Đưa doanh nghiệp vượt khó

Doanh nhân Nguyễn Ngọc Tháp, Chủ tịch HĐTV kiêm Giám đốc Công ty TNHH Lâm nghiệp Tuyên Bình đã thể hiện xuất sắc tài lãnh đạo và khả năng điều hành của mình khi dẫn dắt công ty từng bước thoát khỏi tình cảnh khó khăn, bước vào giai đoạn phát triển bền vững.

Doanh nhân Nguyễn Ngọc Tháp, Chủ tịch HĐTV kiêm Giám đốc Công ty TNHH Lâm nghiệp Tuyên Bình.

Năm 2019, anh Nguyễn Ngọc Tháp được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐTV kiêm Giám đốc Công ty TNHH Lâm nghiệp Tuyên Bình. Lúc này Công ty đang đối mặt với những khó khăn về tài chính tưởng chừng như không thể vượt qua. Các khoản nợ đến hạn phải trả là hơn 10 tỷ đồng, số tiền nợ phát sinh từ những năm 1999 đến nay, mà còn bị chặn đứng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng mới do khoản nợ xấu tại ngân hàng. Ngoài ra, rừng trồng thiệt hại trên 5 tỷ đồng do mưa bão. Tình trạng nợ đọng kéo dài đã khiến công ty không thể vay vốn từ ngân hàng, dẫn đến khó khăn chồng chất khó khăn.

Được giao trọng trách dẫn dắt điều hành, anh Tháp thiết lập lại toàn bộ hệ thống quản lý, vận hành, thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi thành công ty TNHH hai thành viên và thành viên thứ 2 góp đủ vốn theo cam kết. Anh đã chỉ đạo các bộ phận mua mầm mô, hạt giống có nguồn gốc từ các viện nghiên cứu uy tín để tổ chức sản xuất cây giống, thay cho các nguồn giống cũ không còn phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu. Điều này giúp Công ty giảm đáng kể chi phí và có một phần lợi nhuận từ việc cung cấp cây giống chất lượng cao cho người dân quanh vùng. Nhiều loại giống mới được đưa vào thử nghiệm để tìm ra giống cây có năng suất, chất lượng cao như giống keo tai tượng thế hệ thứ 2 và bạch đàn mô, đã mang lại kết quả vượt trội về sản lượng và giá trị.

Đồng thời, anh thay đổi chiến lược về phân bón và tìm kiếm sự hỗ trợ tài chính từ các đối tác địa phương trong lĩnh vực sản xuất gỗ. Anh thuyết phục đối tác ứng trước tiền cho công ty, giúp giải quyết vấn đề tài chính ngắn hạn.

Những cải cách của anh Tháp không chỉ giúp Công ty cải thiện năng suất mà còn tăng chất lượng rừng. Nếu như trước đây mỗi ha rừng chỉ cho sản lượng từ 50 - 60 m3 gỗ, thì giờ đây, nhờ chất lượng cây giống và phân bón cải thiện, quy trình kỹ thuật được đảm bảo, sản lượng gỗ đã tăng lên 80 - 100 m3/ha. Bình quân mỗi năm, Công ty TNHH Lâm nghiệp Tuyên Bình khai thác từ 170 - 200 ha rừng, giúp tăng lợi nhuận một cách đáng kể.

Không chỉ vậy, anh đã chỉ đạo các bộ phận chức năng trong công ty thường xuyên bám sát, cập nhật thông tin thị trường gỗ trong và ngoài nước để quyết định thời điểm khai thác nhằm tăng giá bán, tăng doanh thu. Khi sản lượng và giá thành gỗ đều tăng, cộng với những khoản chi phí tiết kiệm được từ việc cải tiến quy trình sản xuất, công ty đã từng bước lật ngược tình thế. Đến cuối năm 2022, Công ty TNHH Lâm nghiệp Tuyên Bình đã thành công trong việc thanh toán hết các khoản nợ đọng của ngân hàng, đánh dấu một bước ngoặt lớn trong quá trình phục hồi và phát triển của doanh nghiệp.

Năm 2023, công ty vượt các chỉ tiêu kế hoạch và được UBND tỉnh Tuyên Quang xếp hạng doanh nghiệp loại A. Riêng 6 tháng đầu năm 2024, công ty đã hoàn thành 85% các chỉ tiêu kế hoạch năm. Công ty đã chủ động nộp trước tiền thuê đất năm 2024 cho cơ quan thuế với số tiền gần 1,3 tỷ đồng góp phần tăng thu ngân sách cho địa phương.

Ngoài điều hành, quản lý tốt hoạt động kinh doanh của công ty, anh Tháp còn tích cực tham gia các hoạt động của Hiệp hội doanh nghiệp. Hiện anh là Ủy viên BCH Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp huyện Yên Sơn.

Bài, ảnh: Hải Hương

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/dua-doanh-nghiep-vuot-kho-199854.html
Zalo