Đưa 'Rồng lửa' vượt Trường Sơn vào giải phóng Sài Gòn

Ngay sau chiến thắng ngày 14/1/1973 với chiến công bắn rơi 2 máy bay B52 trên bầu trời Nghệ An, đây là 2 máy bay cuối cùng của giặc Mỹ bị bắn rơi tại miền bắc, Trung đoàn Tên lửa 263 phòng không được Bộ Quốc phòng và Quân chủng Phòng không-Không quân giao nhiệm vụ cơ động vào bảo vệ vùng trời, giải phóng tỉnh Quảng Trị trước khi Hiệp định Paris được ký kết ngày 27/1/1973, sẵn sàng bất cứ lúc nào, đến bất cứ nơi đâu trên mặt trận phía nam.

Tên lửa SAM-2 của Trung đoàn Tên lửa 263 phòng không hành quân vào Quảng Trị. (Ảnh: VŨ TẠO/TTXVN)

Tên lửa SAM-2 của Trung đoàn Tên lửa 263 phòng không hành quân vào Quảng Trị. (Ảnh: VŨ TẠO/TTXVN)

Ngày 24/2/1975, Trung đoàn được giao nhiệm vụ mới - nhiệm vụ tuyệt mật, chỉ có Trung đoàn trưởng, Chính ủy và Tham mưu trưởng Trung đoàn được biết. Tại hội nghị cán bộ quân chính của Trung đoàn, chúng tôi chỉ được phổ biến là chuẩn bị thu hồi khí tài để hành quân đường dài.

Ngày 7/3/1975, chúng tôi bắt đầu thu hồi khí tài tên lửa, lên đường hành quân về hướng tây, theo đường 9 vượt đèo Lao Bảo hướng thẳng đến bản Đông trên đất bạn Lào.

Cuộc hành quân cơ động đường dài “có một không hai” trong lịch sử chiến đấu của bộ đội tên lửa phòng không, đưa hàng trăm xe cộ, khí tài, máy móc, bệ, đạn tên lửa, xe nào cũng nặng hàng chục tấn, dài hàng chục mét vượt đường Tây Trường Sơn. Trong đó, việc đưa các xe khí tài tên lửa to, dài, nặng, cồng kềnh di chuyển qua nhiều dốc cao, cua gấp vô cùng gian nan, vất vả.

Nhiều ngày chúng tôi phải tạm dừng để chờ công binh sửa đường, gia cố thêm cầu, lát lại ngầm vượt suối, bạt núi mở rộng những khúc đường cua vốn chỉ đủ để xe con, xe vận tải chạy, thế nhưng trục trặc vẫn thường xuyên xảy ra. Một số trường hợp hư hỏng đã được các trạm kỹ thuật của Đoàn 559 giúp đỡ sửa chữa kịp thời.

Tuy nhiên, cũng có trường hợp xe khí tài bị hư hỏng nặng, không có phụ tùng đặc chủng thay thế, đành phải để lại dọc đường và cử người ở lại trông nom, bảo vệ. Sau ngày miền nam giải phóng, Trung đoàn mới cử cán bộ kỹ thuật quay lại đem theo phụ tùng sửa chữa, thay thế để đưa về.

Khi đến khu rừng Dongpaam, huyện Sanxay thuộc tỉnh Attapeu (Lào), một quả đạn tên lửa SAM-2 trên xe TZM chở đạn bị gẫy vì đường xấu quá, chỉ huy Trung đoàn quyết định cho tháo lấy toàn bộ ruột, để lại vỏ trong rừng và tiếp tục hành quân. Cứ tưởng vỏ quả đạn tên lửa xấu số ấy không còn ai nhớ nữa, thì bất ngờ những năm gần đây, nếu ai đi du lịch ở các tỉnh nam Lào sẽ được hướng dẫn viên đưa đến xem vỏ quả đạn tên lửa SAM-2 ở tỉnh Attapeu.

Chuyện là, sau khi chiến tranh kết thúc, các bạn Lào đã phát hiện quả đạn tên lửa hỏng này và đưa ra trưng bày phục vụ khách du lịch với tấm bảng giới thiệu bằng tiếng Lào và tiếng Anh: “Đây là quả đạn tên lửa phòng không của một đơn vị bộ đội Việt Nam bị hỏng phải để lại trong cuộc hành quân qua đất Lào vào giải phóng Sài Gòn mùa xuân năm 1975”. Vỏ quả đạn tên lửa SAM-2 ấy đã trở thành chứng tích sống động cho tình đoàn kết chiến đấu giữa quân đội và nhân dân hai nước Việt Nam, Lào.

Trên đường hành quân, chúng tôi rất vui khi nghe tin quân ta đã giải phóng Buôn Ma Thuột và cả vùng Tây Nguyên rộng lớn. Đến ngã ba biên giới Việt Nam-Lào-Campuchia, Trung đoàn được lệnh rẽ về đất Việt Nam, tập kết ở phía tây Pleiku (Gia Lai). Ngay sau đó, chỉ huy Trung đoàn nhận được lệnh tiếp tục hành quân vào thẳng chiến trường B2, đích đến cuối cùng là Sài Gòn.

Đây là cuộc hành quân thần tốc như tinh thần bức điện lịch sử của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi chiến sĩ toàn mặt trận: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa! Táo bạo, táo bạo hơn nữa! Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền nam! Quyết chiến và toàn thắng!”.

Ngày 26/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu. Vượt qua rất nhiều khó khăn, đúng 18 giờ ngày 27/4, Tiểu đoàn 43 đã chiếm lĩnh trận địa ở bắc Bến Bầu (Bến Cát, Bình Dương hiện nay) và triển khai chiến đấu. Sáng sớm ngày 28/4, Trung đoàn trưởng Nguyễn Văn Tích, Chính ủy Trung đoàn Nguyễn Đình Liễn, Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Lê Thanh Cảnh đã có mặt trên xe điều khiển, cùng cán bộ chỉ huy và kíp chiến đấu theo sát diễn biến tình hình, động viên bộ đội quyết tâm đánh địch và phải đánh thắng trong trận đánh cuối cùng vào sào huyệt kẻ thù. Thế nhưng, hình như “đánh hơi” thấy có tên lửa SAM-2 - loại vũ khí đã từng quật lộn cổ pháo đài bay B-52, cho nên cả ngày 28/4 không có chiếc máy bay cường kích nào của địch bay vào tầm bắn của đơn vị.

Chiều 28/4, tiểu đoàn phát sóng bắt được tín hiệu một tốp máy bay A-37 bay vào Sài Gòn, nhưng có thông báo của Quân chủng, đó là máy bay ta, không được bắn. Thì ra đó là Phi đội Quyết thắng vào ném bom sân bay Tân Sơn Nhất. Cả ngày hôm sau, 29/4, trên màn hiện sóng tuyệt nhiên không còn thấy tín hiệu máy bay cường kích của địch nữa, mà chỉ còn tín hiệu máy bay trực thăng và vận tải quân sự Mỹ đang hối hả di tản khỏi Sài Gòn.

Chúng tôi tiếp tục nhận được lệnh “không bắn”, để họ di tản, bởi họ đã thất bại và trong số mục tiêu ấy có những người dân thường. Một mệnh lệnh thể hiện truyền thống nhân đạo và tinh thần hòa hợp dân tộc của chúng ta.

Trưa ngày 30/4/1975, đại quân ta từ các hướng tiến vào đánh chiếm Dinh Độc Lập và các cơ quan đầu não của địch tại hang ổ cuối cùng của chúng. Sài Gòn đã được giải phóng. Cuộc chiến đấu gian khổ, hy sinh giành độc lập, tự do của dân tộc đã đến đích.

Mặc dù không có cơ hội phóng đạn tiêu diệt máy bay địch, nhưng chúng tôi đều tự hào là đã đưa “Rồng lửa” vượt Trường Sơn vào tận sào huyệt cuối cùng của địch, cùng với các lực lượng khác, góp phần khiến tinh thần địch thêm hoảng loạn, mau chóng tan rã, tạo điều kiện cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử kết thúc thắng lợi trọn vẹn.

NGUYỄN HỮU MÃO Cựu chiến binh Trung đoàn Tên lửa 263 phòng không

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/dua-rong-lua-vuot-truong-son-vao-giai-phong-sai-gon-post877241.html
Zalo