Đưa công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp
Áp dụng chuyển đổi số (CĐS), đưa công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp là xu thế tất yếu, giúp giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Nắm bắt được xu thế này, thời gian qua, nhiều địa phương trong tỉnh đã khuyến khích các thành phần kinh tế đưa công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp, trang bị cho nông dân những kiến thức mới để ứng dụng vào thực tiễn canh tác, tạo ra nhiều nông sản có chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Theo Giám đốc HTX Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Xuân Minh (Thọ Xuân) Đỗ Thị Hoa, để tiết kiệm chi phí, nhân công lao động ở các vụ sản xuất, HTX đã sử dụng máy bay không người lái để gieo sạ, phun thuốc bảo vệ thực vật cho hơn 200ha đất sản xuất của địa phương và phát triển dịch vụ cho nhiều địa phương lân cận. Việc ứng dụng máy bay không người lái đã mang lại rất nhiều lợi ích, tạo sự đồng đều trong chăm sóc, tiết kiệm nhân công, chi phí sản xuất và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn 2 lần so với phương thức sản xuất truyền thống.
Cũng là một trong những HTX đi đầu trong ứng dụng CĐS vào sản xuất, HTX nông nghiệp Mai An Tiêm, xã Nga Thạch (Nga Sơn) đã nghiên cứu lắp đặt hệ thống tưới tự động, nhỏ giọt theo công nghệ Israel. Điều đáng lưu ý là toàn bộ hệ thống tưới được điều khiển tự động thông qua phần mềm cài đặt trên điện thoại thông minh. Do đó, dù ở bất cứ nơi đâu, chỉ cần có kết nối internet là có thể tưới, bón phân cho cây trồng. Ông Nguyễn Văn Nam, giám đốc HTX, cho biết: Xác định việc ứng dụng CĐS vào sản xuất, kinh doanh mang đến những giá trị mới cho các HTX, do đó bên cạnh việc áp dụng vào sản xuất, HTX còn triển khai rộng rãi trong hoạt động quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. Đơn cử như, chúng tôi thực hiện livestream quảng bá, bán sản phẩm trên nền tảng tiktok, facebook... và đưa các sản phẩm rau, củ, quả của HTX lên các trang mạng xã hội, sàn thương mại postmart.vn, Shopee, Lazada, Tiki.... Mỗi tháng, HTX sản xuất và tiêu thụ khoảng 30 đến 40 tấn rau quả các loại. Đặc biệt, nhờ ưu việt của CĐS, HTX đã kết nối được nhiều đại lý, đơn vị tiêu thụ tại TP Hà Nội, Hải Phòng và nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.
Theo phân tích của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc ứng dụng công nghệ, CĐS đã được thực hiện trên nhiều lĩnh vực. Tiêu biểu như: ứng dụng hiệu quả hệ thống cơ sở dữ liệu theo dõi diễn biến rừng; ứng dụng thiết bị, kỹ thuật hiện đại phát hiện sớm cháy rừng; xây dựng và thiết lập hệ thống dữ liệu phục vụ cấp và quản lý mã số vùng trồng; hệ thống quan trắc, cảnh báo mực nước trên các triền sông, hồ thủy điện; hệ thống giám sát tàu cá; hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia Việt Nam (VNFishBase); hệ thống thông tin dịch bệnh động vật Việt Nam (VAHIS) quản lý, cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh; ứng dụng phần mềm cơ sở dữ liệu quản lý năng lực giám sát và đánh giá ngành kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý chuỗi sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp...
Bên cạnh đó, các đơn vị trực thuộc ngành nông nghiệp cũng phối hợp, hỗ trợ 40 đơn vị sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp đăng ký tham gia, quảng bá, giới thiệu và kinh doanh thực phẩm trên phần mềm kết nối cung cầu nông sản, thực phẩm an toàn tỉnh Thanh Hóa. Trong 10 tháng năm 2024, ngành nông nghiệp đã tập huấn, hướng dẫn cho 900 hộ sản xuất, HTX và 30 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông - lâm - thủy sản đăng ký tài khoản bán hàng, có sản phẩm được quảng bá, giới thiệu và có tài khoản thanh toán điện tử trên sàn thương mại điện tử postmart.vn; hỗ trợ 13 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông - lâm - thủy sản thuộc trách nhiệm tích hợp thông tin vào mã QR code phục vụ truy xuất nguồn gốc...
Tuy nhiên, do cơ sở hạ tầng cho phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa đồng bộ; kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nông nghiệp, trình độ cơ giới hóa sản xuất còn thấp, nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp có trình độ kỹ thuật chưa cao... nên những mô hình CĐS của tỉnh còn rất khiêm tốn, việc CĐS chỉ được áp dụng ở một số khâu nhất định.
Theo Quyết định 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, nông nghiệp là 1 trong 8 lĩnh vực được ưu tiên thực hiện CĐS. Do đó, ngành nông nghiệp Thanh Hóa đã và đang phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, tầm quan trọng của CĐS phục vụ canh tác; hỗ trợ nông dân sử dụng thiết bị công nghệ thông tin; đào tạo, nâng cao trình độ, năng lực tiếp cận và đưa công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp cho nông dân. Đồng thời, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan giới thiệu các nền tảng số, nền tảng thương mại điện tử liên quan, giúp người dân nắm bắt kiến thức, thúc đẩy sản xuất, chế biến, tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp trên môi trường số, góp phần quảng bá sản phẩm và từng bước chuyển đổi phương thức sản xuất nông nghiệp theo hướng thông minh, hiện đại, giá trị gia tăng cao hơn.