Đưa nghề độc, lạ lên màn ảnh

Nhiều nghề độc, lạ được các nhà làm phim chọn đưa lên màn ảnh mang đến sức hấp dẫn riêng cho những tác phẩm này.

Thời gian qua, khán giả không còn xa lạ với những tác phẩm phim điện ảnh, truyền hình lấy cảm hứng từ những truyền thuyết kinh dị, dân gian, văn học... lồng ghép những ngành nghề truyền thống gần gũi, chân thật. Chúng không chỉ giữ vai trò thu hút khán giả mà còn góp phần quảng bá văn hóa, cuộc sống, con người Việt Nam khi tác phẩm xuất ngoại.

Bên cạnh những nghề truyền thống thường thấy, hiện nay, một số nghề độc, lạ hiếm khi lên màn ảnh cũng đã dần được khai thác như nghề vớt xác, nghề đạo tỳ, nghề đóng quan tài, nghề làm muối... Có thể kể như nhân vật bà Lệ (Việt Hương đóng) phim "Ma da" làm nghề vớt xác người đuối nước trên sông; ông Đạo (NSƯT Hoài Linh đóng) làm nghề đạo tỳ trong phim "Làm giàu với ma"; ông Hai (Quyền Linh đóng) làm nghề muối tại ấp đảo Thiềng Liềng, Cần Giờ, TP HCM trong phim "Hai Muối"; ông Nhân (NSƯT Võ Hoài Nam đóng) làm nghề đóng quan tài trong phim truyền hình "Món quà của cha".

Quyền Linh trong vai ông Hai phim “Hai Muối” (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)

Quyền Linh trong vai ông Hai phim “Hai Muối” (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)

Gần đây, phim Việt hóa dài tập "Hạnh phúc bị đánh cắp" cũng khai thác về nghề thêu tay trên áo dài truyền thống, một nghề ít khi được đề cập một cách tỉ mỉ trên màn ảnh. Việc đưa những nghề độc, lạ lên màn ảnh mang đến hiệu quả là tạo sự tò mò của khán giả về nghề chỉ nghe nói mà ít khi có cơ hội được tìm hiểu kỹ.

Thông qua các nhân vật, cách thể hiện của các diễn viên, khán giả ít nhiều hình dung được câu chuyện phía sau của những nghề này, từ đó đồng cảm hơn với người làm nghề. Nhiều nghề độc, lạ không mang đến nguồn thu nhập cao cho người làm nghề mà còn đòi hỏi ở kinh nghiệm, sự đam mê, kiên trì và nỗ lực mới theo được nghề lâu dài.

Bên cạnh việc thu hút sự chú ý từ khán giả, người trong giới cho rằng việc đưa những nghề này lên màn ảnh không đơn giản, bởi sẽ gặp nhiều thách thức hơn cả những nghề bình thường khác do yếu tố chuyên môn, sự hiểu biết của diễn viên cũng như ê-kíp thực hiện. Nếu không có hướng dẫn từ người trong nghề và hiểu biết nhất định thì diễn viên khó lột tả chân thực nhân vật. Đó cũng là lý do nhiều diễn viên phải bỏ nhiều thời gian, công sức để tìm hiểu để vài vai tốt hơn.

Việc đưa nghề lên màn ảnh nói chung và nghề độc, lạ nói riêng hiện đang ăn khách. Dẫu vậy, theo các nhà chuyên môn, điều cốt lõi là phải có kịch bản hấp dẫn, câu chuyện kể hay, lồng ghép hài hòa được các yếu tố từ bối cảnh, nghề nghiệp, cách kể. Nếu chỉ dựa vào khai thác nghề độc, lạ mà câu chuyện không liền mạch thì phim khó thu hút người xem.

Minh Khuê

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/dua-nghe-doc-la-len-man-anh-196240829203641213.htm
Zalo