Du xuân sớm ở 'vương quốc hoa kiểng'
Cái Mơn không xa lạ với những nhà vườn trồng cây ăn trái, nghệ nhân hoa kiểng ở rất nhiều tỉnh, thành.
Những người chỉ mê trồng hoa kiểng để ngắm cũng thích tìm cây từ Cái Mơn.
Dẫu "hữu xạ tự nhiên hương" đã mang sự sung túc cho người dân, phồn thịnh cho xứ sở, nhưng đưa cái đẹp tới muôn nơi, giờ dân Cái Mơn trên cù lao Minh đang hướng người người đến tận nơi thưởng lãm sắc màu bốn mùa ở "vương quốc hoa kiểng".
Thỏa sức ngắm hoa, kiểng lạ
Tết năm nào cũng vậy, hoa kiểng từ Cái Mơn có mặt nhiều nhất ở các chợ hoa khắp Nam Bộ, lên đến cả Tây Nguyên, ra miền Trung, miền Bắc.
Cái Mơn không phải là một đơn vị hành chính, mà là tên người dân địa phương gọi xã Vĩnh Thành, có từ hơn 100 năm trước. Nay Cái Mơn chỉ vùng chuyên sản xuất cây giống, trồng hoa kiểng gồm xã Vĩnh Thành và các xã Phú Sơn, Vĩnh Hòa, Long Thới, Tân Thiềng, Hưng Khánh Trung B của huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre.
Là cái nôi nghề sản xuất cây giống, hoa kiểng của Nam Bộ, Cái Mơn được tôn là "thủ phủ cây giống", "vương quốc hoa kiểng" bởi có diện tích trồng, sản lượng, số hộ làm nghề lớn nhất cả nước. Mỗi năm nơi này cung cấp cho thị trường 15-18 triệu sản phẩm hoa kiểng. Trong những chợ hoa ngày Tết ở các tỉnh, thành Nam Bộ, hoa kiểng Cái Mơn luôn chiếm khoảng 50%, còn lại là từ các tỉnh, thành khác.
Không chờ đến chợ hoa Tết, muốn xem cho sướng mắt những sáng tạo độc, lạ về hoa, kiểng của nghệ nhân, nhà vườn Cái Mơn, chúng tôi đã về cù lao Minh.
Dọc các huyện lộ 34, 35, 37, hàng hàng vườn hoa, kiểng nối tiếp nhau, du khách thoải mái chụp ảnh mà không mất phí. Có thể thấy sự khác biệt của Cái Mơn so với các vùng trồng hoa khác là hoa, kiểng không đơn thuần được chăm sóc cho tươi tốt, nhiều hoa, mà còn được nhà vườn, nghệ nhân ra công tạo dáng, tạo thế, làm tăng giá trị từng cây.
Cây xoài bonsai rất lớn ở ngay đầu vườn kiểng Minh Thành là điểm check-in đầu tiên của chúng tôi. Đây là nơi đặt Câu lạc bộ Bonsai huyện Chợ Lách, tập trung rất nhiều bonsai độc đáo mà dân trong nghề đánh giá là "hạng VIP", chế tác từ những loại cây: tùng, lộc vừng, bằng lăng, sung, sanh, trâm ổi, cần thăng, mai..., và cả từ cây ăn trái như nhãn long tiêu đường, vú sữa, khế, xoài, si-rô, lê ki ma...
Nói đến hoa mai, nhiều lần trò chuyện với những thương lái mai, hầu như chúng tôi đều nghe nhận định: "Hàng đẹp nhất, đa dạng nhất là ở Cái Mơn".
Ấp Phú Hội, xã Vĩnh Thành là làng nghề trồng mai, mỗi năm cung cấp ra thị trường hàng trăm ngàn gốc mai, có nhà vườn bán mai được cả tỉ đồng. Mai thường là những gốc mai nhỏ, chăm sóc để bán Tết, gốc mai chỉ cần nhánh nhiều và hoa nở đều cho khách chưng trong mấy ngày Tết. Nhóm mai thường không phải hàng chủ lực, mà làm nên danh tiếng mai Cái Mơn chính là nhóm mai cội - bonsai.
Đến Cái Mơn được thưởng lãm các loại mai đẹp lạ như mai cúc, mai đọt trắng, mai đọt đỏ, mai cúc thọ hương lá cẩm thạch, giảo Thủ Đức, mai siêu bông Sài Gòn, siêu bông Bình Lợi, mai huyền bảo trân, nhị ngọc toàn lá cẩm thạch..., mỗi cây từ vài chục triệu đồng tới vài trăm triệu đồng. Nghệ nhân làng mai cho biết mai cội - bonsai phải đẹp, lạ, phải chuẩn thân - thế - bông, phải dễ chăm, cây mạnh kháng sâu bệnh thì khách hàng mới chịu.
Trong các vườn tắc kiểng, ngoài các chậu tắc uốn dáng truyền thống, năm nay nhà vườn làm tắc kiểng, bonsai khá nhiều. Tắc kiểng độ cao khoảng 1 m, giá 3 triệu đồng, cây lớn khoảng 1,5-1,8 m giá 6 triệu đồng. Giá cao vì làm tắc kiểng nhiều công, nuôi 2 năm mới cho ra trái, thợ quấn, sửa dáng một ngày giỏi chỉ một cây nên chi phí cao, trong khi tắc không tạo dáng chỉ khoảng 250.000 - 300.000 đồng/chậu.
Dọc hai bên đường từ ấp Lân Đông (xã Phú Sơn) sang ấp Đông Kinh (xã Vĩnh Hòa), làng hoa giấy Phú Sơn khiến người ta ngất ngây trước sắc màu rực rỡ. Các chủ vườn cho biết thương lái đã chở nhiều chậu hoa đi rồi, chứ nếu chúng tôi về giữa tháng chạp thì các vườn còn đẹp hơn nhiều. Năm nay, nhà vườn trồng đa dạng: hoa giấy ngũ sắc, hoa giấy đuôi chồn, hoa giấy Ấn Độ, hoa giấy cung đình, hoa giấy cẩm thạch…, kiểu dáng sinh động hơn mọi năm. Đặc biệt có 4-5 vườn thực hiện các cổng lớn, nhà mát, tán dù bằng hoa giấy thật ấn tượng.
Bận rộn chuẩn bị đưa hết số kiểng hoa giấy cỡ lớn lên chợ hoa Tết ở Biên Hòa (Đồng Nai), chị Nguyễn Kim Dung - chủ vườn Tân cũng dừng tay cho biết mỗi năm chị làm khoảng 3.000 chậu hoa giấy, cây nào cũng có gốc được tạo dáng đẹp, chị tự bán trực tiếp cho khách chứ không qua thương lái, nên chúng tôi cứ yên tâm về giá. Những cây hoa giấy dạng kiểng lớn của vườn Tân có giá đến 30-40 triệu đồng, thu hút du khách đến chụp ảnh rất đông.
Rời làng hoa giấy Phú Sơn, qua cầu Vàm Mơn, chúng tôi đến khu K26 sát bờ sông. Dọc quãng đường này, người dân trồng nhiều loại hoa trong chậu như cúc mâm xôi, cúc đồng tiền, cúc vạn thọ, mồng gà, hướng dương, ngũ sắc, ớt kiểng... Phần lớn hoa chậu đã được chở đi các chợ hoa khắp nơi, nhưng làng hoa vẫn đẹp vì nhà vườn trồng có tính toán, từng khoảnh vườn sẽ cho hoa nở chênh nhau vài ngày để từng đợt hoa đưa tới chợ Tết đều đẹp, miễn sao trước Tết 3-4 ngày đưa hoa đi hết là đạt. Nhờ thế chúng tôi được thêm nhiều bức ảnh đẹp.
Điểm đến hấp dẫn
Thật nể những nhà vườn, nghệ nhân thời đại 4.0 ở Cái Mơn.
Trước đây, trồng hoa Tết rồi hầu như trông cậy vào thương lái thì ngày nay đích thân các chủ vườn, nghệ nhân hay có con cháu hỗ trợ đã tự chào bán sản phẩm hoa kiểng qua việc livestream, làm kênh YouTube, TikTok, đăng Facebook.
Đứng xem họ tự giới thiệu, quay phim, ghi hình, chúng tôi cũng hiểu thêm được cách giao dịch của nhà vườn, nghệ nhân. Đối với kiểng, bonsai, khi giới thiệu, họ có thước dây đo vòng hoành củ (tròn gốc), hoành thân, chiều cao, tàn rộng cây, họ xoay qua xoay lại, nghiêng cây cho khách xem độ già của cốt cây, cốt cành, dáng cây, thân và gốc không sẹo.
Xong phần giới thiệu kỹ lưỡng đó, họ báo giá bao chậu, bao vận chuyển đến tận nhà. Được biết, Hội Nông dân xã Vĩnh Thành đã lập được 4 tổ bán mai vàng online, một số nhà vườn sản xuất tùng, hồng lộc nhờ online mà bán hàng ra tận các tỉnh phía Bắc.
Từ khi công việc bán hàng qua các kênh mạng phát triển, các nhà vườn ở Cái Mơn hầu như làm hoa, kiểng bán quanh năm, chứ không chỉ trông vào mùa Tết. Bởi thế, các chủ vườn bảo Cái Mơn đón khách du lịch thưởng lãm quanh năm, khách không lo về chơi mà không có cây đẹp để ngắm, cảnh đẹp để chụp ảnh.
Chúng tôi nhớ vào những năm 2000-2002, anh Tấn Đạt đưa nhóm phóng viên nông nghiệp chúng tôi về quê Chợ Lách của mình, anh đã tự hào khoe Cái Mơn được mệnh danh là "thủ phủ cây giống" - nơi sản xuất giống cây trồng lớn nhất Việt Nam và cũng là "vương quốc hoa kiểng" có đông nhà vườn, nghệ nhân gắn bó với việc trồng, tạo tác hoa kiểng độc đáo nhất miền Nam.
Lúc đó, lãnh đạo huyện Chợ Lách chia sẻ mong ước phát triển du lịch nông nghiệp cho địa phương mình, nhưng đi tới các ấp trong các xã đều thấy biển hoặc cổng chào "Ấp Văn hóa", trong khi có nhiều ấp, người dân sản xuất cùng một loại cây giống, hoa, kiểng. Chúng tôi góp ý nên thay những biển chào "Ấp Văn hóa" thành biển chào, cổng chào "Làng mai vàng", "Làng bonsai", "Làng hoa giấy", "Làng cây giống"... mới tạo ấn tượng một xứ có nhiều làng nông nghiệp độc đáo, làm du khách chú ý.
Huyện Chợ Lách đang triển khai phát triển Làng Văn hóa Du lịch Chợ Lách trên phạm vi 4 xã Vĩnh Thành, Vĩnh Hòa, Phú Sơn, Long Thới với thông điệp "Tình đất, tình người".
Điểm đến không thể bỏ qua
Trải nghiệm du xuân sớm ở Cái Mơn, chúng tôi đã cảm nhận được "tình" của người dân. Chủ vườn hoa giấy bonsai Màu Hồng ở xã Vĩnh Hòa thấy chúng tôi ngại vào vườn làm phiền, liền đon đả mời vào nhà mát làm bằng những cây hoa giấy gốc to, tán rộng, còn mời nước uống, cho chúng tôi chụp hình thỏa thích với cả vườn bonsai hoa giấy.
Không nằm trong phạm vi Làng Văn hóa Du lịch Chợ Lách, nhưng người dân các xã trong huyện cũng tham gia đón khách du lịch nồng nhiệt. Vườn kiểng thú làm bằng cây sanh, cây si của ông Nguyễn Văn Công ở xã Hưng Khánh Trung B nổi tiếng cả nước, cũng đón du khách với giá 20.000 đồng/khách đổi thành một món nước giải khát.
Đó là một cách hay, phí không đáng là bao, chỉ để khách biết trân trọng tài hoa sáng tạo của nghệ nhân, tham quan, chụp ảnh mỏi tay, trước khi rời vườn khách còn được uống nước dừa tươi, cà phê hay nước ngọt.
Địa điểm Ba Ngói tại ấp Phú Hiệp, xã Vĩnh Bình trước kia chỉ là một quán ăn sân vườn với các món đặc sản từ ốc gạo như bánh xèo ốc gạo, ốc gạo xào dừa, gỏi củ hủ dừa ốc gạo, ốc gạo xào sả ớt... cho người Chợ Lách đãi khách phương xa, giờ đã nâng cấp thành Khu Du lịch sinh thái vườn Ba Ngói, phục vụ khách du lịch bài bản hơn.
Chúng tôi nghĩ nếu lãnh đạo huyện Chợ Lách đầu tư bồi dưỡng kiến thức cho người dân làm du lịch thì với những vườn hoa kiểng, cây giống lúc nào cũng có trong năm, thêm rất nhiều vườn sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, bưởi da xanh..., cộng với những thời điểm tốt thu hút khách như mùa hoa Tết, mùa trái cây hè, Tết Đoan ngọ, mùa ốc gạo…, Chợ Lách sẽ trở thành điểm đến không thể bỏ qua của người mê du lịch.
Chợ Lách đã khẳng định bản sắc riêng của "thủ phủ cây giống", "vương quốc hoa kiểng" với 31 làng nghề, đường sá trong các làng sạch và rộng. Người dân có nguồn thu nhập khá cao, đời sống sung túc, nhà cửa khang trang. Dẫu vậy, họ vẫn thích Cái Mơn - Chợ Lách được gọi là "điểm đến du lịch hấp dẫn".