Đưa đề tài trí tuệ nhân tạo lên sâu khấu cải lương

Nhà hát Cải lương Việt Nam vừa ra mắt vở diễn 'Cánh cửa hé mở', khai thác chủ đề về công nghệ biến đổi gen và trí tuệ nhân tạo (AI). Vở diễn là thử nghiệm táo bạo để đưa cải lương gần hơn với công chúng trẻ.

Phép thử với sân khấu

Câu chuyện bắt đầu về gia đình Huyền - Thắng, do gen di truyền nên những đứa con họ sinh ra đều mất sau một thời gian ngắn. Do vậy, họ đã tìm tới sự trợ giúp của công nghệ gen. Vị giáo sư đề xuất phương pháp sửa chữa gen của hai người bằng protein để cho ra đời một nhân vật phi thường.

Khát khao có được đứa con mạnh khỏe, dằn lại những nghi ngại, lo lắng, họ đã đồng ý với đề xuất của vị giáo sư. Nhưng đúng như lo ngại, linh cảm của một người mẹ, khi trưởng thành, cậu con trai đã trở thành một con người siêu phàm, có những khả năng đột biến khác xa với người bình thường. Câu chuyện bắt đầu từ sự thông minh siêu phàm này...

Hình ảnh trong vở diễn "Cánh cửa hé mở".

Hình ảnh trong vở diễn "Cánh cửa hé mở".

Theo dõi vở diễn, từng bước, khán giả được tiếp cận với những lời cảnh tỉnh về xu thế lạm dụng công nghệ sinh học và trí tuệ nhân tạo đang diễn ra trên thế giới. Đồng thời cũng khẳng định, mỗi bước tiến của nền văn minh nhân loại phải luôn song hành, thân thiện với các quy luật của tự nhiên. Mọi tham vọng tác động làm biển đổi hệ cân bằng sinh thái tự nhiên nhằm mang lại những lợi ích vị kỷ cá nhân, đều tiềm ẩn những hiểm họa cho toàn nhân loại.

NSND Triệu Trung Kiên - Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam cho biết, ngày nay, biến đổi gen, công nghệ AI đang phát triển nhanh và mạnh mẽ. Thậm chí nhiều người còn lo lắng sự phát triển này ảnh hưởng đến cuộc sống con người, nhiều ngành nghề biến mất trong tương lai, thất nghiệp tăng lên... Nhận thấy đây là vấn đề quan trọng nên Nhà hát Cải lương Việt Nam muốn đưa vấn đề này lên sân khấu.

“Đề tài viễn tưởng, tương lai là đề tài sân khấu cải lương chưa bao giờ đề cập tới. Đây cũng là một phép thử với sân khấu cải lương nên chúng tôi “đánh liều” một phen. Mặc dù có nhiều sự rón rén nhưng nhà hát vẫn quyết tâm làm đề tài này, hứa hẹn thông qua ngôn ngữ nghệ thuật truyền thống nhưng vẫn ẩn chứa yếu tố hiện đại, đương đại” - NSND Triệu Trung Kiên nhấn mạnh.

“Đổi mới hay là chết”

Theo dõi vở diễn “Cánh cửa khép hờ” có thể thấy, NSND Triệu Trung Kiên đã phát huy tối đa năng lực sáng tạo với những tìm tòi mới lạ, chắp cánh cho sân khấu cải lương tiếp cận với đời sống hiện đại không chỉ từ đề tài mà còn bởi các thủ pháp dàn dựng sân khấu hiện đại. Sẽ rất lạ tai đối với những khán giả vốn nghe, xem quen cải lương truyền thống.

Nhật vật nam Kỷ Nguyên, được sinh ra nhờ khoa học kỹ thuật.

Nhật vật nam Kỷ Nguyên, được sinh ra nhờ khoa học kỹ thuật.

Về thiết kế mỹ thuật của vở diễn cũng tạo những ấn tượng thú vị. Họa sĩ Trần Hồng Vân đã tạo nên một không gian sân khấu dù khá dản dị nhưng mang lại hiệu quả cao, diễn tả một cách thú vị và thuyết phục hai mảng không, thời gian hiện tại và tương lai. Thiết kế và thực hiện phục trang của Khánh Ly, nhất là mảng nhân vật tương lai đã làm cho người xem ngạc nhiên và mãn nhãn, góp phần tạo nên hiệu quả chung cho tác phẩm.

Một trong những khâu được chăm chút khá kỹ lưỡng là phần đồ họa (họa sĩ Hoàng Duy Đông). Khán giả được chứng kiến những quá trình diễn ra trong cơ thể con người như: hình ảnh cấu tạo gen người; quá trình biến đổi gen; quá trình bảo thai phát triển qua các giai đoạn; những kỹ xảo hình ảnh về sự dịch chuyển tức thì trong không gian, thời gian; các chuyến du hành trong vũ trụ… đã làm người xem thú vị. Nhiều ý kiến cho rằng vở diễn đã phối hợp khá tốt ngôn ngữ nghệ thuật sân khấu với điện ảnh tạo sức hấp dẫn, lôi cuốn cho tác phẩm.

NSND Triệu Trung Kiên - Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam chia sẻ: “Trong bối cảnh hội nhập và cơ chế thị trường hiện nay, cải lương đang phải đối mặt với những thách thức đến từ năng lực thẩm mỹ và nhu cầu giải trí phong phú của khán giả, Vì thế, cải lương chỉ có hai con đường “Đổi mới hay là chết”. Vì vậy, chúng tôi quyết tâm đổi mới bằng những cuộc cách tân đúng hướng. Cải lương là một môn nghệ thuật đặc biệt, bên cạnh việc bảo tồn, diễn lại các vở diễn kinh điển, quen thuộc, những tích tuồng cũ còn phải phát triển, khai thác tính thời đại, đề cập đến những vấn đề nóng hổi đương thời”.

Ở “Cánh cửa khép hờ”, NSND Triệu Trung Kiên và ê-kíp sáng tạo đã mạnh dạn, thậm chí có phần liều lĩnh vượt qua “vùng cấm” để minh chứng cho sự đổi mới của mình. Đây vừa là thách thức đồng thời cũng là phép thử với sân khấu cải lương trong bước chuyển mình để tiếp cận đa dạng nhóm công chúng. Thông qua vở diễn, các nghệ sĩ cải lương của Nhà hát đã khẳng định được sức hấp dẫn của nghệ thuật cải lương khi khai thác mảng đề tài hóc búa, làm phong phú món ăn tinh thần, hướng tới tiếp cận nhiều hơn các nhóm đối tượng khán giả.

Lại Tấn

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/dua-de-tai-tri-tue-nhan-tao-len-sau-khau-cai-luong.html
Zalo