Đưa dịch vụ công đến gần hơn với người dân

9h ngày 11/2/2025, bà Nguyễn Thị Ngà tìm đến Bưu cục Tây Nam Linh Đàm (Khu đô thị Tây Nam Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội) để nhờ nhân viên bưu cục hỗ trợ tra cứu thông tin về căn cước công dân.

 Nhân viên bưu cục triển khai mô hình “Đại lý dịch vụ công trực tuyến” hỗ trợ người dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến ngay tại bưu cục

Nhân viên bưu cục triển khai mô hình “Đại lý dịch vụ công trực tuyến” hỗ trợ người dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến ngay tại bưu cục

Việc tra cứu thông tin hồ sơ chỉ là một trong nhiều hoạt động hỗ trợ mà các điểm “Đại lý dịch vụ công trực tuyến” trên địa bàn thành phố Hà Nội đang triển khai nhằm hỗ trợ người dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến ngay tại bưu cục một cách thuận tiện, nhanh chóng.Khách hàng phần lớn là người cao tuổi

"Tôi làm thủ tục trực tuyến tại nhà để cấp lại căn cước công dân, đến ngày 7/1 ra Công an quận Hoàng Mai chụp ảnh và hoàn thiện các thủ tục theo hướng dẫn của cán bộ. Thế nhưng, tròn một tháng vẫn chưa nhận được. Tôi đã thử tra cứu nhiều lần vẫn thất bại. Biết các bưu cục mới có mô hình hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến nên tôi tìm đến đây", bà Nguyễn Thị Ngà chia sẻ.

Từ thông tin bà Ngà cung cấp, chỉ sau vài thao tác cơ bản, chị Đào Thị Hồng Ngọc, nhân viên vận hành Bưu cục Tây Nam Linh Đàm (Tổng công ty bưu chính Viettel - ViettelPost), đã cung cấp đầy đủ thông tin cho bà Ngà.

Theo đó, căn cước công dân của bà Ngà đã được hoàn thành. Thậm chí, chị Ngọc còn cho biết, căn cước đã được chuyển đến bưu cục và chỉ trong 24h đồng hồ nữa, nhân viên bưu cục sẽ chuyển đến địa chỉ bà Ngà đã đăng ký nhận trước đó.

Cũng như bà Ngà, anh Nguyễn Xuân Lập lo lắng khi chưa nhận được thẻ ngân hàng của mình đã làm trước đó dù phía ngân hàng thông báo đã chuyển cho khách hàng theo đường bưu điện.

Anh Lập đã tự mình tra cứu xem liệu có sai sót khâu nào nhưng nhiều lần tra cứu thất bại. Anh Lập đã tìm đến bưu cục của ViettelPost. Tại đây, nhân viên vận hành đã cung cấp thông tin cho anh Lập rằng thẻ của anh đang được nhân viên chuyển đến nhà cho anh. Nếu cần gấp, anh Lập có thể liên hệ theo số điện thoại của người nhân viên này để lấy.

Chị Đào Thị Hồng Ngọc cho biết, sau một tuần Trung tâm Phục vụ hành chính công Thành phố Hà Nội phối hợp với Tổng công ty Bưu điện Việt Nam - Vietnam Post triển khai thí điểm 32 đại lý dịch vụ công trực tuyến (gồm 10 bưu cục của Vietnam Post, 12 bưu cục của Viettel Post và 10 cửa hàng FPT Shop của FPT Retail), trong đó có Bưu cục Tây Nam Linh Đàm, số lượng người dân tiếp cận với dịch vụ này chưa nhiều.

Bà Nguyễn Thị Ngà (bìa phải) được nhân viên Bưu cục Tây Nam Linh Đàm hỗ trợ tìm kiếm thông tin về căn cước công dân

Bà Nguyễn Thị Ngà (bìa phải) được nhân viên Bưu cục Tây Nam Linh Đàm hỗ trợ tìm kiếm thông tin về căn cước công dân

"Vì dịch vụ mới khai trương nên có thể nhiều người dân chưa nắm được. Tại Bưu cục Tây Nam Linh Đàm, một số người dân tìm đến nhưng mới ở mức tìm hiểu xem có đúng là bưu cục hỗ trợ thực hiện giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến. Sau khi được chúng tôi cung cấp danh mục các lĩnh vực có thể hỗ trợ, người dân chụp lại và cho biết lần sau cần làm dịch vụ công, họ sẽ đến bưu cục", chị Ngọc cho hay.

Tương tự, tại Bưu cục Giải Phóng (Vietnam Post, phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai, Hà Nội) trong những ngày qua, số lượng người đến để trải nghiệm Đại lý dịch vụ công trực tuyến chưa nhiều. Bà Trương Thị Thùy Nương, Trưởng Bưu cục Giải Phóng, cho biết, do mới triển khai nên chưa có nhiều khách hàng tìm đến bưu cục để thực hiện các dịch vụ công trực tuyến.

"Có bác tìm đến chúng tôi nhờ hỗ trợ vì không truy cập được VNeID, người lại không biết tra cứu thông tin… Thời gian tới, khi có nhiều người biết đến dịch vụ này, chắc hẳn sẽ có nhiều khách hàng nhờ chúng tôi hỗ trợ, tư vấn cách thức, quy trình, thành phần hồ sơ cần có để giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến".

Hướng tới nhóm đối tượng yếu thế

Mô hình "Đại lý dịch vụ công trực tuyến" được Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố Hà Nội phối hợp với Tổng công ty Bưu điện Việt Nam tổ chức khai trương thí điểm tại Bưu điện Trung tâm Hoàn Kiếm (số 75 phố Đinh Tiên Hoàng) từ ngày 5/2/2025. Cùng với đó, 31 đại lý dịch vụ công trực tuyến khác được UBND thành phố Hà Nội chọn triển khai trong giai đoạn 1 cũng đi vào hoạt động.

Nhân viên bưu cục triển khai mô hình “Đại lý dịch vụ công trực tuyến” hỗ trợ người dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến ngay tại bưu cục

Nhân viên bưu cục triển khai mô hình “Đại lý dịch vụ công trực tuyến” hỗ trợ người dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến ngay tại bưu cục

Ông Cù Ngọc Trang, Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố Hà Nội, nhấn mạnh, "Đại lý dịch vụ công trực tuyến" là một bước tiến quan trọng trong quá trình cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp, đồng thời thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn thành phố.

Mục tiêu của mô hình nhằm xây dựng mạng lưới "Đại lý Dịch vụ công trực tuyến" rộng khắp, giúp người dân và doanh nghiệp tiếp cận các dịch vụ hành chính công nhanh chóng, dễ dàng, thuận tiện.

Người dân và doanh nghiệp có thể đến các bưu cục là "Đại lý dịch vụ công trực tuyến" để nhân viên Bưu điện hỗ trợ, tư vấn cách thức, quy trình, thành phần hồ sơ cần có để giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến. Ngoài ra, nhân viên Bưu điện cũng hướng dẫn các tổ chức, cá nhân biết cách tra cứu hồ sơ, thanh toán online…

Trường hợp người dân không có phương tiện hoặc không thể tự thực hiện, nhân viên Bưu điện sẽ hỗ trợ miễn phí thực hiện các dịch vụ công trực tuyến ngay tại điểm phục vụ. Khi có kết quả, nhân viên Bưu điện sẽ chuyển phát nhanh chóng, an toàn hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính đến địa chỉ người dân yêu cầu, qua đó tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại.

Việc thúc đẩy hoạt động mô hình "Đại lý dịch vụ công trực tuyến" cũng góp phần thúc đẩy chuyển đổi số, hướng tới xây dựng chính quyền số, nâng cao tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được thực hiện trực tuyến, hướng tới mục tiêu 80% người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến vào năm 2025.

Theo ông Cù Ngọc Trang, mô hình này là bước tiến quan trọng trong thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về chủ trương, định hướng phát triển chuyển đổi số quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Việc đưa vào hoạt động mô hình ngay tại các bưu cục là một giải pháp thiết thực, đưa dịch vụ công đến gần hơn với người dân, nhất là nhóm đối tượng yếu thế, người chưa quen sử dụng công nghệ số, người dân ở vùng sâu, vùng xa.

Thay vì phải trực tiếp đến cơ quan hành chính, người dân có thể đến các bưu cục gần nhất để được hỗ trợ thực hiện dịch vụ công một cách thuận tiện, nhanh chóng.

Ông Chu Quang Hào, Tổng giám đốc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, cho biết: "Vietnam Post có mạng lưới hơn 13.000 điểm phục vụ trải rộng đến tận thôn, bản trên cả nước. Từ năm 2017 đến nay, Bưu điện Việt Nam đã tiếp nhận và chuyển trả 180 triệu hồ sơ thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích.

Bên cạnh đó, Bưu điện Việt Nam cũng phối hợp chặt chẽ, kết nối với các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan để tuyên truyền, hướng dẫn người dân nộp hồ sơ trực tuyến của 25 dịch vụ trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

"Triển khai Đề án thí điểm mô hình đại lý dịch vụ công trực tuyến tại Hà Nội, hướng đến mục tiêu nâng tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến từ 30% lên 80% vào năm 2025, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đã chỉ đạo các Bưu điện Trung tâm trên địa bàn thành phố Hà Nội bố trí đầy đủ nhân lực, trang thiết bị để hỗ trợ người dân thực hiện thủ tục hành chính công trực tuyến.

Bưu điện Việt Nam cam kết đồng hành cùng Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố Hà Nội tạo mọi điều kiện thuận lợi, hỗ trợ tối đa cho người dân tới bưu cục để thực hiện dịch vụ công trực tuyến nhanh chóng, hiệu quả", ông Chu Quang Hào khẳng định.

Minh Châu

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/dua-dich-vu-cong-den-gan-hon-voi-nguoi-dan-20250214152313288.htm
Zalo