Đưa cỏ bàng nơi 'rốn phèn' xuất ngoại
Cỏ bàng là một loài cỏ mọc tự nhiên trên vùng đất phèn ngập nước ở Đồng Tháp, Long An, Kiên Giang. Trước đây, người dân thường tận dụng cỏ bàng đan thành đồ thủ công mỹ nghệ đơn sơ, hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Nhưng ngày nay, với sự khéo léo và sáng tạo của anh Bùi Thành Được - một người con của vùng đất 'rốn phèn', cỏ bàng đã biến thành sản phẩm ống hút, những mẫu túi xách bắt mắt, thân thiện môi trường, xuất ngoại và thu về ngoại tệ. Ghi nhận của phóng viên THQHVN tại tỉnh Long An.
Cỏ bàng mọc hoang, nhiều nhất ở các huyện Đức Hòa, Đức Huệ, Bến Lức, Thủ Thừa, Mộc Hóa, Vĩnh Hưng của tỉnh Long An. Đặc điểm nổi bật của cây cỏ bàng là thân cỏ, mình tròn, rỗng ruột, mình đo gần bằng đầu đũa, cao từ 1,3-2m. Người dân đã sáng tạo những sản phẩm độc đáo từ cây cỏ bàng.
Ngày nay, tiêu dùng xanh đang trở thành xu hướng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, nâng cao giá trị của cỏ bàng, anh Bùi Thành Được - một người con của vùng đất “rốn phèn” - đã quyết định thành lập Công ty Miền Tây Xanh và phát triển mô hình kinh doanh xanh với nguyên liệu chính là cỏ bàng.
Được sự hỗ trợ của địa phương, anh Được đã cho ra sản phẩm đầu tiên là ống hút cỏ bàng, sản xuất khoảng 3 triệu ống hút/tháng, cung cấp cho hơn 20 khách sạn hạng sang trong nước và một số thị trường như Đức, Pháp, Mỹ, Hàn Quốc…
Để tạo ra dòng sản phẩm túi xách từ nguyên liệu cỏ bàng, anh Được đã trải qua khoảng thời gian 2 năm, nghiên cứu và tìm kiếm thị trường. Mặc dù gặp vô số khó khăn, từ thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm đến việc tìm kiếm thị trường cho sản phẩm, nhưng với lòng quyết tâm, anh Được đã tìm được phương pháp mới để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Đến nay, anh Được đã cung ứng ra thị trường hơn 100 mẫu túi xách, đa dạng về phân khúc giá. Được thiết kế và sản xuất bởi những người thợ thủ công lành nghề của địa phương với những đường may vô cùng khéo léo, tháng 6/2024, túi xách cỏ bàng của Công ty Miền Tây Xanh được xuất khẩu sang Mỹ và một sô nước khu vực Châu Á.
Thành công của anh Được không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho bản thân và gia đình mà còn góp phần gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của quê hương Long An. Anh đã tạo việc làm cho nhiều người dân địa phương, giúp họ cải thiện đời sống và nâng cao thu nhập.
Anh Được cho biết, hiện tại đang mở rộng vùng nguyên liệu để tạo thêm sản phẩm thân thiện với môi trường từ cỏ bàng; đồng thời, liên kết với các hộ nông trồng cỏ bàng và tham gia vào một số công đoạn.
Câu chuyện về những sản phẩm xanh được làm từ cây cỏ bàng của anh Được đã chứng minh cho sự sáng tạo, lòng đam mê với nghề truyền thống của một người con vùng đất Long An. Qua đó, góp phần gìn giữ và phát huy giá trị của cỏ bàng, tạo việc làm cho nhiều người dân địa phương.
Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!