Đưa Hà Nội trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa
Thành phố Hà Nội đang chuẩn bị xây dựng hệ sinh thái sáng tạo, trọng tâm là phát triểncác trung tâm công nghiệp văn hóa. Hiện, thành phố đang lấy ý kiến rộng rãi của người dân đóng góp vào dự thảo Nghị quyết về tổ chức và hoạt động của Trung tâm công nghiệp văn hóa, với kỳ vọng đây sẽ là văn bản pháp lý để mở đường cho phát triển các trung tâm công nghiệp văn hóa chất lượng, chuyên nghiệp, đưa Hà Nội trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa lớn của cả nước và khu vực.

Hà Nội sẽ mở rộng nhiều không gian sáng tạo để phát triển công nghiệp văn hóa. Ảnh: M.H
Mở rộng các không gian sáng tạo
Dự thảo Nghị quyết về tổ chức và hoạt động của Trung tâm công nghiệp văn hóa quy định về tổ chức và hoạt động của trung tâm công nghiệp văn hóa gồm 5 chương, 24 điều. Trong đó, Trung tâm công nghiệp văn hóa được định nghĩa là "khu vực có ranh giới địa lý xác định, chuyên hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa". Các trung tâm này có thể được thành lập theo 3 mô hình tổ chức: Doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập hoặc hợp tác xã. Dự thảo đề xuất một khung pháp lý toàn diện cho việc thành lập, quản lý và vận hành các trung tâm công nghiệp văn hóa - nơi kết nối giữa di sản văn hóa truyền thống và công nghệ hiện đại để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ văn hóa có giá trị cao.
Một điểm đáng chú ý trong dự thảo là việc đề xuất hai phương thức chính để phát triển các trung tâm công nghiệp văn hóa. Phương thức thứ nhất là Nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng bằng ngân sách, sau đó thành lập đơn vị sự nghiệp công lập hoặc nhượng quyền cho doanh nghiệp, hợp tác xã để quản lý, vận hành. Phương thức thứ hai là cho các tổ chức, cá nhân thuê công trình tài sản công (như các cơ sở sản xuất công nghiệp, thương mại cũ đã di dời) để cải tạo, sửa chữa thành trung tâm công nghiệp văn hóa. Đây được coi là một bước đi quan trọng nhằm tạo điều kiện thuận lợi để chuyển đổi công năng các công trình cũ, không còn sử dụng hiệu quả, thành không gian sáng tạo văn hóa mới, đồng thời thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp văn hóa.

Hoàng thành Thăng Long là nơi tổ chức nhiều hoạt động sáng tạo thu hút đông đảo người dân và du khách. Ảnh: Hoàng Lân
Là người trực tiếp tham gia thiết kế nhiều không gian sáng tạo cho Hà Nội, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn bày tỏ, nếu Nghị quyết này được thông qua sẽ là cơ hội lớn cho cộng đồng nghệ sĩ sáng tạo. “Hà Nội có rất nhiều công trình có thể phát triển thành những không gian sáng tạo hấp dẫn. Nếu Nghị quyết được thông qua, các nghệ sĩ, nhà thiết kế và những người sáng tạo sẽ có nhiều không gian để chia sẻ ý tưởng và phát triển các sản phẩm văn hóa độc đáo", họa sĩ Nguyễn Thế Sơn cho biết.
Để khuyến khích đầu tư, dự thảo đề xuất nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn như ưu tiên lập quy hoạch và bố trí quỹ đất, miễn giảm tiền thuê đất, miễn tiền thuê công trình trong 3 năm đầu và giảm 50% trong 3 năm tiếp theo, hỗ trợ lãi suất vay vốn, đào tạo nhân lực và tham gia các chương trình xúc tiến thương mại của thành phố…
Sáng 18-4, UBND thành phố Hà Nội sẽ tổ chức Hội thảo về "Giải pháp tổ chức và hoạt động của trung tâm công nghiệp văn hóa, khu phát triển thương mại và văn hóa" với sự tham gia của các sở, ngành, đơn vị; các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện làng nghề, nghệ sĩ...
Rộng đường cho văn hóa phát triển
Dự thảo Nghị quyết đang được lấy ý kiến có quy định rõ về tổ chức và hoạt động của Trung tâm công nghiệp văn hóa. Trong đó nêu rõ nguyên tắc thành lập, tổ chức và hoạt động của trung tâm nhằm bảo đảm hài hòa giữa bảo vệ và phát triển, phát huy tiềm năng, thế mạnh, giá trị văn hóa truyền thống mang bản sắc của Thủ đô. Trung tâm công nghiệp văn hóa phải tạo môi trường để các nghệ sĩ, nhà sáng tạo thể hiện ý tưởng đổi mới, sáng tạo và phát triển sản phẩm văn hóa; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong sản xuất và phân phối sản phẩm văn hóa. Dự thảo nêu rõ việc kết hợp nguồn lực Nhà nước và tư nhân để đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ và sản phẩm văn hóa; đầu tư cho phát triển công nghiệp văn hóa là đầu tư cho con người.

Phố đi bộ Trần Nhân Tông diễn ra nhiều sự kiện văn hóa, du lịch sáng tạo của thành phố. Ảnh: Hoàng Lân
Ngoài ra, dự thảo làm rõ hơn lĩnh vực hoạt động của Trung tâm công nghiệp văn hóa gồm: Du lịch văn hóa; thủ công mỹ nghệ; nghệ thuật biểu diễn; thiết kế; phần mềm và trò chơi giải trí; quảng cáo; kiến trúc; điện ảnh; truyền hình và phát thanh; xuất bản; thời trang; các lĩnh vực khác liên quan đến công nghiệp văn hóa. Hoạt động của Trung tâm công nghiệp văn hóa gồm: Tư vấn, hỗ trợ sáng tạo và sản xuất sản phẩm, dịch vụ văn hóa; hỗ trợ phân phối và tiêu thụ sản phẩm và dịch vụ văn hóa; tổ chức không gian trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm văn hóa; xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm văn hóa trong nước và nước ngoài…
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, việc xây dựng Nghị quyết sẽ tạo ra môi trường thuận lợi hơn cho doanh nghiệp và nhà đầu tư, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp văn hóa ở Hà Nội. Nếu Nghị quyết đi vào cuộc sống và được thực thi một cách hiệu quả sẽ giúp giảm bớt các khó khăn hiện tại, đồng thời tạo ra đòn bẩy phát triển bền vững cho ngành văn hóa trong tương lai.
Hiện nay, thành phố Hà Nội đang lấy ý kiến rộng rãi của người dân về dự thảo Nghị quyết để hoàn thiện trước khi trình HĐND thành phố thông qua. Dự kiến, sau khi được thông qua, Nghị quyết sẽ góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng Hà Nội trở thành "Thành phố sáng tạo", đồng thời đưa văn hóa trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, tạo được nguồn thu, đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội và góp phần quảng bá hình ảnh Thủ đô.
Phó Chủ tịch Hội Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc Trần Thị Ngọc Lan: Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân mạnh dạn đầu tư

Bà Trần Thị Ngọc Lan.
Là người nhiều năm gắn bó với làng nghề dệt lụa Vạn Phúc, tôi luôn kỳ vọng làng nghề không chỉ là điểm đến du lịch, văn hóa mà còn trở thành một trung tâm công nghiệp văn hóa của thành phố. Vừa qua, làng lụa Vạn Phúc chính thức trở thành thành viên của Mạng lưới các Thành phố Thủ công sáng tạo toàn cầu, với danh hiệu này, các nghệ nhân làng nghề Vạn Phúc càng ý thức rõ hơn trách nhiệm giữ gìn làng nghề, đưa danh tiếng của lụa Vạn Phúc vươn xa hơn nữa trên thị trường quốc tế, đồng thời phát triển làng trở thành điểm đến của văn hóa và sáng tạo...
Dự thảo Nghị quyết về tổ chức và hoạt động của Trung tâm công nghiệp văn hóa mở ra nhiều cơ chế hợp tác cởi mở giữa Nhà nước và tư nhân, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tư nhân mạnh dạn đầu tư vào các không gian văn hóa có thể đem lại giá trị kinh tế lớn. Các làng nghề cũng sẽ có định hướng rõ ràng hơn trong việc phát huy và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời có những sáng tạo mới phù hợp với thời đại.
Chủ tịch Liên chi hội Du lịch Xanh Việt Nam Phùng Quang Thắng: Góp phần khẳng định thương hiệu du lịch Hà Nội

Ông Phùng Quang Thắng.
Dự thảo Nghị quyết quy định rõ một số hoạt động của các trung tâm công nghiệp văn hóa, trong đó có du lịch văn hóa. Nhiều năm qua, thành phố Hà Nội rất quan tâm đến phát triển du lịch, coi du lịch văn hóa là thế mạnh. Nhiều sản phẩm du lịch văn hóa đã tạo nên thương hiệu mạnh cho du lịch Thủ đô. Tôi cho rằng, Hà Nội có dư địa rất lớn để phát triển công nghiệp văn hóa từ hoạt động du lịch. Rất nhiều không gian di tích, di sản, không gian văn hóa công cộng có thể trở thành điểm đến hấp dẫn, mang lại giá trị kinh tế cao.
Điểm nổi bật của dự thảo Nghị quyết là đưa ra khung pháp lý toàn diện, rõ ràng, chi tiết, cùng những chính sách đầu tư hấp dẫn như hỗ trợ vay vốn, ưu đãi lãi suất, đào tạo nguồn nhân lực… Tôi tin rằng, khi Nghị quyết được thông qua và đi vào cuộc sống, sẽ thu hút được nhiều nguồn lực xã hội để xây dựng các sản phẩm công nghiệp văn hóa mới mẻ, sáng tạo, góp phần khẳng định thương hiệu “Hà Nội – Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á”.
Đạo diễn Hoàng Công Cường: Bảo đảm hài hòa giữa bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Đạo diễn Hoàng Công Cường.
Hà Nội là trung tâm văn hóa lớn của cả nước với số lượng di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và lễ hội nhiều nhất cả nước. Mặc dù có dư địa phát triển công nghiệp văn hóa rất lớn nhưng Hà Nội vẫn chưa phát huy hết tiềm năng này. Nhiều không gian của thành phố có thể thu hút đầu tư nhưng đang gặp khó khăn về cơ chế, chính sách.
Dự thảo Nghị quyết về tổ chức và hoạt động của Trung tâm công nghiệp văn hóa với nhiều điều khoản, chính sách mới có thể gỡ khó cho các doanh nghiệp đầu tư. Tôi hoàn toàn tán thành với các nội dung trong dự thảo, đặc biệt là định hướng rõ ràng về hoạt động của Trung tâm công nghiệp văn hóa, bảo đảm hài hòa giữa bảo vệ và phát huy tiềm năng, thế mạnh, giá trị văn hóa truyền thống; đồng thời tạo môi trường cho các nhà sáng tạo, nghệ sĩ thể hiện ý tưởng đổi mới. Tôi tin rằng, khi dự thảo Nghị quyết được thông qua và đi vào cuộc sống sẽ tạo động lực lớn để Hà Nội phát triển, trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa của cả nước và khu vực.