Đưa hạt gạo Việt Nam từ bữa cơm quê đến bàn ăn thế giới
Ngày 4/4, tại thành phố Cần Thơ, hội thảo 'Định vị hạt gạo Việt Nam trong kỷ nguyên mới' đã diễn ra, thu hút sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp và đại diện các cơ quan quản lý.

Đại biểu tham gia thảo luận tại Hội thảo
Sự kiện do Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), Tạp chí Thị trường tài chính tiền tệ và trang Việt Nam đầu tư phối hợp tổ chức, nhằm tìm kiếm giải pháp nâng cao vị thế và giá trị hạt gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Theo các số liệu thống kê gần đây, Việt Nam là 1 trong 3 quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, với các thị trường truyền thống tại châu Á, Trung Đông và châu Phi. Theo số liệu từ Cục Thống kê (Bộ Tài chính), trong năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 9 triệu tấn gạo, thu về 5,7 tỷ USD, tăng 11% về khối lượng và 24% về giá trị so với năm trước đó.

Đại biểu tham gia thảo luận tại hội thảo.
Trên thị trường xuất khẩu gạo hiện nay, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu 3 loại sản phẩm chính: gạo thường, gạo chất lượng cao và gạo cao cấp. Trong đó, gạo chất lượng cao chiếm tỷ lệ lớn nhất, dao động từ 60 đến 70%, tiếp theo là gạo cao cấp với các thương hiệu nổi tiếng, chiếm khoảng 15%; gạo thường chiếm phần còn lại, từ 10 đến 15%.
Trong đó, vùng đồng bằng sông Cửu Long đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, đóng góp 50% sản lượng lúa và hơn 90% sản lượng gạo xuất khẩu, khẳng định vị thế của hạt gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) phát biểu tại hội thảo.
Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Intimex, cho biết, ngành xuất khẩu gạo Việt Nam đang có sự phát triển mạnh mẽ, thể hiện rõ qua các con số ấn tượng về lượng xuất khẩu và định hướng nâng cao giá trị sản phẩm.
Theo ông Nam, xuất khẩu gạo của Việt Nam đã có sự tăng trưởng vượt bậc, từ 6 triệu tấn trong những năm trước lên 7,5 triệu tấn vào năm 2022 và đạt 9,18 triệu tấn trong năm ngoái, với tổng doanh thu vượt qua 5,7 tỷ USD.
Dự báo tổng lượng gạo xuất khẩu trong quý I năm nay đạt khoảng 2.250.160 tấn, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2024. Cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu đang có sự chuyển biến tích cực, với sự gia tăng đáng kể tỷ trọng của các loại gạo thơm, Japonica, gạo đặc sản và các sản phẩm gạo có giá trị gia tăng cao.

Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ phát biểu tại hội thảo.
Hiện nay, thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam đã trở nên đa dạng hơn, trải rộng từ châu Á, châu Phi (chiếm 18%), Trung Đông (2%), cho đến châu Âu, châu Mỹ và châu Đại Dương (4%). Trong đó, châu Á vẫn là thị trường trọng điểm, chiếm khoảng 72% tổng lượng xuất khẩu.
Tại hội thảo, nhiều đại biểu khẳng định, vị thế của ngành gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế và vai trò của cây lúa trong nền kinh tế là không thể thay thế. Tuy nhiên, vấn đề cần được giải quyết là làm thế nào để duy trì giá gạo xuất khẩu ổn định, cân đối cung cầu ngành lúa gạo, tăng thu nhập cho người dân và tạo điều kiện để các doanh nghiệp uy tín yên tâm phát triển.
Cũng tại hội thảo, nhiều đại biểu đã nêu ra các khó khăn, hạn chế hiện có của ngành gạo hiện nay như: vấn đề thiếu tài chính, hoàn thuế khó khăn, cơ sở hạ tầng logistics chưa đồng bộ. Bên cạnh đó, sản xuất lúa cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức như biến đổi khí hậu, vấn đề môi trường, vấn đề chất lượng yêu cầu ngày càng cao, vấn đề thương hiệu…
Nhằm tháo gỡ các khó khăn này, trong chương trình thảo luận “Định vị gạo Việt trong kỷ nguyên mới,” các đại biểu đã trao đổi sôi nổi về những vấn đề then chốt như công nghệ sản xuất, giống lúa mới và chiến lược chiếm lĩnh thị trường, với mục tiêu nâng cao chất lượng và giá trị gạo Việt Nam. Xây dựng thương hiệu gạo và tạo động lực cho nông dân là ưu tiên quan trọng trong chương trình này.

Quang cảnh hội thảo.
Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp, nguyên Ủy viên chuyên trách, Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và Phó Chủ tịch Hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long, nhấn mạnh, để phát triển thương hiệu gạo Việt Nam, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành và tiếp cận đa lĩnh vực, bao gồm công nghệ, marketing và xây dựng thương hiệu.
Ông Hiệp cho rằng, việc phát triển thương hiệu gạo phải gắn kết chặt chẽ với chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn thông minh và hiện đại của Việt Nam, đồng thời tích hợp các giá trị không chỉ về kinh tế, dinh dưỡng mà còn về văn hóa, môi trường. Quan điểm này hoàn toàn phù hợp với chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn và Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Giải pháp đẩy mạnh phát triển Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp, nhằm phát triển nông dân và doanh nghiệp, góp phần xóa đói giảm nghèo và nâng cao thu nhập cho nông dân được nhiều đại biểu nêu lên. Bởi đề án này không chỉ là mô hình phát triển cho Việt Nam, mà còn cho ngành lúa gạo toàn cầu. Đề án này sẽ giúp định vị giá trị hạt gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Hội thảo “Định vị hạt gạo Việt Nam trong kỷ nguyên mới” đã mở ra nhiều cơ hội và thách thức lớn đối với ngành lúa gạo Việt Nam. Các chuyên gia, doanh nghiệp và cơ quan quản lý đã đề xuất nhiều giải pháp thiết thực, từ việc áp dụng khoa học-công nghệ, xây dựng thương hiệu gạo mạnh mẽ cho đến gia tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm.
Trong khuôn khổ hội thảo, trang Việt Nam đầu tư công bố Đề án Nông dân số. Đề án sẽ là địa chỉ đáng tin cậy, cập nhật nhanh, chính xác, hiệu quả các thông tin về cuộc cách mạng nông nghiệp 4.0, đóng góp cho sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp.