Đưa kinh tế Đông Nam Bộ tăng trưởng 2 con số
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các địa phương đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, cố gắng trong năm 2024 ước đạt tăng trưởng trên 7%, cao hơn của cả nước
Chiều 2-12, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ lần thứ năm với chủ đề "Tăng trưởng kinh tế 2 con số vùng Đông Nam Bộ năm 2025: Thách thức, cơ hội và giải pháp". Cùng tham dự có ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM.
GRDP vùng có xu hướng chậm
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá, vừa phấn đấu tăng trưởng kinh tế, vừa sắp xếp lại bộ máy sao cho tinh giản, hiệu quả, vừa chuẩn bị cho đại hội Đảng các cấp. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2 con số. Thách thức nhiều nhưng cơ hội cũng không ít, tuy nhiên Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương "bàn làm chứ không bàn lùi".
Thủ tướng đề nghị bí thư thành ủy, tỉnh ủy, chủ tịch UBND các địa phương, thành viên hội đồng, các đại biểu cho ý kiến về một số nội dung, nhận diện một số khó khăn thách thức khi thực hiện Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị, trong đó có các vấn đề thể chế, cơ chế, chính sách, nguồn lực, công tác phối hợp nội vùng, liên vùng; một số giải pháp trọng tâm và nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương để đạt được mục tiêu tăng trưởng 2 con số giai đoạn 2025-2030 và ít nhất 8% trong năm 2025.
Báo cáo kết quả với hội đồng vùng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết năm 2024, GRDP của vùng Đông Nam Bộ đang có xu hướng chậm lại, thấp hơn tốc độ tăng trưởng bình quân của các nước, ước đạt hơn 3,56 triệu tỉ đồng. Thu nhập bình quân đầu người ước hơn 187 triệu đồng/năm, cao nhất trong các vùng kinh tế. Tuy nhiên, tốc độ phát triển GRDP vùng năm 2024 ước 6,38%, thấp hơn bình quân chung và đứng thứ 4 trong 6 vùng kinh tế của cả nước. Vùng Đông Nam Bộ hiện đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Hạ tầng giao thông chưa theo kịp tốc độ phát triển kinh tế, giao thông kết nối các địa phương với TP HCM chưa hoàn chỉnh, thiếu đồng bộ. Giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu…
Về tình hình triển khai các hoạt động của hội đồng vùng, chủ tịch hội đồng vùng đã giao 29 nhiệm vụ đề xuất thực hiện trong năm 2025. Hiện nay, còn nhiều nhiệm vụ chưa được các bộ, ngành, địa phương hoàn thành theo tiến độ, tiến độ triển khai các dự án trọng điểm còn chậm do vướng công tác giải phóng mặt bằng; nguồn vật liệu chưa đáp ứng dẫn đến công tác giải ngân còn chậm, khó hoàn thành theo kế hoạch…
Nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ
Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ cho biết, địa phương đã quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông theo hướng liên kết các tỉnh trong vùng và đã có những bước phát triển quan trọng, làm nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế như dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, dự án cầu Phước An, phối hợp đầu tư đường Vành đai 4…
Bà Rịa - Vũng Tàu đã đưa ra 6 nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện trong năm 2025, trong đó tập trung xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng phê duyệt các đề án theo nhiệm vụ đặt ra tại Nghị quyết 24 và Nghị quyết 154, đồng thời thúc đẩy sớm hình thành Trung tâm logistics Cái Mép Hạ. Ngoài ra, phối hợp với Bộ Công Thương nghiên cứu xây dựng trung tâm công nghiệp điện gió quốc gia, phối hợp với các địa phương trình Chính phủ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án giao thông.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức xác định 4 nhiệm vụ đột phá của địa phương, trong đó có phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là giao thông đô thị và nông thôn với tổng vốn đầu tư 223.000 tỉ đồng. Vừa qua Đồng Nai đã triển khai đồng loạt phát triển kết cấu hạ tầng giao thông kết nối vùng. Các dự án lớn như sân bay, Vành đai 3, Vành đai 4, cầu thay phà Cát Lái, đường kết nối sân bay, đường liên cảng. Hiện nay các dự án trên đã và đang đi vào hoạt động, phát huy hiệu quả, tạo điều kiện phát triển mạnh hạ tầng trong tỉnh và vùng. Chủ tịch tỉnh Đồng Nai quyết tâm đề xuất mức tăng trưởng GRDP năm 2025 đạt 10%.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường cho biết trong năm 2024 địa phương đã được giao 8 nhiệm vụ, đến nay hoàn thành 4 nhiệm vụ gồm Đề án trung tâm hội chợ triển lãm quốc tế, Đề án trung tâm tài chính quốc tế, Đề án kết nối các sàn giao dịch công nghệ quốc gia tại TP HCM và Đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Hết tháng 12-2024 và trong năm 2025, thành phố sẽ khẩn trương hoàn thành 4 nhiệm vụ còn lại.
Phó Chủ tịch TP HCM kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan thành lập Hội đồng Thẩm định dự án để tổ chức thẩm định chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 4; Xem xét, cân đối bố trí nguồn vốn ngân sách trung ương cho dự án đường Vành đai 4 để hỗ trợ tỉnh Long An triển khai thực hiện dự án thành phần đoạn trên địa bàn tỉnh. Trong trường hợp Trung ương cân đối được thì hỗ trợ các tỉnh còn lại 50% tổng mức vốn.
Các địa phương khác như Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Long An cũng lần lượt đưa ra các kiến nghị, đề xuất; Các bộ như Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính cũng đưa ra các ý kiến liên quan đến các kiến nghị của các địa phương và đề xuất các phương án giải quyết.
Cố gắng đạt tăng trưởng cao hơn cả nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương TP HCM trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Là đầu tàu kinh tế của vùng, TP HCM đã tập trung phát triển nhiều dự án, đóng góp cao cho ngân sách. Đặc biệt đã vượt qua sức ì sau đại dịch COVID-19, nỗ lực hoàn thành các kế hoạch đề ra. Thủ tướng cũng đánh giá cao các địa phương còn lại trong việc tập trung phát triển giao thông liên kết vùng, trong đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nỗ lực cùng TP HCM xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế TP HCM.
Thủ tướng đề nghị các địa phương cần đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, cố gắng trong năm 2024 ước đạt tăng trưởng trên 7%, cao hơn của cả nước. Tiếp tục triển khai 22 nhiệm vụ còn lại chuyển tiếp, hoàn thành trong năm 2025.
Thủ tướng cũng chỉ ra các giải pháp trong đó hoàn thiện thể chế, đây là điểm nghẽn lớn nhất cần có các cơ chế, đột phá. Tập trung cho giải ngân đầu tư công, tăng tốc cho xuất khẩu, kích cầu tiêu dùng, tập trung cho kinh tế xanh, tuần hoàn, kinh tế đêm. Ngoài ra, tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, các dự án lớn, khu trung tâm công nghệ cao đặc biệt là chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo. Theo Thủ tướng, từ nay đến quý I/2025 vẫn còn nhiều vướng mắc thì xin ý kiến cho cuộc họp bất thường, mạnh dạn đề xuất.
Chỉ đạo thực hiện các dự án quan trọng
Thủ tướng giao cho TP HCM tiếp tục là chủ đầu tư dự án đường Vành đai 4, chia ra các dự án thành phần, tách dự án thành phần của Bình Dương ra làm trước. Liên quan dự án Cảng Cần Giờ, đề nghị các bộ rà soát lại, xử lý dứt điểm trong tháng 12-2024. Đối với Đề án xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, cần triển khai các thủ tục cần thiết để cơ bản hình thành cơ chế, chính sách trong quý I/2025, trên cơ sở đó kêu gọi đầu tư.
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chủ động phối hợp, báo cáo về xây dựng dự án Khu thương mại tự do Cái Mép Hạ, dự án điện gió ngoài khơi. Ngoài ra, Đồng Nai rà soát lại dự án sân bay Long Thành. Thủ tướng cũng chỉ đạo các địa phương liên quan đến các dự án cao tốc, các tuyến đường sắt kết nối và đề nghị các tỉnh, thành phố rà soát lại các vướng mắc, có các văn bản gửi lại cho Chính phủ trước ngày 10-12.
Khu thương mại tự do thúc đẩy phát triển logistics
Sáng cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ tham dự Diễn đàn logistics Việt Nam 2024 tại Bà Rịa - Vũng Tàu với chủ đề "Khu thương mại tự do - giải pháp đột phá thúc đẩy tăng trưởng logistics". Diễn đàn năm nay được tổ chức nhằm phát đi thông điệp mạnh mẽ của Chính phủ về việc thu hút, khuyến khích đầu tư, phát triển các khu thương mại tự do với những chính sách đủ mạnh, khả thi và cơ chế thông thoáng, hấp dẫn để tạo động lực đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế nói chung và ngành dịch vụ logistics nói riêng.
Năm 2024, Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá, xếp hạng thuộc Top 10 thị trường logistics mới nổi; Top 4 thế giới về chỉ số cơ hội logistics và Top 43 về chỉ số hiệu quả logistics.