Đưa cổ phục Việt về miền di sản

Nhiều nhà thiết kế cổ phục đã 'dịch chuyển', đem những bộ cổ phục đẹp nhất tới trình diễn tại cố đô Hoa Lư (Ninh Bình).

Việc đưa cổ phục trình diễn bộ hành trong di tích được ví như tái hiện lịch sử, giúp lan tỏa ý nghĩa văn hóa.

Việc đưa cổ phục trình diễn bộ hành trong di tích được ví như tái hiện lịch sử, giúp lan tỏa ý nghĩa văn hóa.

Tái hiện y quan triều đại Hoa Lư

Ngày 24/12, khi nhiều du khách quốc tế đến Ninh Bình đón lễ Giáng sinh, một sự kiện được nhiều người quan tâm mang tên “Hoa Lư bộ hành - Đại Cồ Việt y quan” đã diễn ra tại di tích đền vua Đinh Tiên Hoàng và đền vua Lê Đại Hành do Hoa Lư Legacy - một đơn vị chuyên về cổ phục phối hợp với các tình nguyện viên tổ chức.

Mỗi tình nguyện viên được lựa chọn khoác lên mình những bộ trang phục thời Đinh, Tiền Lê như: Trang phục của vua Đinh Tiên Hoàng, vua Lê Đại Hành, Thái hậu Dương Vân Nga, của binh lính và nô tỳ… với các hoạt động như diễu hành, chụp ảnh, giao lưu cùng du khách.

Tuy chỉ là một chương trình đơn giản, chỉ là “bộ hành” theo thứ tự, tầng lớp với những bộ cổ phục đặc trưng. Song, trong không gian di tích thuộc quần thể cố đô Hoa Lư, những bộ cổ phục lại trở nên đặc biệt, không chỉ bắt nhịp mà còn hòa nhập với không gian cổ kính, gợi những hoài niệm về một quá khứ xa xưa.

Bà Trịnh Thị Lý - đại diện Hoa Lư Legacy cho biết, Hoa Lư là kinh đô đầu tiên của Việt Nam dưới thời phong kiến, tồn tại trong giai đoạn 968 - 1010 với ba triều đại liên tiếp là nhà Đinh, nhà Tiền Lê và nhà Lý, trước khi vua Lý Công Uẩn dời đô về Thăng Long. Các triều vua Lý, Trần, Lê, Nguyễn sau đó dù không đóng đô ở Hoa Lư nữa vẫn cho tu bổ và xây dựng thêm ở đây nhiều công trình kiến trúc như đền chùa, lăng phủ...

Với bề dày lịch sử cùng hệ thống di sản, cố đô Hoa Lư là một trong những điểm đến yêu thích của du khách trong và ngoài nước. Bởi vậy, việc quảng bá cổ phục tại các không gian di tích sẽ đem lại hiệu quả ở nhiều mặt, đặc biệt tôn vinh, góp phần đưa Việt phục đến gần hơn với công chúng, xây dựng hình ảnh đặc sắc, đậm đà bản sắc dân tộc, hướng đến xây dựng Đô thị di sản thiên niên kỷ trong tương lai.

Bà Lý cũng cho rằng, các chương trình về cổ phục cũng giúp cho người trẻ thêm hiểu và yêu văn hóa truyền thống. “Khi chúng tôi phát động chương trình và tuyển tình nguyện viên, rất nhiều bạn trẻ hào hứng tham gia. Qua mỗi bộ cổ phục, người trẻ không chỉ hiểu về cung cách ăn mặc của cha ông thời xưa, mà còn biết thêm các giá trị văn hóa - lịch sử của dân tộc”, bà Trịnh Thị Lý chia sẻ.

Không chỉ là dịp để quảng bá, góp phần gìn giữ, bảo tồn giá trị di sản, những chương trình về biểu diễn và trình diễn cổ phục còn là dịp để các nhà thiết kế chia sẻ thành quả nghiên cứu, thúc đẩy hợp tác. Đồng thời, nhìn nhận lại các giá trị cổ phục của từng thời kỳ, để chỉnh lý phù hợp, tạo động lực tiếp tục sáng tạo, đưa những bộ thiết kế mới đến với công chúng.

 Chương trình 'Hoa Lư bộ hành - Đại Cồ Việt y quan' thu hút sự quan tâm của khách tham quan.

Chương trình 'Hoa Lư bộ hành - Đại Cồ Việt y quan' thu hút sự quan tâm của khách tham quan.

Cổ phục hòa nhịp cùng di tích

Trước đó, tại Festival Ninh Bình lần thứ III năm 2024 diễn ra vào tháng 11/2024 với chủ đề “Dòng chảy di sản”, nhiều bộ cổ phục do các nhà thiết kế từ khắp các vùng miền trong cả nước đã hội tụ tại cố đô Hoa Lư để tôn vinh hồn cốt Việt.

Festival được xây dựng như một bộ phim dã sử cổ trang sống động, kết hợp hình thức sân khấu hóa, âm nhạc, vũ kịch và điện ảnh với công nghệ trình diễn hiện đại trên sân khấu chuyển động, để giải mã và khơi mở những lớp trầm tích ẩn sâu dưới lòng đất về những giá trị tinh hoa rực rỡ của kinh đô xưa.

Công viên Núi Thúy trở thành một không gian triển lãm thơ đương đại ngoài trời kết hợp với trải nghiệm thưởng trà, ngâm thơ, ngắm trăng và nghe nhạc cổ truyền theo phong cách dân gian. Ở đó, nghệ nhân pha trà mặc cổ phục do nhà thiết kế Nguyễn Đức Lộc đến từ Ỷ Vân Hiên cố vấn, tạo hình cho các nhân vật.

“Cổ phục là một nét đẹp văn hóa truyền thống, đã và đang được phục dựng, nghiên cứu và ứng dụng khá rộng rãi trong đời sống hiện đại. Hi vọng những nghiên cứu, phục dựng cổ phục của chúng tôi có thể giúp công chúng và khách quốc tế hiểu và thêm yêu di sản văn hóa Việt Nam”, nhà thiết kế Nguyễn Đức Lộc cho biết.

 Cổ phục được tái hiện tại Festival Ninh Bình lần thứ III.

Cổ phục được tái hiện tại Festival Ninh Bình lần thứ III.

Festival Ninh Bình lần thứ III cũng dành riêng một chương trình để trình diễn áo dài di sản tại Di tích quốc gia chùa và động Thiên Tôn - nơi từng là cửa ngõ của kinh thành Hoa Lư xưa.

Các bộ sưu tập đã kể câu chuyện về những di sản cố đô Hoa Lư trên những chiếc áo dài truyền thống như: Bộ sưu tập kiến trúc cổ và danh lam đặc trưng của Ninh Bình, về ruộng lúa, về gốm Bồ Bát, hoa sen…

Một trong những chương trình cổ phục đặc biệt ở Hoa Lư phải kể đến chuỗi “Photo tour cổ phục qua miền di sản” do Ba Ngàn Art và Đông Phong thực hiện. Các danh lam, khu di tích, đình đền… là điểm đến của chuỗi hoạt động. Đó cũng là lý do mà thời gian gần đây, hình ảnh những người mặc áo tấc, ngũ thân, Giao Lĩnh, Nhật Bình xuất hiện nhiều trong các không gian di sản ở Ninh Bình.

Theo ngành văn hóa - du lịch Ninh Bình, với mong muốn đẩy mạnh các biện pháp bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống; giới thiệu, quảng bá đến khách du lịch trong và ngoài nước về dấu ấn văn hóa, truyền thống của vùng đất cố đô Hoa Lư, nhiều chương trình đã được thực hiện một cách tích cực và hiệu quả.

Điều đó khẳng định mục tiêu phát triển của Ninh Bình trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa, đổi mới sáng tạo, là nơi các giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên được bảo tồn, lan tỏa và phát huy, đóng góp vào sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Hiện nay, ngoài các chuỗi chương trình hoạt động về cổ phục, tại Ninh Bình còn thường xuyên diễn ra các hoạt động trưng bày, trình diễn nhuộm vải; trao đổi, liên kết, giới thiệu các mẫu may đo cổ phục. Vì vậy, nhiều đơn vị chuyên về cổ phục đã “dịch chuyển” về địa phương này với mong muốn giới thiệu, tìm kiếm các cơ hội nhằm đưa cổ phục lan tỏa rộng rãi hơn. Đó cũng là mô hình có tác động tích cực tới nhiều mặt: Quảng bá văn hóa truyền thống, thúc đẩy du lịch, liên kết kinh doanh thời trang, nhiếp ảnh, phim trường…

Trần Hòa

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/dua-co-phuc-viet-ve-mien-di-san-post714248.html
Zalo