Đưa Nghị quyết số 189/2025/QH15 vào cuộc sống: Dốc sức hiện thực hóa 'giấc mơ' điện hạt nhân Ninh Thuận - Bài 1: Kỳ vọng vào dự án được tái khởi động sau 8 năm tạm dừng

Việc tái triển khai Dự án điện hạt nhân sẽ tạo điều kiện để Việt Nam tiến xa hơn trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, khi công nghệ hạt nhân không chỉ dừng lại ở sản xuất điện mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Việt Nam nâng cao tiềm lực khoa học - công nghệ quốc gia, tham gia vào chuỗi cung ứng công nghiệp điện hạt nhân.

Nơi xây dựng Khu tái định cư thuộc Dự án Nhà máy điện hạt nhân 2 tại thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận.

Nơi xây dựng Khu tái định cư thuộc Dự án Nhà máy điện hạt nhân 2 tại thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận.

LTS: Quyết định tái khởi động Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và ban hành một số cơ chế, chính sách đặc biệt để triển khai Dự án này là một trong những bước đi quan trọng nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng và thực hiện được cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo cam kết tại COP26. Đồng thời đây cũng là nền tảng để Việt Nam xây dựng một nền kinh tế xanh, hiện đại và bền vững trong tương lai, đưa đất nước phát triển lên tầm cao mới.

3 lợi ích lớn nhất của việc khởi động lại Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

Dự án điện hạt nhân (ĐHN) Ninh Thuận được Quốc hội phê duyệt lần đầu vào năm 2009 (Nghị quyết số 41/2009/QH12) với tổng công suất 4.000MW, chia thành 2 nhà máy trên diện tích 1.642ha. Tuy nhiên, đến năm 2016, Quốc hội ra Nghị quyết số 31/2016/QH14 tạm dừng Dự án vì nhiều yếu tố khách quan. Sau khi Dự án dừng thực hiện theo Nghị quyết 31, các địa điểm này (1.642ha) đã được quy hoạch làm đất dự trữ chiến lược lâu dài cho năng lượng để có thể tiếp tục xây dựng nhà máy ĐHN khi có chủ trương của cấp có thẩm quyền.

Ngày 25/11/2024, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII thống nhất chủ trương tái khởi động Dự án ĐHN Ninh Thuận và tiếp tục nghiên cứu Chương trình ĐHN tại Việt Nam.

Tại phiên bế mạc chiều 30/11/2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, trong đó có nội dung đồng ý tiếp tục chủ trương đầu tư Dự án ĐHN Ninh Thuận. Trước đó, Luật Điện lực (sửa đổi) quy định một số chính sách phát triển ĐHN cũng được Quốc hội thông qua, tạo cơ sở pháp lý cho việc hiện thực hóa chủ trương này.

Ngày 5/12/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã khảo sát địa điểm Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 và yêu cầu chuẩn bị tốt các điều kiện để tái khởi động Dự án ĐHN. Trước đó một ngày, tại Phiên họp chuyên đề pháp luật, Chính phủ cũng đã xem xét đề nghị xây dựng Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).

Trong bối cảnh hiện nay, khi các nhà máy nhiệt điện than đang đối mặt với thách thức lớn liên quan đến cam kết giảm phát thải ròng; còn điện mặt trời và điện gió tuy được kỳ vọng là nguồn năng lượng xanh trong tương lai nhưng thiếu ổn định và phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, thì việc tái khởi động Dự án là một lựa chọn cần thiết, chiến lược. Điều này đáp ứng yêu cầu phát triển về nguồn cung năng lượng bền vững với giá cả hợp lý mà nền kinh tế đang đòi hỏi.

Tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2024 vào chiều 7/12/2024, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đã phân tích 3 lợi ích lớn nhất của việc khởi động lại Dự án ĐHN Ninh Thuận.

Thứ nhất, ĐHN có khả năng tạo ra nguồn năng lượng nền sạch, đáp ứng tiêu chuẩn kép trong xu thế phát triển xanh, năng lượng tái tạo hiện nay. Nếu không có năng lượng nền để cân đối với sự phát triển nhanh chóng của năng lượng tái tạo thì sẽ rất nguy hiểm. Cùng với ĐHN, các loại hình năng lượng khác sẽ bảo đảm tiêu chí an ninh năng lượng đi kèm phát triển năng lượng xanh.

Thứ hai, Dự án ĐHN Ninh Thuận khi hoạt động sẽ góp phần cung cấp nguồn năng lượng an toàn cho phát triển kinh tế - xã hội, không chỉ cho tỉnh Ninh Thuận mà cho toàn quốc. Trong lương lai với xu hướng phát triển năng lượng xanh có thể hướng tới xuất khẩu năng lượng.

Thứ ba, ĐHN sẽ tạo động lực để Việt Nam tiến tới có nền tảng công nghệ cao, đặc biệt là công nghệ nguyên tử, kéo theo đó là cả ngành công nghiệp phụ trợ, nhân lực công nghệ cao cho đất nước.

Tiếp đến, ngày 19/2/2025, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 189/2025/QH15 về một số cơ chế, chính sách đặc biệt đầu tư xây dựng Dự án ĐHN Ninh Thuận. Theo đó, quy định một số cơ chế và chính sách đặc biệt như triển khai đồng thời việc đàm phán với đối tác đã ký kết điều ước quốc tế hoặc với các đối tác khác để ký kết điều ước quốc tế về hợp tác xây dựng, cấp tín dụng cho thực hiện Dự án, song song với quá trình điều chỉnh chủ trương đầu tư và phê duyệt dự án đầu tư; áp dụng hình thức chỉ định thầu theo quy trình rút gọn đối với gói thầu chìa khóa trao tay xây dựng nhà máy chính với nhà thầu trong điều ước quốc tế… Có thể khẳng định Nghị quyết 189 là một bước đi cần thiết để phát triển năng lượng hạt nhân tại Việt Nam. Tuy nhiên, để bảo đảm thành công của Dự án, các cơ chế, chính sách đặc biệt này cần được triển khai một cách minh bạch, hiệu quả và tuân thủ đầy đủ các quy định về an toàn, môi trường và đấu thầu.

Những “núi” công việc “vừa chạy, vừa xếp hàng”

Với quyết tâm chính trị cao nhất từ Trung ương, Dự án mang tầm cỡ quốc gia này đã được Ninh Thuận triển khai một cách khẩn trương. Ngay từ cuối tháng 1/2025, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Ninh Thuận đã nhanh chóng thành lập Ban Chỉ đạo tỉnh thực hiện Dự án nhà máy ĐHN trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận và Tổ giúp việc. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Quốc Nam làm Trưởng Ban, tất cả các sở, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Thuận, một số ban Đảng và lãnh đạo của hai huyện Thuận Nam và Ninh Hải (Bí thư, Chủ tịch UBND) là thành viên, tổng cộng 24 người.

Tại Kế hoạch số 517 /KH-UBND ngày 10/2/2025, UBND tỉnh Ninh Thuận đã yêu cầu triển khai 6 nhóm nhiệm vụ để thực hiện đầu tư xây dựng nhà máy ĐHN cho thấy khối lượng công việc khổng lồ đòi hỏi cả hệ thống chính trị của Ninh Thuận phải vào cuộc. Tuy nhiên, các nhóm nhiệm vụ chính có thể gói gọn trong công tác quản lý đất đai sau khi thu hồi đất để bồi thường, giải phóng mặt bằng, quản lý trật tự xây dựng tại khu vực triển khai Dự án. Song song đó là việc thực hiện quy trình kiểm đếm, bồi thường, giải phóng mặt bằng; tổ chức tái định canh, tái định cư cho người dân nhường đất xây dựng Nhà máy ĐHN trên địa bàn huyện Thuận Nam và Ninh Hải. Ngoài ra là nhiệm vụ tham mưu cho UBND tỉnh để đề xuất, kiến nghị những phát sinh trong quá trình thực hiện Dự án với Chính phủ và các Bộ, ngành cũng được giao cho các sở liên quan.

Các chương trình lớn để triển khai Dự án cũng đã được xây dựng. Trong đó, đáng chú ý nhất là chương trình thực hiện dự án di dân, tái định cư nhà máy ĐHN do UBND tỉnh làm chủ đầu tư. Theo Sở Công Thương (Giám đốc Sở là Phó Trưởng Ban Chỉ đạo), việc đền bù, giải phóng mặt bằng được giao cho 2 huyện Thuận Nam và Ninh Hải. Đặc biệt, 2 huyện phải quản lý chặt chẽ đất đai, trật tự xây dựng tại khu vực triển khai Dự án, không để xảy ra tình trạng mua bán, sang nhượng đất đai, tài sản, xây dựng nhà ở, công trình không đúng quy định để hưởng chính sách bồi thường, hỗ trợ.

Theo ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo, địa phương đang khẩn trương triển khai thực hiện một số nhóm nhiệm vụ cấp bách. Nổi bật là nhiệm vụ tổ chức khảo sát, đánh giá tình hình, tiến độ việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư thuộc Đề án ổn định sản xuất, đời sống Nhân dân và phát triển khu dân cư đối với các vị trí quy hoạch xây dựng Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 & 2. Cùng với đó là nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy trình rút gọn để làm cơ sở triển khai thực hiện chủ trương tái khởi động Nhà máy ĐHN Ninh Thuận.

Cần di dời dân xong trong 2025

Theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, công tác giải phóng mặt bằng cho cả 2 Nhà máy ĐHN và tái định cư cho người dân để ổn định đời sống Nhân dân được thực hiện xong trong năm 2025. Nói cách khác, Ninh Thuận phải xây dựng lộ trình cụ thể để hoàn tất thủ tục thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, triển khai khu tái định cư, khu tái định canh, hoàn thành trong năm 2025.

Cho đến đầu tháng 2/2025, theo Sở Tài nguyên và Môi trường (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường), công tác xây dựng phương án bồi thường, di dân, tái định cư, tái định canh tại hai Dự án Nhà máy ĐHN đã cơ bản xong. Tại Dự án Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1, Chủ tịch UBND huyện Thuận Nam Trương Xuân Vỹ cho biết, dự kiến sẽ thu hồi khoảng 480ha đất, trong đó, khu Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 hơn 418ha và khu tái định cư hơn 62ha (bao gồm 24,2ha diện tích dự kiến mở rộng). Hiện, địa phương đã có thống kê sơ bộ số liệu hộ dân nằm trong vùng dự án cần phải di dời, cụ thể diện tích các loại đất. Để bảo đảm chuẩn xác, toàn diện, địa phương đang tập trung lực lượng khẩn trương đến thực địa để rà soát, kiểm kê các số liệu liên quan đến đất, nhà ở, công trình xây dựng, vật kiến trúc, hoạt động dân sinh, cây trồng, vật nuôi... của người dân và khu vực tái định cư.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Hải Nguyễn Trúc Hòa cũng thông tin về tiến độ Dự án Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 2, huyện đã tiến hành khảo sát xong trong tháng 2/2025. Song song đó, UBND huyện đã ban hành kế hoạch thu hồi đất và ban hành thông báo thu hồi đất đến các hộ dân để người dân biết việc triển khai Dự án Nhà máy ĐHN. Trước đó, UBND huyện đã tổ chức cuộc họp dân, thông tin chủ trương tái khởi động Nhà máy ĐHN. Đối với đất tái định cư, diện tích quy hoạch là 43,65ha, trong đó diện tích phân lô đất ở khoảng 21ha.

Theo ông Hòa, tháng 11/2024, trước khi Tổng Bí thư Tô Lâm vào làm việc, huyện đã triển khai khảo sát thông tin bằng phiếu đến các hộ dân, trên 90% người dân đồng thuận với chủ trương. Để bảo đảm nguồn sống cho người dân, từ năm 2009, Nhà nước đã có quy hoạch vùng tái định canh cho người dân (159ha). Hiện người dân vẫn đang sản xuất ở đây và theo kế hoạch, phần đất tái định canh người dân đang canh tác sẽ tiếp tục giữ nguyên, còn phần đất chưa sử dụng khoảng 30ha sẽ bố trí cho người dân có nhu cầu.

Tại phiên thảo luận tổ Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, nêu vấn đề “Làm thế nào để đáp ứng đủ lực nguồn năng lượng để cho phát triển?”, Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng phải phát triển điện hạt nhân và yêu cầu phải làm rất nhanh, làm đồng bộ các khâu.

(Còn nữa)

Thục Quyên - Khánh Toàn - Duy Khương

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/dua-nghi-quyet-so-1892025qh15-vao-cuoc-song-doc-suc-hien-thuc-hoa-giac-mo-dien-hat-nhan-ninh-thuan-bai-1-ky-vong-vao-du-an-duoc-tai-khoi-dong-sau-8-nam-tam-dung-post546157.html
Zalo