Dự thảo sửa đổi Luật Tổ chức TAND: TAND Tối cao cũng xử án phúc thẩm
Đây là một trong những chức năng, nhiệm vụ của TAND Tối cao được nêu tại dự luật sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức TAND 2024.
TAND Tối cao vừa công bố dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức TAND, sau hơn 4 tháng Luật Tổ chức TAND 2024 có hiệu lực, để đáp ứng những yêu cầu về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy mà Trung ương đề ra.

HĐXX một phiên tòa hình sự.
Về nội dung, dự thảo luật cơ bản sẽ tập trung sửa đổi, bổ sung một số quy định dưới đây:
Sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến mô hình tổ chức tòa án. Theo đó, dự thảo luật sửa đổi, bổ sung các quy định về mô hình tổ chức hệ thống tòa án theo hướng bỏ TAND Cấp cao, TAND cấp huyện, TAND sơ thẩm chuyên biệt.
Mô hình tổ chức hệ thống tòa án mới sẽ gồm TAND Tối cao; TAND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương; TAND khu vực.
Trên cơ sở mô hình tổ chức hệ thống tòa án 3 cấp, dự thảo luật sửa đổi, bổ sung các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các tòa án.
Đối với TAND Tối cao, giữ nguyên chức năng của TAND tối cao hiện nay. Theo đó, TAND Tối cao thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn giám đốc việc xét xử của các tòa án; tổng kết thực tiễn xét xử, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử; phát triển án lệ,...; giám đốc thẩm, tái thẩm đối với các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật các TAND; phúc thẩm các vụ án hình sự mà bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật của TAND cấp tỉnh bị kháng cáo, kháng nghị.
TAND Tối cao gồm Hội đồng Thẩm phán, 3 Tòa Phúc thẩm (đặt tại TP Hà Nội, TP Đà Nẵng, TP.HCM); 4 Vụ Giám đốc kiểm tra; các cục, vụ và tương đương, Học viện Tòa án, cơ quan báo chí.
Tăng số lượng thẩm phán TAND Tối cao từ 13 đến 17 người lên thành từ 23 đến 27 người để đảm bảo đủ nguồn nhân lực giải quyết kịp thời, chất lượng đối với khối lượng công việc giám đốc thẩm, tái thẩm tăng thêm từ TAND Cấp cao chuyển về theo đúng chỉ tiêu, yêu cầu của Quốc hội.
Đối với TAND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương sẽ thực hiện nhiệm vụ giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND khu vực; phúc thẩm vụ án, vụ việc mà bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của TAND khu vực bị kháng cáo, kháng nghị; sơ thẩm vụ án hình sự có mức cao nhất của khung hình phạt từ trên 20 năm tù, tù chung thân, tử hình; vụ án hình sự nghiêm trọng, phức tạp khác.
TAND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương gồm Ủy ban Thẩm phán, các Tòa chuyên trách, bộ máy giúp việc.
Còn đối với TAND khu vực, cơ cấu lại các TAND huyện, quận, thị xã, TP thuộc tỉnh, TP thuộc TP trực thuộc Trung ương thành TAND khu vực. Tên gọi được đặt theo tên đơn vị hành chính nơi đặt trụ sở và được đánh số thứ tự để phân biệt và tạo thuận lợi cho người dân dễ dàng nhận biết. Ví dụ: TAND TP Hà Nội; TAND khu vực 1 - Hà Nội.
TAND khu vực có nhiệm vụ xét xử theo thủ tục sơ thẩm các vụ án hình sự về các tội phạm mà mức cao nhất của khung hình phạt đến 20 năm tù; xét xử theo thủ tục sơ thẩm tất cả các vụ án hành chính, vụ việc dân sự và các vụ việc khác thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án.
Giao thẩm quyền giải quyết, xét xử theo thủ tục sơ thẩm các vụ việc phá sản, sở hữu trí tuệ cho một số TAND khu vực lớn đặt tại các tỉnh, TP lớn là trung tâm kinh tế, tài chính của đất nước. TAND khu vực gồm các Tòa chuyên trách và Bộ máy giúp việc.
Đề nghị áp dụng thủ tục rút gọn khi sửa luật
Đáng chú ý, TAND Tối cao cho rằng việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức TAND thuộc trường hợp cấp bách để giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực tiễn, bảo đảm thực hiện chủ trương của Đảng về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của TAND.
Căn cứ điểm b khoản 1, điểm a khoản 2 Điều 50 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025, TAND Tối cao đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn trong xây dựng, ban hành Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TAND.