Đưa pháp luật đến với người dân để pháp luật đi vào cuộc sống

Công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật là nhiệm vụ đầu tiên của quá trình tổ chức thi hành pháp luật, là cầu nối để truyền tải các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với người dân.

Trong bài viết “Phát huy tính Đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam” mới đây của Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy, nhân dân là chủ thể của quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, mỗi công dân tích cực, chủ động tham gia vào công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật, có ý thức thượng tôn pháp luật thì sẽ tạo nên sức mạnh của cả hệ thống chính trị để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.

Công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật là nhiệm vụ đầu tiên của quá trình tổ chức thi hành pháp luật, là cầu nối để truyền tải các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với người dân. Do đó, nâng cao hiệu quả công tác tuyên tuyền phổ biến, giáo dục pháp luật để ý thức thượng tôn pháp luật trở thành sức mạnh động lực phát triển xã hội.

Tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật

Tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật

Thời gian qua, công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật đã được các địa phương đặc biệt chú trọng thực hiện với nhiều nội dung và hình thức, đáp ứng nhu cầu tiếp cận pháp luật của người dân, qua đó, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Điển hình như mô hình “Quán cà phê pháp luật” ở tỉnh Hậu Giang được thành lập từ năm 2019. Mỗi quý, Ban chủ nhiệm mô hình tổ chức sinh hoạt một lần. Qua đó, tuyên truyền các chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước đến với bà con nhân dân cũng như vận động người thân, bạn bè và khách đến quán tìm đọc, tham khảo các loại sách, báo để nâng cao hiểu biết, kiến thức pháp luật.

Hay tại tỉnh Thái Nguyên, thời gian qua, Tòa án nhân dân thành phố đã quan tâm tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động. Đây là hình thức tuyên truyền trực quan, thiết thực, không những đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật mà còn giúp người dân hiểu rõ các hành vi phạm tội, từ đó góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật; nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, phòng ngừa, răn đe các loại tội phạm.

Một phiên tòa xét xử lưu động tại thành phố Thái Nguyên

Một phiên tòa xét xử lưu động tại thành phố Thái Nguyên

Theo ông Vương Hồng Giang, Chánh án TAND thành phố Thái Nguyên, để các phiên tòa lưu động đạt hiệu quả, trước khi xét xử các thẩm phán phải đọc kỹ hồ sơ, kết hợp với việc tìm hiểu tình hình thực tế tại địa phương, đơn vị, nơi mở phiên tòa, từ đó có cách tuyên truyền pháp luật sao cho sinh động, dễ hiểu

“Mỗi năm tòa án thành phố đưa hàng chục vụ án hình sự ra xét xử lưu động tại các tổ dân phố và trường học trên địa bàn. Sinh viên trên địa thành phố rất đông chỉ sau Hà Nội và TPHCM. Tuy nhiên ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận sinh còn chưa cao. Thông qua công tác xét xử lưu động này chúng tôi muốn tuyên tuyền phổ biến đến các tầng lớp nhân dân trong đó có các sinh viên về các vụ án về ma túy, cướp tài sản, cố ý gây thương tích… để từ đó lan tỏa trong nhân dân có ý thức chấp hành pháp luật được tốt hơn”, ông Vương Hồng Giang khẳng định.

Theo Phó giáo sư, tiến sỹ Dương Ngọc Toàn, Trưởng phòng công tác sinh viên, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, việc lựa chọn xét xử lưu động tại trường học là hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật hiệu quả, vừa thực tế, vừa mang tính giáo dục cao, giúp các sinh viên hiểu biết và nâng cao nhận thức về pháp luật. Từ đó, học sinh sinh viên có thể phòng, tránh cho chính bản thân không mắc phải các tệ nạn xã hội.

Nhận thức công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật là một trong những việc làm tích cực và cần thiết phục vụ công tác biên phòng, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã quan tâm, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị cơ sở triển khai xây dựng Tủ sách pháp luật, Ngăn sách pháp luật ở Đồn Biên phòng. Đến nay 100% các đơn vị cơ sở (đồn, đại đội, hải đội, tiểu đoàn)… và thư viện cơ quan Bộ chỉ huy Biên phòng các tỉnh, thành đều có tủ sách pháp luật, ngăn sách pháp luật, luôn đảm bảo có từ 150 đến 200 đầu sách các loại.

Tủ sách pháp luật của Bộ đội Biên phòng, đặc biệt là tại các Đồn Biên phòng đã góp phần tích cực trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, là hình thức tuyên truyền, phổ biến hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nâng cao nhận thức pháp luật của cán bộ, chiến sỹ biên phòng và nhân dân khu vực biên giới.

“1.084 xã, phường biên giới của chúng tôi quản lý đều được cấp Tủ sách pháp luật, sách pháp luật của chúng tôi chuyển đến các xã. Tủ sách pháp luật này chúng tôi cử người quản lý theo dõi, ghi sổ cập nhật các sách pháp luật mới. Ngoài Tủ sách pháp luật chúng tôi còn có Ngăn sách pháp luật để cho anh em cán bộ đi xuống các thôn mang theo và để ở các nhà văn hóa thôn của các xã biên giới. Cái này tuyên truyền rất hiệu quả”, Thượng tá Lương Khắc Của, Phó trưởng Phòng Tuyên huấn, Cục Chính trị, Bộ đội Biên phòng cho biết.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật vẫn còn không ít những khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ như hiện nay.

iến sĩ Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục Phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp. Ảnh: Báo Pháp luật Việt Nam

iến sĩ Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục Phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp. Ảnh: Báo Pháp luật Việt Nam

Tiến sĩ Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục Phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp cho biết, đôi lúc hoạt động tuyên truyền vẫn còn mang tính thời sự, nặng về phong trào, việc phổ biến hiện nay mới chỉ tập trung vào các luật và pháp lệnh, chưa thực sự chú trọng vào các văn bản hướng dẫn thi hành, có hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật vẫn chưa được triển khai nhiều trên thực tế như các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật hiện đại chưa được sử dụng triệt để, đặc biệt là việc ứng dụng một cách có hiệu quả công nghệ thông tin vào hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật.

Bên cạnh đó, lực lượng thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, đặc biệt là ở cơ sở còn thiếu, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ còn hạn chế và chưa đồng đều. Đồng thời, các văn bản pháp luật còn thiếu cụ thể, rõ ràng, còn có sự trùng lặp, chồng chéo thậm chí mâu thuẫn nhau, nhiều văn bản thiếu tính khả thi, tính ổn định của hệ thống pháp luật chưa cao.

Mặt khác, tình trạng văn bản của nhà nước cấp trên đã ban hành nhưng vẫn phải chờ văn bản hướng dẫn của cơ quan nhà nước cấp dưới vẫn còn, làm cho pháp luật không đi ngay vào cuộc sống. Tình trạng Luật, Pháp lệnh phải chờ Thông tư là một thực tế làm cho pháp luật chậm đi vào cuộc sống, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chậm trễ, khó triển khai. Kinh phí phục vụ cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chưa đáp ứng được yêu cầu của công việc…

Tháng 8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 979/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Thí điểm đổi mới hoạt động đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật" (gọi tắt là Đề án 979). Đề án được triển khai thực hiện từ năm 2022 - 2026. Theo đó, sẽ đánh giá thí điểm hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên - Môi trường, Ủy ban Dân tộc và các tỉnh, TP: Hà Nội, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Đồng Nai, Sóc Trăng. Thực hiện trách nhiệm được giao tại Đề án 979, tháng 9 vừa qua, Bộ Tư pháp cũng đã ban hành Tiêu chí chung đánh giá hiệu quả công tác phổ biến giáo dục pháp luật. Qua đó, nhằm đổi mới hoạt động đánh giá cũng như hiệu quả tuyên truyền của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

Để pháp luật đi vào cuộc sống, đưa pháp luật đến với người dân, phát huy hiệu lực thực tế, thông qua đó nâng cao ý thức pháp luật của người dân thì bên cạnh các yêu cầu về chất lượng và tính khả thi của các văn bản quy phạm pháp luật, việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đóng vai trò rất quan trọng. Điều này đòi hỏi các bộ, ngành, các địa phương cần đẩy mạnh cũng như đổi mới công tác tuyên truyền phổ biển, giáo dục pháp luật. Đồng thời, bản thân mỗi cán bộ công chức phải là một người tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về lĩnh vực mà mình làm việc.

Có thể nói, phổ biến, giáo dục pháp luật là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị tư tưởng. Chỉ khi làm tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật mới giúp nâng cao nhận thức, ý thức để chấp hành pháp luật một cách tự giác, nghiêm minh, nêu cao tinh thần thượng tôn pháp luật. Do đó, việc tuyên truyền cần được thực hiện thường xuyên với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Có như vậy, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật mới đạt được hiệu quả cao.

Thu Hằng/VOV2

Nguồn VOV: https://vov.vn/phap-luat/dua-phap-luat-den-voi-nguoi-dan-de-phap-luat-di-vao-cuoc-song-post1131321.vov
Zalo