Đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử

Cùng với việc trưng bày sản phẩm tại quầy, Cửa hàng hương vị Tây Bắc của chị Lò Thùy Anh, phường Điện Biên Phủ còn tăng cường giới thiệu, quảng bá trên các nền tảng mạng xã hội và sàn thương mại điện tử.
Trước làn sóng chuyển đổi số lan tỏa mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực, việc đưa nông sản lên các sàn thương mại điện tử không chỉ là xu thế tất yếu mà còn mở ra cơ hội phát triển mới cho nông dân, HTX và doanh nghiệp nông nghiệp. Đây là phương thức hiện đại, giúp kết nối trực tiếp sản phẩm với người tiêu dùng, giảm khâu trung gian, đồng thời nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của nông sản trên thị trường.
Măng khô, chẳm chéo, mộc nhĩ, miến dong... vốn là những sản phẩm nông nghiệp gắn liền với đời sống người dân vùng cao nhưng ít phổ biến trên thị trường. Thế nhưng qua việc quảng bá trên các nền tảng mạng xã hội và sàn thương mại điện tử, chị Sùng Thị Bầu (23 tuổi), xã Na Son đã đưa những nông sản này trở thành mặt hàng được tiêu thụ rộng rãi trên toàn quốc. Sau hơn 2 năm (2023 - 2025), từ hộ kinh doanh nhỏ lẻ, chị Bầu đã tiêu thụ khoảng 1.200 tấn miến dong với hơn 1 triệu đơn hàng trên nền tảng TikTok Shop. Với mức giá dao động từ 97.000 - 110.000 đồng/kg, tổng doanh thu ước tính hơn 100 tỷ đồng (chưa trừ chi phí).
Chị Sùng Thị Bầu chia sẻ: “Ban đầu tôi chỉ bán nhỏ lẻ cho người quen và bạn bè của chồng. Nhưng khi bắt đầu livestream trên TikTok và thực hiện các video ngắn, tôi thấy nhiều người quan tâm, hỏi mua. Có hôm lên sóng vài tiếng, cả trăm đơn về liên tục...”.
Nhờ thay đổi tư duy và chủ động học hỏi, chị Sùng Thị Bầu đã tạo dựng được thương hiệu cho nông sản đặc trưng của địa phương, mang lại giá trị kinh tế cho gia đình và tạo việc làm cho nhiều phụ nữ dân tộc Mông trên địa bàn.
Hiện nay, các hộ kinh doanh nhỏ, các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh đang đẩy mạnh xúc tiến, đưa các mặt hàng nông sản, nhất là các sản phẩm OCOP như: Gạo Điện Biên, chè Tủa Chùa, cà phê Mường Ảng, mật ong rừng, dược liệu… lên sàn thương mại điện tử lazada, postmart, voso, sendo, shopee, tiki, tiktok... giúp các sản phẩm được quảng bá rộng rãi, gia tăng giá trị và ổn định đầu ra. Đơn cử, cơ sở chế biến cà phê Hà Chung (xã Mường Ảng) là một trong những đơn vị tiêu biểu trong việc kết hợp giữa xây dựng thương hiệu OCOP với chuyển đổi số trong tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, cơ sở có 3 dòng sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP, gồm: Cà phê bột nguyên chất pha phin (4 sao), cà phê Arabica phin giấy và cà phê muối Arabica (3 sao).

Hiện nay, 3 sản phẩm cà phê của cơ sở chế biến Hà Chung, xã Mường Ảng đã được bày bán trên sàn thương mại điện tử.
Chị Bùi Việt Hà, chủ cơ sở chế biến cà phê Hà Chung cho biết: “Trước kia, sản phẩm của chúng tôi chủ yếu bán qua đại lý và khách quen trong tỉnh, chưa nhiều người biết đến. Từ khi chú trọng quảng bá tại các hội nghị xúc tiến thương mại, trên các nền tảng mạng xã hội và đưa lên sàn thương mại điện tử, đơn hàng tăng rõ rệt, lượng khách ở các tỉnh thành phía Nam và miền Trung cũng nhiều hơn”.
Đối với khu vực kinh tế tập thể, nhiều HTX trên địa bàn tỉnh cũng đang từng bước chủ động chuyển đổi số, đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh và hiệu quả tiêu thụ sản phẩm. Việc đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử đã giúp các HTX tiếp cận thị trường nhanh hơn. Theo thống kê của Liên minh HTX tỉnh, toàn tỉnh hiện có gần 500 sản phẩm nông, lâm nghiệp đã được đưa lên các sàn thương mại điện tử. Tỷ lệ doanh nghiệp, HTX thực kê khai, nộp thuế điện tử đạt khoảng 97%. Điều này cho thấy xu hướng số hóa trong khối kinh tế tập thể đang diễn ra mạnh mẽ. Nhiều HTX còn chú trọng đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, áp dụng công nghệ trong quy trình sản xuất, chế biến, đóng gói; đồng thời, tích cực tham gia các sàn thương mại điện tử.
“Thương mại điện tử đang mở ra hướng đi mới cho các HTX nông nghiệp như chúng tôi, giúp sản phẩm không chỉ gói gọn trong thị trường địa phương mà có thể vươn xa đến người tiêu dùng cả nước. Để hỗ trợ các HTX bắt nhịp với xu thế này, thời gian qua, các cấp, ngành, Liên minh HTX tỉnh đã tổ chức các lớp tập huấn, giúp đào tạo nâng cao nhận thức, kỹ năng cho cán bộ quản lý HTX về tiếp cận nền tảng số, kỹ thuật bán hàng trực tuyến, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm...” - ông Lò Văn Pâng, Giám đốc HTX Hồng Phước (xã Nà Tấu) cho biết.
Với sự linh hoạt, nhạy bén và khả năng nắm bắt xu thế thị trường, việc đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử hiện nay không chỉ góp phần giải quyết đầu ra cho nông sản mà còn thúc đẩy người sản xuất, từng bước chuyên nghiệp hóa quy trình từ canh tác, chế biến, đóng gói đến truy xuất nguồn gốc và xây dựng thương hiệu. Khi tư duy sản xuất gắn với nhu cầu thị trường được hình thành, người dân và các cơ sở sẽ không còn làm theo kiểu “có gì bán nấy” mà chuyển sang “sản xuất theo đơn hàng, theo thị hiếu tiêu dùng”.
Tuy đã có những tín hiệu tích cực, song việc tiếp cận thương mại điện tử ở khu vực nông thôn, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh vẫn còn không ít rào cản. Từ hạn chế về kỹ năng sử dụng công nghệ, điều kiện hạ tầng viễn thông, điện lực đến tâm lý e ngại, lúng túng khi tiếp cận môi trường số… tất cả đều khiến quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp còn chậm và thiếu đồng bộ.
Để thương mại điện tử thực sự trở thành đòn bẩy thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững, cần có sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành trong việc hỗ trợ người dân bồi dưỡng kỹ năng sử dụng công nghệ, kết nối internet, xây dựng thương hiệu sản phẩm và áp dụng chuyển đổi số ngay từ cơ sở. Cùng với đó, tăng cường hoạt động tập huấn, tư vấn, kết nối tiêu thụ phù hợp với từng nhóm đối tượng. Bởi khi người dân hiểu, làm chủ công cụ số, nông sản vùng cao sẽ không còn quanh quẩn ở “ao làng” mà có thể tự tin vươn tới những thị trường lớn hơn. Đó cũng là hướng đi bên vững để nông nghiệp Điện Biên hội nhập, tạo thương hiệu đặc trưng trong kỷ nguyên số.r