Đưa nền tảng dạy học trực tuyến OLM vào trường học
Trong thời kỳ công nghệ số, việc ứng dụng các nền tảng trực tuyến vào dạy học đã trở thành xu thế tất yếu. OLM là nền tảng quản lý, dạy học trực tuyến và xây dựng kho học liệu số chất lượng; được các nhà trường sử dụng hiệu quả trong công tác quản lý và dạy học. Từ đó, giúp giáo viên quản lý học liệu, quá trình học tập của học sinh; đồng thời, hỗ trợ các em học tập, ôn luyện và bổ sung thêm các kiến thức theo chương trình học.

Tiết học tại Hội nghị chuyên đề ứng dụng nền tảng OLM vào giảng dạy ở cấp tiểu học.
Trường Tiểu học và THCS 915 Gia Sàng (TP. Thái Nguyên) là một trong những ngôi trường tiên phong đưa nền tảng dạy học trực tuyến OLM vào dạy học từ năm 2019. Đến nay, 46 giáo viên, nhân viên và 663 học sinh của Trường được cấp tài khoản; 100% giáo viên thường xuyên sử dụng OLM là công cụ đắc lực hỗ trợ trong việc giảng dạy; cuối mỗi tuần, giáo viên thường xuyên giao bài trên OLM để học sinh luyện tập nhằm ghi nhớ kiến thức kỹ hơn. Trong mỗi tiết dạy, giáo viên sử dụng những bài luyện tập có sẵn trong kho học liệu được xây dựng theo từng bài học để làm bài tập cho học sinh luyện tập. Ngoài những học liệu có sẵn, giáo viên còn có thể tự tạo học liệu thuận tiện và dễ dàng.
Cô giáo Bùi Thị Thanh Hoàn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS 915 Gia Sàng, cho biết: Giáo dục trong thời đại 4.0 đòi hỏi sự tích hợp giữa công nghệ và phương pháp giảng dạy hiện đại. Nền tảng trực tuyến OLM là công cụ quan trọng để cá nhân hóa việc học tập, khuyến khích học sinh tự học và sáng tạo. Đến nay, 100% học sinh từ khối lớp 1 đến khối lớp 9 của Trường đã hình thành thói quen học tập trên nền tảng OLM. Sử dụng nền tảng dạy học trực tuyến OLM đã hỗ trợ giáo viên trong công tác giảng dạy và thúc đẩy việc tự học của học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
OLM cung cấp hàng nghìn bài học đa dạng cho từng môn học, từ Tiểu học đến THPT của các bộ sách được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, giúp giáo viên có kho học liệu phong phú. Hệ thống bài tập phong phú, đa dạng, từ dễ đến khó, giúp học sinh rèn luyện và củng cố kiến thức. Đồng thời, hỗ trợ học sinh luyện tập, kiểm tra và đánh giá mức độ hiểu bài một cách tự động, hiệu quả; thúc đẩy quá trình tự học của cá nhân học sinh mọi lúc, mọi nơi, có sự tham gia của cha mẹ học sinh vào quá trình tự học của con.
Nhằm đẩy mạnh sử dụng nền tảng OLM trong quản lý, dạy học, trong tháng 3 vừa qua, Trường Tiểu học Đông Cao (TP. Phổ Yên) đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn giáo viên của Trường cách xây dựng bài giảng số, giao bài tập trực tuyến, chấm bài tự động và theo dõi tiến độ học tập của học sinh trên hệ thống nền tảng OLM. Tại buổi tập huấn, cô giáo Nguyễn Thị Thắm, Phó Hiệu trưởng Nhà trường và cô giáo Nguyễn Thị Thanh, Giáo viên Tin học đã hướng dẫn các giáo viên thực hành trực tiếp trên nền tảng, thảo luận, chia sẻ cởi mở và trao đổi những vướng mắc trong quá trình ứng dụng OLM vào giảng dạy. Buổi tập huấn đã giúp mỗi cán bộ, giáo viên được tiếp cận, tìm hiểu sâu hơn về các giải pháp công nghệ số trong giảng dạy. Từ đó, có những vận dụng cụ thể, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy.

Giáo viên Trường Tiểu học Đông Cao (TP. Phổ Yên) tham dự tập huấn ứng dụng nền tảng OLM trong dạy học.
Nền tảng giáo dục OLM đang được các nhà trường trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện như giải pháp hữu ích nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy. Đến nay, có 70% trường phổ thông cấp Tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn tỉnh đã và đang sử dụng nền tảng OLM vào quản lý, dạy học. Bên cạnh sự nỗ lực từ phía các nhà trường, thầy cô giáo, Sở Giáo dục và Đào tạo cùng 9 phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, thành đã triển khai nhiều giải pháp tích cực đưa nền tảng OLM vào quản lý, giảng dạy.
Một trong những hoạt động đó là Hội nghị chuyên đề ứng dụng nền tảng OLM vào giảng dạy ở cấp Tiểu học do Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Thái Nguyên tổ chức mới đây. Dưới sự dẫn dắt của cô giáo Nguyễn Phương Linh (Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân) và cô giáo Nguyễn Thị Hà Giang (Trường TH&THCS 915 Gia Sàng), các em học sinh đã có những tiết học sôi động, hào hứng tiếp thu kiến thức, thể hiện phương pháp học tập hiện đại, tương tác linh hoạt thông qua nền tảng trực tuyến OLM.
Việc ứng dụng nền tảng OLM góp phần quan trọng trong nâng cao chất lượng giảng dạy, quản lý giáo dục, phù hợp với xu thế chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay. Qua đó, giúp học sinh cải thiện kiến thức, phát triển các kỹ năng tự học, công nghệ và kỹ năng mềm. Điều này không chỉ giúp các em chuẩn bị tốt hơn cho tương lai mà còn tạo cơ hội học tập suốt đời. Qua đó, khẳng định quyết tâm của cán bộ, giáo viên ngành Giáo dục Thái Nguyên thực hiện hiệu quả công tác chuyển đổi số, hướng tới xây dựng trường học số, lớp học số hiện đại, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục trong giai đoạn hiện nay.
Với kết quả đạt được, ngành Giáo dục Thái Nguyên phấn đấu đến tháng 5-2025, 100% trường phổ thông trên địa bàn sử dụng nền tảng giáo dục OLM. Để nâng cao hiệu quả sử dụng, trong thời gian tới, ngành tiếp tục tăng cường tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng sử dụng nền tảng OLM đối với cán bộ giáo viên; khuyến khích thầy, cô giáo thiết kế bài giảng tích hợp hiệu quả giữa nội dung truyền thống và các tài nguyên số để kích thích hứng thú học tập của học sinh; mỗi thầy cô quan tâm sử dụng OLM như một công cụ đánh giá học sinh theo hướng tự động, nhanh chóng và chính xác...