Dự thảo Thông tư mới về dạy thêm: Mở cửa hay mở rộng kẽ hở, trẻ nhỏ càng thêm khổ?

Dự thảo Thông tư mới về dạy thêm, học thêm vừa được công bố đang trở thành tâm điểm chú ý của phụ huynh và các chuyên gia giáo dục. Việc cho phép giáo viên dạy thêm học sinh chính khóa liệu có thực sự mang lại hiệu quả hay sẽ tạo ra nhiều hệ lụy?

Ngày 22/8/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT) đã công bố Dự thảo Thông tư mới về dạy thêm, học thêm trên cổng thông tin điện tử của Bộ để lấy ý kiến góp ý với mục đích chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm và góp phần hạn chế những tiêu cực trong giáo dục. Dự thảo thông tư này sau khi được thông qua sẽ thay thế Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 ban hành Quy định về dạy thêm, học thêm.

Đáng chú ý, Dự thảo Thông tư này không quy định các trường hợp không được dạy thêm như Điều 4 Quy định ban hành kèm theo Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT về ban hành quy định về dạy thêm, học thêm ngày 16/5/2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Từ đó có thể thấy những quy định về dạy thêm ngoài nhà trường - điều mà phụ huynh quan tâm, lo ngại nhiều nhất có phần “thoáng” hơn so với trước đây.

Đề xuất này ngay lập tức đã vấp phải vô số phản đối của phụ huynh vì lo lắng có nảy sinh tiêu cực, phá hỏng mục tiêu giảm tải chương trình và phát huy tính tự học của học sinh, thời gian còn lại nên dành để nghỉ ngơi, phát triển thể chất, năng khiếu.

Chỉ cần vài chiêu trò “gợi ý” tự khắc học sinh phải học thêm

Chị Huyền My (quận Tây Hồ, Hà Nội) nêu quan điểm, việc cho phép dạy thêm, học thêm sẽ chỉ tạo ra sự mất cân bằng giữa các học sinh và gây áp lực cho cả học sinh lẫn phụ huynh, dù theo dự thảo là không ép buộc nhưng tâm lý sợ con mình thua thiệt nên phụ huynh đều cố gắng cho con đi học, riết rồi sẽ thành thông lệ phụ huynh chở con đi học thêm chạy ngược xuôi mỗi ngày.

“Nếu làm theo quy định thì thầy cô đâu cần ép buộc, mà đơn giản làm ra đề bài kiểm tra các môn học mà chỉ có học sinh đi học thêm thầy cô mới biết làm, rồi tự khắc học sinh sẽ tự tìm đến lớp học thêm. Con tôi đã từng là nạn nhân và phải trải qua cảm giác ngơ ngác, thua kém khi giáo viên trên lớp ra một đề bài rất lạ chưa được học nhưng một số học sinh đi học thêm giơ tay ngay lập tức để xin giải bài. Cuối cùng, tôi quyết định cho con học thêm để con không bị tổn thương và từ đó điểm số cứ cao dần lên trong sự ngỡ ngàng của phụ huynh”, chị My nói.

Việc dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường theo dự thảo Thông tư của Bộ có phần thuận lợi hơn trước đây sẽ là điều mà phụ huynh, dư luận băn khoăn (Ảnh: SKĐS).

Việc dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường theo dự thảo Thông tư của Bộ có phần thuận lợi hơn trước đây sẽ là điều mà phụ huynh, dư luận băn khoăn (Ảnh: SKĐS).

Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh băn khoăn, lo lắng về vấn đề khi không có nhu cầu hay không có điều kiện cho con học thêm thì liệu con có bị cô giáo để ý và trù dập hay không.

Anh Lương Quốc Cường (quận Đống Đa, Hà Nội) đặt câu hỏi: “Nếu trong lớp học con tôi, cô giáo chủ nhiệm mở lớp dạy thêm tại nhà, có những bạn theo học và con tôi không theo học, vậy lấy gì đảm bảo rằng con tôi không bị phân biệt đối xử nếu như không đến lớp cô dạy? Ai sẽ là người kiểm soát nếu giáo viên dạy vượt quá chương trình ở lớp học thêm? Nếu giáo viên dạy hời hợt để dành cho phụ đạo dạy thêm thì sao? Gia đình có hoàn cảnh sẽ chịu sự thiệt thòi phân hóa lớn trong lớp, vậy ai chịu trách nhiệm cho tinh thần tâm lý trẻ nhỏ ở độ tuổi này?”.

Đồng tình với quan điểm này, anh Trần Nhật Minh cho rằng, dạy học thêm là nhu cầu chính đáng, tuy nhiên phải theo nguyên tắc: “Kiến thức thi cử phải nằm hoàn toàn trong chương trình được giảng dạy trên lớp, việc học thêm chỉ củng cố và nâng cao cho học sinh lớp 9 và cấp 3”. Nếu như không có nguyên tắc như vậy, thì gần như học thêm mới là chính, học trên lớp mới là phụ.

Vị phụ huynh này nhấn mạnh, vấn đề giáo viên đưa học sinh chính khóa ra ngoài dạy thêm cần nghiên cứu kỹ và nên nghiêm cấm giáo viên tìm đủ mọi chiêu trò gợi ý cho học sinh học thêm, vì một lời nói giáo viên trên lớp rất có sức nặng.

“Nếu cho phép giáo viên dạy thêm học sinh chính khóa thì phải có biện pháp quản lý chặt chẽ, tránh tình trạng o ép học sinh đi học thêm, học thêm vì điểm số. Với những giáo viên dạy thêm không phải học sinh chính khóa thì phải đăng ký kinh doanh, nếu mô hình nhỏ là hộ cá thể, danh sách học sinh học thêm phải đầy đủ lớp học, địa chỉ, nộp thuế theo quy định. Theo tôi, vẫn nên khảo sát lấy ý kiến của phụ huynh trong vấn đề này là xác đáng nhất”, anh Minh nói.

Dự thảo mang tính hình thức, chưa đồng bộ và đầy đủ

Trao đổi với PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam, TS. Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) đánh giá, về các điểm mới trong dự thảo Thông tư 17 về dạy và học thêm ngoài nhà trường đã có một số điểm cải thiện so với quy định hiện hành. Tuy nhiên, dự thảo này chưa thật sự đồng bộ và đầy đủ, vì được ban hành trước khi Luật Nhà giáo được thông qua. Cần phải có tổng kết đánh giá xem trước khi Luật Nhà giáo được thông qua thì lương, thu nhập của giáo viên thế nào và sau khi được thông qua thì có sự thay đổi ra sao? Liệu rằng Thông tư này có phù hợp không và trong quy định về những hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo có hoạt động dạy thêm hay không cần phải có suy xét.

TS. Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT). Ảnh: NVCC

TS. Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT). Ảnh: NVCC

Một trong những thách thức lớn được TS. Hoàng Ngọc Vinh nhấn mạnh là vấn đề tự nguyện, tự giác của học sinh và phụ huynh trong việc học thêm. Thực tế, họ không có có quyền để từ chối dịch vụ dạy thêm ngoài trường công lập. Mặc dù dự thảo yêu cầu giáo viên không được bắt buộc học sinh, nhưng thực chất vẫn có nhiều cách "gián tiếp" để ép buộc, như giáo viên gợi ý nhẹ nhàng hoặc tạo ra sự chênh lệch giữa nội dung bài giảng và đề thi.

“Chương trình học đôi khi không bám sát với thực tế cùng với áp lực thành tích đã khiến nhiều giáo viên phải tìm cách “khoe tài”' bằng những bài giảng nâng cao hoặc các bài kiểm tra khó. Điều này vô tình tạo ra một môi trường học tập căng thẳng và gây khó khăn cho học sinh, đặc biệt là những em có nền tảng yếu. Do đó, nếu các em không đi học thêm thì đề thi, đề kiểm tra, đánh giá khó có thể đạt được điểm cao”, TS. Hoàng Ngọc Vinh nói.

Nếu như trước đây, Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT yêu cầu giáo viên không được dạy thêm cho học sinh chính khóa, còn dự thảo Thông tư lần này đã không còn cấm nội dung này, cụ thể, Khoản 2 Điều 5 quy định: “Đối với yêu cầu giáo viên dạy thêm cho học sinh chính khóa phải lập danh sách báo cáo gửi Hiệu trưởng và cam kết không dùng bất kỳ hình thức nào ép buộc học sinh học thêm”.

Theo TS. Hoàng Ngọc Vinh, việc “nới lỏng” quy định này được xem là sự thừa nhận cho phép dạy thêm ở ngoài nhà trường, chỉ cần giáo viên dạy thêm ngoài báo cáo với Hiệu trưởng địa điểm, thời gian và cam kết không vi phạm là có thể mở lớp dạy thêm. Điều này có thể dẫn đến rủi ro về sự thông đồng giữa hiệu trưởng và giáo viên trong việc dạy thêm không? Hiệu trưởng được phân cấp quyền quản lý có thể dẫn đến tình trạng "bao che" và thiếu minh bạch không?

Đối với việc thu và quản lý tiền học thêm ngoài nhà trường, dự thảo hướng dẫn cụ thể tại Khoản 2, Điều 6 như sau: “Mức thu tiền học thêm ngoài nhà trường do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh, học sinh với cơ sở dạy thêm và phải được công khai trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm”.

Lâu nay, mức thu tiền học phí ở trường công lập được nhà nước quy định chặt chẽ và khống chế mức giá. Tuy nhiên, với Thông tư mới, giá cả các lớp dạy thêm lại được tự do “thỏa thuận” giữa giáo viên và phụ huynh, điều này có vẻ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho giáo viên và nhà trường trong việc dạy thêm.

Giáo viên thường thông báo công khai thông báo giá trước khi mở lớp đồng nghĩa với việc phụ huynh thường chấp nhận để con được học, bất chấp mức giá cao hay thấp. Điều này tạo điều kiện cho việc tự ý tăng học phí và khó kiểm soát chất lượng giảng dạy.

"Khái niệm "thỏa thuận" trong việc xác định học phí dạy thêm khiến cho việc quản lý trở nên lỏng lẻo, tiềm ẩn nguy cơ hình thành một thị trường dạy thêm thiếu kiểm soát và rất đáng lo ngại về sự thả lỏng trong quản lý”, TS. Hoàng Ngọc Vinh nói.

Cần có giải pháp toàn diện, không chỉ đơn thuần là cấm hoạt động dạy thêm

Dự thảo Thông tư Quy định về dạy thêm, học thêm cũng đã quy định rõ chức trách, nhiệm vụ của các cấp quản lý nhưng thực tế rất khó đưa hoạt động dạy thêm, học thêm vào quy củ và hạn chế được tình trạng dạy thêm tràn lan ở các cấp học.

TS. Hoàng Ngọc Vinh đã đề xuất một số giải pháp mà Bộ Giáo dục và Đào tạo cần thực hiện để hoàn thiện dự thảo Thông tư:

Thứ nhất, khung pháp lý về dạy thêm cần được xây dựng với mục tiêu hàng đầu là bảo vệ quyền lợi của học sinh, tạo ra một môi trường học tập công bằng - nơi mà tất cả học sinh đều có cơ hội tiếp cận kiến thức, không phân biệt giàu nghèo. Việc học thêm không nên trở thành gánh nặng tài chính cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn và không nên gây áp lực quá lớn, làm ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như sự phát triển toàn diện của các em.

Thứ hai, rõ ràng về đối tượng được phép dạy/học thêm. Hoạt động dạy thêm nên ưu tiên dành cho những học sinh gặp khó khăn trong học tập và cần được hỗ trợ để theo kịp chương trình chung của lớp. Việc bồi dưỡng cho các em là hoàn toàn cần thiết để đảm bảo sự công bằng trong giáo dục, chứ không phải là một hình thức học tập bắt buộc.

Thứ ba, việc tăng cường giám sát, công khai thông tin và thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ánh từ phụ huynh và học sinh là những biện pháp cần thiết để quản lý chặt chẽ hoạt động dạy thêm. Bên cạnh đó, việc xử lý nghiêm các trường hợp giáo viên vi phạm quy định, đặc biệt là hành vi ép buộc học sinh, là điều cần thiết để bảo vệ quyền lợi của các em.

Thứ tư, chuẩn hóa chương trình học và đề thi, đảm bảo tính nhất quán giữa quá trình dạy và học với việc đánh giá. Để thực hiện thành công mục tiêu đổi mới giáo dục theo hướng phát triển năng lực, thông tư cần quy định rõ ràng rằng kiến thức trong đề thi phải hoàn toàn nằm trong phạm vi chương trình học chính khóa, từ kiến thức cơ bản đến kiến thức nâng cao.

Thứ năm, cần thông qua các chương trình giáo dục cho phụ huynh, giúp họ hiểu rõ tác động của việc dạy thêm đối với sự phát triển toàn diện của con em mình, giúp phụ huynh đưa ra quyết định sáng suốt, tránh tình trạng học sinh bị ép buộc hoặc tham gia các lớp học không phù hợp.

Cuối cùng, để giải quyết vấn đề dạy thêm một cách hiệu quả, cần tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia khác và rút ra những bài học thích hợp với điều kiện của Việt Nam. Việc cấm dạy thêm hoàn toàn không phải là giải pháp lâu dài và có thể dẫn đến nhiều hệ lụy như: chất lượng giáo dục giảm sút, tình trạng dạy thêm vẫn diễn ra âm thầm nhưng không được kiểm soát.

Thay vào đó, chúng ta nên tìm cách quản lý và điều chỉnh để hoạt động này diễn ra lành mạnh. "Việc dạy thêm xuất phát từ nhu cầu học hỏi của học sinh và phụ huynh. Thay vì cấm đoán, chúng ta cần tạo điều kiện để hoạt động này diễn ra một cách minh bạch, chất lượng và không gây áp lực cho học sinh”, TS. Hoàng Ngọc Vinh nhấn mạnh.

Hương Giang

Nguồn Trẻ em Việt Nam: https://treemvietnam.net.vn/du-thao-thong-tu-moi-ve-day-them-mo-cua-hay-mo-rong-ke-ho-d5098.html
Zalo