn vở nhạc kịch chỉ là minh họa lại nguyên tác của nhà văn Nguyên Hồng, mà muốn kết nối với tư tưởng của ông để khán giả thấy một Hạ Lý rất khác với bối cảnh của văn bản nhưng lại gần với ký ức, với những tấm ảnh xưa cũ mang hơi thở bản sắc Hải Phòng.
Những nghệ sĩ thể hiện tác phẩm là những người sinh ra, lớn lên ở đây, mang giọng nói Hải Phòng mạnh mẽ, hào sảng sẽ đưa khán giả bước lên chuyến tàu nhạc kịch “Bỉ vỏ” đầy sống động.
Nhạc sĩ Lưu Quang Minh chia sẻ, anh nhận lời tham gia sản xuất âm nhạc cho nhạc kịch “Bỉ vỏ” không chỉ vì bản thân là người con của đất cảng Hải Phòng, mà còn bởi câu chuyện và kịch bản đã chạm tới cảm xúc của chính anh. Điều khiến anh thấy áp lực nhất là phải tìm cho ra mạch âm nhạc để lột tả được hết những sắc thái cảm xúc của các nhân vật trong tác phẩm văn học đã đi vào tiềm thức của nhiều thế hệ.
Trong vở diễn, có một số ca khúc được anh đưa chất liệu rock vào để nhấn sâu hơn sự u tối, dữ dội, giằng xé của hiện thực phũ phàng. Chất liệu rộn ràng của Funky hay cách điệu của Jazz, cùng một số kỹ thuật sáng tác chuyển điệu hòa thanh đột ngột cũng được khai thác để mang đến nhiều sắc mầu cho vở nhạc kịch.
Bên cạnh sự dụng công của ngôn ngữ âm nhạc, vũ đạo, diễn xuất…, sự đầu tư trong thiết kế sân khấu cùng những hiệu ứng trình chiếu hiện đại dự kiến sẽ làm nên những trải nghiệm nghệ thuật mãn nhãn, giàu cảm xúc cho khán giả khi thưởng thức nhạc kịch “Bỉ vỏ”.
Vở nhạc kịch do Nghệ sĩ nhân dân Khánh Hòa, Trưởng Đoàn Ca múa Hải Phòng chỉ đạo nghệ thuật; Thạc sĩ Tuyết Minh viết kịch bản, lời ca khúc kiêm tổng đạo diễn; nhạc sĩ Lưu Quang Minh đảm nhận phần âm nhạc; Dàn dựng hợp xướng: nhạc sĩ Chinh Ba; Kỹ thuật thanh nhạc: Nghệ sĩ nhân dân Hà Thủy-Lê Cường; Tổng biên đạo: Nghệ sĩ ưu tú Văn Dũng.