Đua giảm giá, ngày lễ Độc thân 11/11, cẩn thận khuyến mại ảo
Nhằm kích cầu tiêu dùng những tháng cuối năm, nhân ngày Độc thân (11/11) các sàn thương mại điện tử (TMĐT) và hệ thống bán lẻ đồng loạt tổ chức chương trình giảm giá. Tuy nhiên, trong quá trình mua hàng giảm giá, người tiêu dùng nên cẩn trọng để tránh khuyến mại 'ảo'.
Hoa mắt vì giảm giá
Khảo sát thực tế tại các sàn TMĐT Shopee, TikTok Shop, Lazada cho thấy nhân ngày Lễ độc thân (11/11) các sàn TMĐT đồng loạt tung ra các chương trình khuyến mại, giảm giá khủng với nhiều mặt hàng lên đến 50-70%.
Sàn TMĐT Shopee đưa ra các gói giảm giá từ 50.000-300.000 đồng; deal 0 đồng và chỉ từ 1.000 đồng. Đặc biệt, Shoppe còn tổ chức các phiên livestream do nghệ sỹ nổi tiếng dẫn dắt, thu hút tương tác người dùng bằng việc có cơ hội trúng xe máy điện Vinfast Felix S dù không cần phải mua hàng. Ngoài ra, Shopee tung chương trình phí ship 0 đồng áp dụng khi mua sản phẩm gắn nhãn Freeship Xtra hoặc Freeship Xtra Plus có giá trị từ 100.000 đồng.
Không đứng ngoài cuộc, Lazada góp vào ngày hội mua sắm thông qua các chính sách mua tivi giá 1.000 đồng, mua 1 tặng 11, siêu live xả kho với voucher lên đến 11 triệu đồng cũng như các voucher giảm giá hàng điện tử. Cùng đưa ra ưu đãi ngày "11/11 Siêu sale", Tiki, Sendo triển khai việc giảm giá 10.000 – 15.000 đồng, hoặc giảm 10% đơn hàng cho sản phẩm công nghệ và gia dụng, thời trang, thực phẩm.
Nhằm kích cầu tiêu dùng không chỉ sàn TMĐT mới tung ra chương trình giảm giá mà hệ thống siêu thị cũng đưa ra nhiều chương trình khuyến mại nhân ngày Lễ độc thân.
Tại siêu thị Co.opmart đưa ra chương trình khuyến mại trong ngày đôi 11/11 với những khách hàng có hóa đơn từ 300.000 đồng trở lên sẽ được nhân đôi số điểm để đổi quà hoặc giảm giá lần mua sắm tiếp theo.
Không chịu thua kém từ nay đến hết ngày 15/11, MediaMart tung hàng nghìn deal ngon - giá sốc trong chương trình “11/11 Đại tiệc sale - rẻ vô địch”. Khách hàng được thỏa thích mua sắm các sản phẩm với giá sốc với sản phẩm Smart Tivi 4K Skyworth 55 inch giảm 45%, máy giặt lồng ngang Coex 8,5Kg giảm 34%; tủ lạnh Coex 4 cửa Inverter 362L giảm 50%; Nồi lẩu điện Sunhouse 3.5L giảm 50%; Bếp từ cảm ứng Sunhouse (kèm nồi lẩu) giảm 46% chỉ còn 699.000 đồng/sản phẩm; Lò vi sóng 20L Roler giảm 41%; Bình nóng lạnh Roler giảm 42%, sản phẩm đồ gia dụng giảm đến 50%. Tương tự FPT Shop cũng đưa ra chương trình khuyến mại “Ngày độc thân sale Đỉnh chóp”, giảm giá đến 50% cho nhiều mặt hàng điện, điện tử.
Nhằm tiêu thụ sản phẩm nhiều cửa hàng kinh doanh thời trang cũng đưa ra chương trình khuyến mại giảm giá sản phẩm từ 20-50% hoặc áp dụng chính sách mua 1 tặng 1.
Cẩn trọng mua hàng giảm giá
Theo các chuyên gia bán lẻ, người tiêu dùng nên cẩn trong qua trình mua hàng giảm giá bởi dễ rơi tình trạng mua phải hàng cũ, lỗi mốt hoặc người bán nâng giá trước khi giảm giá.
Chị Minh Thu ở ngõ 85 Nguyễn Lương Bằng (Đống Đa) phản ánh, tôi vừa mua một chiếc áo khoác giá 899.000 đồng giảm giá sốc trong chương trình "flash sale" giá 399.000 đồng. Nhưng khi kết thúc chương trình, phát hiện món đồ mình vừa mua trên trang bán hàng đó vẫn 399.000 đồng chứ không hề tăng giá trở lại như thông báo. Tương tự, chị Trương Bích Ngọc ở 70 Phố Huế chia sẻ, để mua thời trang giảm giá nhân ngày 11/11 chị đến cửa hàng thời trang trên phố Chùa Bộc để xem hàng khuyến mại, song hầu hết các sản phẩm được giảm giá nhiều đều là size khó bán, mẫu từ mùa hè, thậm chí có cả sản phẩm từ năm trước. Các mẫu mới vẫn nguyên giá hoặc được giảm chỉ 10%, những món đồ được giảm 50% như quảng cáo rất ít.
Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Trần Thị Phương Lan cho biết, hiện có tình trạng một số cửa hàng tổ chức chương trình khuyến mại “ảo” thông qua việc nâng giá sản phẩm trước khi tổ chức khuyến mại. Với mặt hàng điện tử, cửa hàng thường niêm yết giá cũ là giá lúc mặt hàng mới ra thị trường, còn giá khuyến mãi là giá trị hiện tại của mặt hàng đó để dán mác giảm giá.
“Chiêu trò” còn được áp dụng khi những khách hàng có hóa đơn có giá trị cao mới được mua thêm sản phẩm khuyến mãi, quà tặng… “Người dùng không nên chú trọng vào số phần trăm giảm giá mà nên tìm hiểu, khảo sát giá tại nhiều nơi, thời điểm khác nhau, không nên “hoa mắt” với con số khuyến mại mà quên đi chất lượng thật của sản phẩm, mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng”-bà Lan khuyến cáo.
Thông tin về việc kiểm tra kiểm soát thị trường ngăn chặn khuyến mại “ảo”, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Dương Mạnh Hùng cho biết, kết quả kiểm tra, giám sát của lực lượng chức năng Hà Nội cho thấy, đã có không ít cửa hàng, cơ sở kinh doanh tự ý thực hiện khuyến mại, không thông qua cơ quan chức năng.
Một số cửa hàng kinh doanh còn lợi dụng tâm lý muốn mua hàng giá rẻ của người dân Đồng thời sử dụng các chiêu trò để "móc túi" khách hàng như: Lợi dụng chương trình khuyến mại để đưa hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng gần hết hạn sử dụng vào tiêu thụ cùng với hàng mới; Tự ý nâng giá sản phẩm lên cao rồi thực hiện giảm giá nhằm đánh lừa tâm lý người tiêu dùng.
“Để chặn hiện tượng này đưa hoạt động khuyến mãi đi vào nền nếp, từ nay đến hết năm 2024, lực lượng quản lý thị trường phối hợp với thanh tra Sở Công Thương, UBND các quận, huyện tổ chức kiểm tra, kiểm soát về chất lượng, nhãn mác, xuất xứ hàng hóa và việc thực hiện các quy định của pháp luật khi các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện các chương trình khuyến mãi”- ông Hùng nêu rõ.
Như vậy, để ngăn chặn khuyến mại ảo, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng bên cạnh việc siết chặt quản lý của các cơ quan chức năng, người tiêu dùng cũng cần tìm hiểu kỹ về chương trình khuyến mại. Yêu cầu người bán thực hiện nghiêm túc nội dung khuyến mại như đã cam kết, chủ động thông báo cho các cơ quan chức năng khi thấy dấu hiệu vi phạm, lừa đảo trong hoạt động khuyến mại.