Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 2013: Nêu bật việc tinh gọn, bỏ cấp trung gian

Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội đưa ra các sửa đổi, bổ sung quy định về chính quyền địa phương tại các điều của Hiến pháp 2013 cơ bản bảo đảm được tính chính trị, phù hợp với Cương lĩnh, đường lối chiến lược, chủ trương của Đảng; bảo đảm được tính dân chủ, tính pháp quyền.

Tại hội nghị đóng góp ý kiến Dự thảo nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 do Hiệp hội khoa học hành chính Việt Nam tổ chức ngày 23/5, các nhà khoa học cho rằng, dự thảo chuyển từ chính quyền địa phương từ 3 cấp sang chính quyền địa phương 2 cấp, bỏ cấp huyện, tiếp tục sáp nhập để giảm 60 - 70% đơn vị hành chính cấp xã là một bước đi đột phá trong cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy, nhằm thực hiện phân định lại thẩm quyền giữa Trung ương và địa phương, chuyển những việc của địa phương do địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm; xây dựng chính quyền địa phương gần dân, sát dân; tận dụng các thành tựu của khoa học công nghệ, chuyển đổi số, số hóa mọi hoạt động của các cơ quan hành chính,... Qua đó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương các cấp.

Các đại biểu tại buổi góp ý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 2013

Các đại biểu tại buổi góp ý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 2013

Theo các đại biểu, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội đưa ra các sửa đổi, bổ sung quy định về chính quyền địa phương tại các điều của Hiến pháp 2013 cơ bản bảo đảm được tính chính trị, phù hợp với Cương lĩnh, đường lối chiến lược, chủ trương của Đảng; bảo đảm được tính dân chủ, tính pháp quyền; thể hiện tính thời đại, tính cách mạng và có sự kế thừa.

Đặc biệt, trong yêu cầu tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, nội dung sửa đổi đã thể hiện được tính khái quát và tính ổn định cao.

Đại biểu Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội bày tỏ sự đồng tình việc sửa đổi bổ sung Hiến pháp để thực hiện tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị. Tuy nhiên, theo ông Đường, những vấn đề về cách mạng tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị lần này không liên quan nhiều đến Hiến pháp nên không phải là một dịp sửa đổi cơ bản Hiến pháp như các lần sửa đổi Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992 và Hiến pháp năm 2013.

Đại biểu Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội phát biểu.

Đại biểu Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội phát biểu.

Đồng tình với quan điểm này, GS.TS Phan Trung Lý, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội bày tỏ việc sửa đổi Điều 110 như trong Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 để thực hiện yêu cầu tinh gọn tổ chức, khắc phục chồng chéo, trùng lặp trong tổ chức, hoạt động của đơn vị hành chính và chính quyền địa phương, bỏ cấp trung gian (cấp huyện), tổ chức chính quyền địa phương phù hợp đặc điểm nông thôn, đô thị và miền núi hải đảo.

Ông Trần Anh Tuấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch Hiệp hội khoa học Hành chính Việt Nam cho hay, tại buổi góp ý, các đại biểu bày tỏ sự tán thành và đánh giá rất cao việc sử dụng cụm từ “các đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” trong sửa đổi khoản 1 Điều 110 của Hiến pháp.

Sử dụng cụm từ này, không chỉ thể hiện tính khái quát và tính ổn định của Hiến pháp mà còn thể hiện được tư duy về “tính đa dạng trong sự thống nhất” khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp (cấp tỉnh và cấp dưới tỉnh), đáp ứng yêu cầu phát triển khi tổ chức, thành lập các đơn vị hành chính cấp xã sau này.

Dù có đa dạng tên gọi các đơn vị hành chính ở cấp xã như thế nào chăng nữa, thì chính quyền địa phương ở đó cũng chỉ nằm trong khuôn khổ một cấp chính quyền dưới tỉnh.

Về thể hiện cụm từ “đơn vị hành chính dưới tỉnh”, khoản 8 Điều 74, khoản 4 Điều 96 Hiến pháp 2013 đã sử dụng cụm từ này. Khi đó “đơn vị hành chính dưới tỉnh” bao gồm cả cấp huyện và cấp xã. Nay đơn vị hành chính dưới tỉnh chỉ có 1 cấp là cấp xã (xã, phường, đặc khu, ….). Vì thế, cách thể hiện của khoản 1 Điều 110 cần biên tập thêm để bảo đảm sự tường minh và rõ ràng, làm cơ sở cho sửa Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Theo các đại biểu, nên chăng bổ sung thêm một khoản vào điều 111 Hiến pháp như sau: “Chính quyền địa phương chỉ tổ chức 2 cấp, gồm: Chính quyền cấp tỉnh; Chính quyền cấp dưới tỉnh”.

Như thế, dù tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có được chia thành phường, xã, liên phường, liên xã, đặc khu hay là tên gọi gì nữa như phủ, trấn, thành phố thì chính quyền địa phương được tổ chức ở đó cũng đều là chính quyền cấp dưới tỉnh và chỉ là 1 cấp.

Liên quan đến những nội dung này, đại biểu Nguyễn Văn Phúc, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bày tỏ sự tán thành không quy định cụ thể trong Hiến pháp các loại đơn vị hành chính cơ sở dưới cấp tỉnh mà để luật quy định cho linh hoạt với từng giai đoạn phát triển.

Ông Nguyễn Trọng Điều, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ phát biểu tại hội nghị

Ông Nguyễn Trọng Điều, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ phát biểu tại hội nghị

Về khoản 2 Điều 111 của Hiến pháp 2013 không nên bỏ từ “cấp” và thêm “đơn vị hành chính”. Bởi lẽ, cần xem lại vì sao Hiến pháp 2013 lại phân biệt chính quyền địa phương và “cấp” chính quyền địa phương.

Chính quyền địa phương có HĐND và UBND được quy định là 1 cấp chính quyền. Nơi không tổ chức HĐND mà chỉ tổ chức UBND thì đó vẫn là chính quyền địa phương. Thực tế, chúng ta đã có thời gian thí điểm không tổ chức HĐND ở quận, huyện và phường. Theo các đại biểu, đến một lúc nào đó, chúng ta lại tổ chức mô hình chính quyền địa phương 1 cấp ở đô thị để phù hợp với đặc điểm của đô thị thì khi đó không phải sửa Hiến pháp nữa.

Thực tiễn, chúng ta đang tổ chức chính quyền đô thị tại TP. HCM và TP. Đà Nẵng chỉ có 1 cấp chính quyền. Ở phường, không tổ chức HĐND nhưng UBND vẫn là chính quyền địa phương nhưng không phải là một cấp.

Theo đại biểu Nguyễn Trọng Điều, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, dự thảo quy định chính quyền cấp tỉnh và cấp cơ sở, đã rõ chủ trương tinh gọn, bỏ cấp trung gian. Khi đã có quy định và được luật hóa thì với đơn vị hành chính quy mô to hay nhỏ thì cũng chỉ là cấp cơ sở. Cũng theo ông Điều, thủ đô Paris của nước Pháp có quy mô và diện tích rất lớn, nhưng vẫn chỉ là một đơn vị cơ sở. Cấp chính quyền ở đây quản lý các vấn đề đô thị rất tốt, điều mà chúng ta có thể học hỏi

Bên cạnh đó cũng có ý kiến đề nghị Ban chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị xem xét cho giữ lại các đơn vị hành chính thành phố, thị xã thuộc tỉnh, thị trấn, là chính quyền cấp cơ sở. Theo các đại biểu ở nước ta, đến nay có 53 thị xã, thành phố thuộc tỉnh với quy mô và trình độ phát triển khác nhau, đã được hình thành lâu năm trong quá trình giao thương, đô thị hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo quy luật tự nhiên, theo nhu cầu phát triển khách quan và theo quy hoạch của nhà nước. Thành phố thuộc tỉnh là trung tâm, động lực phát triển quan trọng và có tính lan tỏa của các địa phương, thậm chí là cả một vùng như thành phố Thái Nguyên, thành phố Vinh,…

Quang Tuấn/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/du-thao-sua-doi-hien-phap-2013-neu-bat-viec-tinh-gon-bo-cap-trung-gian-post1201844.vov
Zalo