Đưa ngành công nghiệp 'không khói' vươn xa
Du lịch Lâm Đồng đã có bước phát triển nhanh cả về quy mô và chất lượng. Khách du lịch quốc tế, trong nước và doanh thu từ du lịch liên tục tăng trưởng với tốc độ cao, đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP. Để du lịch không chỉ là ngành dịch vụ, mà là một ngành kinh tế tổng hợp có những đóng góp đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế, tỉnh Lâm Đồng đang nỗ lực phát triển ngành công nghiệp 'không khói' này theo hướng hiện đại, tương xứng với tiềm năng.
• 18.000 TỶ ĐỒNG DOANH THU TỪ DU LỊCH
Ngày 30/12, tỉnh Lâm Đồng tổ chức đón du khách thứ 10 triệu đến địa phương trong năm 2024. Tại sân bay Liên Khương, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Hồng Thái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S cùng lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng đã trực tiếp chào đón du khách thứ 10 triệu là ông Nguyễn Đăng Dũng, đến từ Hà Nội. Sự kiện này là dấu mốc quan trọng đối với ngành Du lịch Lâm Đồng, khẳng định sức hút mạnh mẽ của xứ ngàn hoa Đà Lạt, cùng những địa danh hấp dẫn khác của vùng đất cao nguyên đối với du khách trong nước và quốc tế.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hồng Thái khẳng định, đây là sự kiện rất ý nghĩa đối với tỉnh Lâm Đồng, là minh chứng rõ nét cho sự phát triển vượt bậc của ngành Du lịch. Đồng thời, khẳng định những nỗ lực không ngừng của tỉnh trong việc xây dựng và quảng bá hình ảnh du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng đến bạn bè trong nước và quốc tế.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng thông tin, năm 2024, địa phương đón 10 triệu lượt du khách, tăng 15,6% so năm 2023. Trong đó, khách quốc tế hơn 600 nghìn lượt, tăng 50% so năm 2023; khách qua lưu trú khoảng 7,6 triệu lượt, tăng 13,4% so năm 2023. Doanh thu từ du lịch khoảng 18 nghìn tỷ đồng.
Tỉnh Lâm Đồng, với Đà Lạt là trung tâm, từ lâu đã khẳng định vị thế là một trong những điểm đến hàng đầu tại Việt Nam. Được thiên nhiên ưu đãi với khí hậu ôn hòa, cảnh sắc thơ mộng và nền văn hóa độc đáo, đặc biệt, Đà Lạt còn nổi danh là "thành phố ngàn hoa", là điểm đến lý tưởng cho nghỉ dưỡng, khám phá và trải nghiệm văn hóa địa phương.
Du khách đến Lâm Đồng có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong năm qua là nhờ công tác xúc tiến, quảng bá du lịch trong và ngoài nước được tổ chức với nhiều hình thức đa dạng, phong phú từ đầu năm. Đồng thời, địa phương tổ chức nhiều sự kiện mang tầm quốc gia, quốc tế, như Festival Hoa Đà Lạt, Tuần lễ Vàng Du lịch Lâm Đồng... Công tác truyền thông được tăng cường xuyên suốt để du khách biết và lựa chọn Đà Lạt- Lâm Đồng là điểm đến hấp dẫn, ấn tượng.
• ĐƯA DU LỊCH TRỞ THÀNH NGÀNH KINH TẾ MŨI NHỌN
Nghị quyết số 18 của Tỉnh ủy Lâm Đồng đã đề ra 7 nhóm nhiệm vụ giải pháp với 25 nội dung trọng tâm, giúp chuyển hóa việc nâng cao nhận thức về du lịch thành hành động cụ thể, huy động ngày càng nhiều nguồn lực tham gia khai thác tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch của tỉnh theo hướng chất lượng cao và bền vững. Sau hai năm thực hiện 2022 - 2024, các chỉ tiêu về du lịch của Lâm Đồng phát triển ổn định nhờ triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp về quy hoạch; thu hút đầu tư, phát triển sản phẩm dịch vụ du lịch; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ và tăng cường công tác quảng bá xúc tiến để thu hút khách đến với địa phương.
Giai đoạn 2022 - 2024, lượt khách du lịch đến Lâm Đồng tăng đều mỗi năm với bình quân 65,9%; tổng lượng khách do các cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh phục vụ tăng trưởng bình quân 58,4% (vượt 48,4% chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết đến năm 2025 là tăng bình quân 9-10%/năm); khách quốc tế chiếm 5,8% tổng lượng khách qua lưu trú.
Ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, các định hướng, quy hoạch phát triển du lịch theo hướng chất lượng cao và bền vững cũng đạt nhiều kết quả khả quan. Lâm Đồng đã tập trung phát triển du lịch thông minh, đưa vào sử dụng ứng dụng “Du lịch thông minh” trên các thiết bị di động giúp du khách thực hiện một chương trình du lịch “hoàn toàn qua hệ thống internet”, duy trì internet wifi công cộng tại một số điểm tại Đà Lạt, đáp ứng nhu cầu của du khách khi đến tham quan, nghỉ dưỡng.
Đồng thời, triển khai Mô hình điểm “Phát triển du lịch, gắn với phát triển đặc sản vùng, miền hỗ trợ người dân ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh xác thực điện tử trong phát triển kinh tế hộ gia đình, kinh tế số” thuộc Đề án 06 của Chính phủ; triển khai thí điểm một số mô hình kinh tế đêm trên địa bàn TP Đà Lạt nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh, đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ phục vụ khách du lịch và người dân; hình thành và đưa vào khai thác các tuyến du lịch nội vùng và liên kết vùng để đưa vào phục vụ nhu cầu tham quan trải nghiệm của du khách.
Đặc biệt, Lâm Đồng sẽ đẩy nhanh ứng dụng chuyển đổi số ngành Du lịch thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông và các phương tiện khác để nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện hiệu quả hoạt động của chính quyền, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn diện và bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch với các tỉnh vùng duyên hải Trung Bộ, Đông Nam Bộ trên cơ sở đầu tư hoàn thiện hệ thống giao thông đường bộ, đường hàng không để tăng cường tính liên kết trong nội vùng, trong nước và quốc tế; tăng cường tần suất các chuyến bay nội địa đến các địa bàn du lịch trọng điểm và xúc tiến mở mới các đường bay quốc tế phục vụ khách du lịch.
Song song đó, nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp trong công tác phối hợp triển khai thực hiện các chính sách về phát triển du lịch dịch vụ. Tiếp tục kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về du lịch bảo đảm đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.