Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về sửa đổi Hiến pháp 2013 có gì?

Theo bản thuyết minh về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013, nhiều nội dung liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức đơn vị hành chính, công đoàn… có sự thay đổi.

Các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội (Điều 9 của Hiến pháp năm 2013), qua rà soát cho thấy hệ thống các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian, chức năng, nhiệm vụ còn có sự giao thoa, trùng lắp; vẫn còn tồn tại tình trạng một việc nhiều tổ chức cùng làm, một người tham gia nhiều tổ chức…

Theo đó, đề nghị sửa đổi, bổ sung Điều 9 của Hiến pháp năm 2013 như sau: Khẳng định MTTQVN là bộ phận của hệ thống chính trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; thể hiện ý chí, nguyện vọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; phản ánh ý kiến, kiến nghị của nhân dân đến các cơ quan nhà nước; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Quy định khái quát về các tổ chức chính trị - xã hội theo hướng khẳng định vị trí của các tổ chức này trực thuộc MTTQVN; bổ sung, làm rõ nguyên tắc hoạt động của MTTQVN và các tổ chức thành viên là hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động dưới sự chủ trì của MTTQVN.

Cụ thể: Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam là các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc MTTQVN, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của thành viên, hội viên tổ chức mình; được tổ chức và hoạt động thống nhất trong MTTQVN; cùng với các tổ chức thành viên khác của mặt trận hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động dưới sự chủ trì của MTTQVN.

Về Công đoàn Việt Nam, theo dự thảo, bên cạnh chức năng, nhiệm vụ của Công đoàn Việt Nam đã được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013 (đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động), đề nghị bổ sung nhiệm vụ là đại diện của người lao động ở cấp quốc gia trong quan hệ lao động và quan hệ quốc tế về công đoàn.

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 15

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 15

Dự thảo cũng sửa đổi theo hướng chỉ quy định về quyền trình dự án luật trước Quốc hội, trình dự án pháp lệnh trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội của Ủy ban Trung ương MTTQVN mà không tiếp tục quy định quyền này cho các cơ quan trung ương của tổ chức thành viên của mặt trận.

Mô hình địa phương 2 cấp

Dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung quy định về tổ chức đơn vị hành chính (Điều 110 của Hiến pháp năm 2013).

Điều 110 của Hiến pháp năm 2013 quy định đơn vị hành chính Việt nam gồm trên 10 loại đơn vị hành chính với tên gọi khác nhau thuộc 3 cấp (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã). Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình mới, việc tổ chức đơn vị hành chính theo 3 cấp đã bộc lộ sự kém hiệu quả, chồng chéo, gây lãng phí, chưa phát huy được tối đa tiềm năng, lợi thế của từng đơn vị hành chính.

Theo đó, sửa đổi, bổ sung Điều 110 của Hiến pháp năm 2013 theo hướng quy định mô hình địa phương 2 cấp, đồng thời không quy định quá chi tiết về hệ thống các đơn vị hành chính với tên của từng loại đơn vị ở từng cấp như hiện nay.

Các đơn vị hành chính gồm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội thành lập.

Việc xác định các loại đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và trình tự, thủ tục thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính do Quốc hội quy định.

Hiện tại, dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) đang dự kiến quy định xã là đơn vị hành chính ở nông thôn; phường là đơn vị hành chính ở đô thị và đặc khu là đơn vị hành chính ở hải đảo.

Việc sử dụng cụm từ “đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương” là bảo đảm thống nhất với nội dung đã được quy định tại khoản 8 Điều 74 và khoản 4 Điều 96 của Hiến pháp hiện nay.

Về chính quyền địa phương, trong thực tế, việc sử dụng thuật ngữ “cấp chính quyền địa phương” để chỉ chính quyền địa phương tại những đơn vị hành chính tổ chức đồng thời cả HĐND và UBND dễ gây nhầm lẫn với thuật ngữ “chính quyền địa phương” nói chung, bao gồm cả những địa phương hiện nay đang tổ chức mô hình chính quyền đô thị (không tổ chức HĐND).

Theo đó, đề nghị sửa đổi, bổ sung các điều 111, 112, 114 của Hiến pháp năm 2013 theo hướng quy định tổ chức chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND; không sử dụng thuật ngữ “cấp chính quyền địa phương” để thể hiện tính thống nhất về mô hình tổ chức chính quyền địa phương, tránh gây nhầm lẫn, tạo ra các cách hiểu khác nhau về tổ chức chính quyền ở địa phương. Cơ bản giữ nguyên các quy định về nguyên tắc tổ chức và chế độ làm việc của HĐND và UBND cấp tỉnh, cấp xã như hiện nay.

Tại khoản 2 Điều 115 của Hiến pháp năm 2013 đang quy định đại biểu HĐND có quyền chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, việc chất vấn đối với Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân chỉ thực hiện tại HĐND cấp tỉnh, cấp huyện. Sắp tới sẽ không tổ chức Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện nên sẽ không có HĐND ngang cấp để thực hiện quyền chất vấn. Do vậy, đề nghị không quy định Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thuộc phạm vi đối tượng trả lời chất vấn của đại biểu HĐND.

Tuy không quy định về thẩm quyền chất vấn của đại biểu HĐND đối với Chánh án Tòa án nhân dân và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân song HĐND vẫn thực hiện thẩm quyền giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương, trong đó bao gồm giám sát hoạt động của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân và của các cơ quan nhà nước khác trên địa bàn.

Để kịp thời thể chế hóa Kết luận số 150-KL/TW ngày 14.4.2025 của Bộ Chính trị hướng dẫn xây dựng phương án nhân sự cấp ủy cấp tỉnh thuộc diện hợp nhất, sáp nhập và cấp xã thành lập mới, đề nghị trong Dự thảo Nghị quyết cần có điều khoản chuyển tiếp (khoản 3 Điều 2) quy định việc chỉ định các chức danh của HĐND, UBND và trưởng đoàn, phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội để tạo cơ sở pháp lý cho việc kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan trong đợt sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã năm 2025 và kiện toàn tổ chức bộ máy của HĐND, UBND nhiệm kỳ 2021 - 2026 khi không còn đơn vị hành chính cấp huyện.

Lam Thanh

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/du-thao-nghi-quyet-cua-quoc-hoi-ve-sua-doi-hien-phap-2013-co-gi-232293.html
Zalo