Đưa bệnh nhân trở về từ 'cửa tử'
Cùng với việc đào tạo nhân lực là triển khai ứng dụng nhiều kỹ thuật mới, những năm gần đây, Khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Quảng Trị cứu sống nhiều ca bệnh nặng, giúp người bệnh vượt qua 'cửa tử' trở về với cuộc sống đời thường.
Bệnh nhân N.T.H. (47 tuổi), ở xã Triệu Tài, huyện Triệu Phong, là trường hợp đặc biệt của Khoa Hồi sức tích cực - chống độc. Trong vòng hơn 1 năm, chị H. hai lần rơi vào tình trạng nguy kịch và được các y, bác sĩ ở đây cứu sống một cách thần kỳ.
Năm 2024, chị H. vào cấp cứu tại BVĐK tỉnh Quảng Trị trong tình trạng nguy kịch, suy hô hấp, suy tuần hoàn rất nặng. Bệnh nhân lập tức được đặt nội khí quản thở máy xâm nhập, dùng các thuốc trợ tim, vận mạch nhưng các kỹ thuật hồi sức thông thường không có kết quả.
Nhận định đây là trường hợp viêm cơ tim tối cấp, biến chứng sốc tim, tổn thương phổi ARDS tiến triển suy đa tạng, nếu không can thiệp kịp thời sẽ tử vong, hội chẩn viện quyết định triển khai kỹ thuật ECMO (tim phổi nhân tạo). Trước đó, vào tháng 2/2023, chị H. đã bị viêm cơ tim cấp, biến chứng sốc tim, rối loạn nhịp thất, được chỉ định can thiệp ECMO lần 1 và lần đó, đội ngũ y, bác sĩ BVĐK tỉnh Quảng Trị thực hiện thành công.
Bác sĩ Hoàng Ngọc Huỳnh, Phó Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - chống độc cho biết, khó khăn nhất khi can thiệp ECMO trong trường hợp này là bệnh nhân đang nguy kịch, mạch không bắt được, huyết áp không đo được, đe dọa ngừng tuần hoàn nên không thể chọc mạch để can thiệp ECMO như các bệnh nhân khác, cần phải phẫu thuật mở mạch máu.
“Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của bác sĩ chuyên khoa II Phan Xuân Nam, Giám đốc BVĐK tỉnh, kíp mạch máu đứng đầu là Tiến sĩ Trương Vĩnh Quý đã phẫu thuật mở động mạch đùi tạo đường vào, kíp ECMO do bác sĩ Lê Văn Lâm triển khai can thiệp ECMO để ngay lập tức cứu bệnh nhân trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc”, bác sĩ Huỳnh cho hay.
Đột quỵ là một trong ba nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới (chỉ sau ung thư và tim mạch) nhưng đến nay tại Quảng Trị vẫn chỉ có khoảng 10% bệnh nhân đột quỵ đến cơ sở y tế đúng “giờ vàng” (trong vòng 4,5 giờ đồng hồ kể từ khi khởi phát bệnh). Trong số 10% bệnh nhân đến đúng giờ thì tỉ lệ bệnh nhân được cứu sống và phục hồi ở BVĐK tỉnh là trên 90%. Để đạt con số trên, vấn đề chuẩn hóa quy trình cấp cứu đột quỵ ở BVĐK tỉnh đang được thực hiện ngày một tối ưu. Ngoài quy trình phối hợp xử lý đột quỵ liên khoa, mọi thủ tục hành chính cũng được rà soát, cắt giảm tối đa để bệnh nhân đột quỵ được cấp cứu, can thiệp kịp thời nhất. Kết hợp với máy móc, yếu tố con người là “phần mềm” giá trị cốt lõi của bệnh viện - đó là bác sĩ, nhân viên y tế luôn túc trực, tận tâm, nhiệt tình đón tiếp, chăm sóc bệnh nhân.
Sau 1 tuần điều trị kết hợp giữa kỹ thuật ECMO và kỹ thuật lọc máu liên tục, chức năng tim phổi bệnh nhân được cải thiện ngoạn mục. Sau 3 tuần trị, bệnh nhân được ra viện, trở về cuộc sống đời thường trong niềm vui sướng của gia đình và đội ngũ y, bác sĩ. “Một bệnh nhân nặng can thiệp ECMO 1 lần thành công đã hiếm, bệnh nhân H. được can thiệp ECMO đến 2 lần, đây là trường hợp hy hữu”, bác sĩ Hoàng Ngọc Huỳnh cho hay.
Cũng theo bác sĩ Huỳnh, có thể tim bệnh nhân H. “siêu nhạy cảm” với một loại vi rút nên khi nhiễm loại vi rút đó thì bệnh diễn tiến nặng và trở nên nguy kịch. Vì vậy, trước khi bệnh nhân ra viện, bác sĩ điều trị đã cho tiêm 1 liều vaccine cúm mùa với hy vọng sẽ giảm được phần nào yếu tố nguy cơ.
Đơn vị Đột quỵ thuộc Khoa Hồi sức tích cực - chống độc thành lập vào năm 2017. Thời gian qua, đơn vị đã từng bước cải thiện chất lượng quy trình điều trị và ứng dụng kỹ thuật mới trong điều trị rút ngắn cửa sổ điều trị cho bệnh nhân.
Đây là một trong số ít đơn vị tuyến tỉnh trong nước được Hội Đột quỵ thế giới (WSO) trao giải Vàng (Gold) năm 2020 và giải Bạch Kim năm 2021. Những năm qua đơn vị đã không ngừng phấn đấu vươn lên, đạt các tiêu chí khắt khe của WSO về con người, trang thiết bị y tế, quy trình và kết quả điều trị cho bệnh nhân đột quỵ .
Đến nay, Khoa Hồi sức tích cực - chống độc, BVĐK tỉnh đã triển khai được gần như hầu hết các kỹ thuật cao trong hồi sức như: lọc máu, thay huyết tương, ECMO.
Trong đó ECMO hiện được xem là kỹ thuật đỉnh cao của hồi sức, là phương tiện cứu cánh cuối cùng ở một số ca bệnh nặng. Để triển khai kỹ thuật này phải có 1 ê kíp chuyên sâu được đào tạo bài bản và gồm nhiều chuyên khoa khác nhau, chi phí vận hành một cuộc ECMO cũng rất lớn.
ECMO là kỹ thuật khó, chuyên sâu, cần phương tiện máy móc hiện đại, thường được triển khai tại các bệnh viện tuyến trung ương, các trung tâm hồi sức lớn. Việc áp dụng được kỹ thuật này giúp người dân được thụ hưởng kỹ thuật y tế hiện đại tại bệnh viện tuyến tỉnh mà không phải chuyển lên tuyến trên, giảm chi phí điều trị cho người bệnh. Với năng lực và uy tín của mình, đơn vị chăm sóc, điều trị cho khoảng hơn 150 bệnh nhân/quý.
Ngoài điều trị cho bệnh nhân đột quỵ trên địa bàn tỉnh, nhiều bệnh nhân bị đột quỵ ở tỉnh Quảng Bình cũng được chuyển đến điều trị can thiệp tại đơn vị để kịp “giờ vàng” vì nếu chuyển vào Bệnh viện Trung ương Huế thì quá muộn.
Theo bác sĩ Huỳnh, đối với bệnh nhân đột quỵ, thời gian là vàng nên việc tranh thủ rút ngắn thời gian xử lý càng sớm càng tốt bởi có khi chỉ chậm vài phút cũng có thể khiến bệnh nhân mất đi cơ hội được cứu sống. Đến thời điểm này, một bệnh nhân đột quỵ từ khi chạm cửa BVĐK tỉnh đến lúc được thực hiện rtPA chỉ còn 40 phút (nhanh hơn quy định của WSO 20 phút).
“Để làm được điều này, “Quy trình cấp cứu đột quỵ” do Ban Giám đốc bệnh viện ban hành nhằm huy động sự phối hợp một cách nhịp nhàng giữa Đơn vị Đột quỵ thuộc Khoa Hồi sức tích cực - chống độc với các khoa liên quan như Chẩn đoán hình ảnh, Ngoại chấn thương, Nội tim mạch, Phục hồi chức năng”, bác sĩ Huỳnh chia sẻ .