Dự thảo Luật Quảng cáo: Thắt chặt quy định về người chuyển tải quảng cáo

Sáng 10/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.

Tại phiên họp, các đại biểu đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo tóm tắt Tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp

Chuẩn hóa các khái niệm mới trong hoạt động quảng cáo

Dự thảo Luật lần này chỉnh sửa, làm rõ hơn một số thuật ngữ mới, còn nhiều ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 như: “hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam”, “người chuyển tải sản phẩm quảng cáo”..., đồng thời làm rõ hình thức mặc, treo, gắn, dán, vẽ hoặc các hình thức tương tự.

Đặc biệt, đối với thuật ngữ “người chuyển tải sản phẩm quảng cáo”, dự thảo Luật chỉnh sửa theo hướng điều chỉnh 02 loại đối tượng: thứ nhất là người người trực tiếp quảng cáo, khuyến nghị, xác nhận các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trên mạng; thứ hai là người trực tiếp quảng cáo bằng hình thức mặc, treo, gắn, dán, vẽ, sử dụng có mục đích sinh lợi hoặc các hình thức khác theo quy định của Chính phủ. Bổ sung giải thích thuật ngữ “người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng”, chủ yếu dẫn chiếu đến quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo

Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng chỉnh lý Điều 15a về quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo theo hướng ngoài nghĩa vụ chung được quy định tại khoản 2 sẽ bổ sung một số nghĩa vụ đặc thù; đồng thời bỏ quy định về nghĩa vụ phải trực tiếp sử dụng sản phẩm khi quảng cáo mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung trên mạng xã hội do tính khả thi chưa cao, khó kiểm soát và thực hiện.

Quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo

Một số ý kiến cho rằng đang có sự chồng lấn trách nhiệm của một số bộ; một số ý kiến khác cho rằng cách quy định cụ thể này không bao quát được hết nhiệm vụ của các bộ, ngành; một số ý kiến góp ý cụ thể về trách nhiệm quản lý nhà nước liên quan đến hoạt động quảng cáo của các bộ; đề nghị bổ sung trách nhiệm của UBND các cấp trong quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo. Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng, ghép Điều 4 và Điều 5 thành 01 điều quy định chung về Quản lý nhà nước về quảng cáo, đồng thời, giao Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước của từng bộ, ngành liên quan, trách nhiệm của UBND các cấp trong Nghị định hướng dẫn thi hành Luật.

Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo

Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo

Quảng cáo trên báo nói, báo hình

Để đảm bảo nguồn thu cho các kênh truyền hình, dự thảo Luật được trình tại kỳ họp này đã giữ nguyên quy định về thời lượng quảng cáo trên kênh truyền hình trả tiền là 5% như Luật Quảng cáo năm 2012 để bảo đảm quyền lợi của người xem khi đã phải trả phí.

Với một số ý kiến đề nghị đánh giá tác động kỹ lưỡng về việc thay đổi thời lượng quảng cáo, đặc biệt là trên phim trên Đài Truyền hình Việt Nam vào giờ vàng, dự thảo Luật giữ nguyên quy định về việc tăng thời lượng quảng cáo trong các chương trình phim truyện nhằm hỗ trợ việc tạo nguồn thu, bảo đảm kinh phí cho việc sản xuất các bộ phim có chất lượng, phục vụ người xem của Đài Truyền hình Việt Nam trong bối cảnh quảng cáo trên truyền hình đang có xu hướng sụt giảm và thực hiện các nghĩa vụ pháp lý tại Luật Điện ảnh.

Đại biểu Quốc hội tham dự phiên thảo luận

Đại biểu Quốc hội tham dự phiên thảo luận

Quảng cáo trên mạng và quảng cáo xuyên biên giới

Dự thảo Luật đã bổ sung một số quy định về quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo (Điều 15a); về nghĩa vụ của người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, người phát hành quảng cáo tham gia hoạt động quảng cáo trên mạng (khoản 3, khoản 4, khoản 5 iều 23); về trách nhiệm của người kinh doanh dịch vụ quảng cáo trên mạng khi thiết lập, vận hành nền tảng số trung gian để cung cấp dịch vụ (điểm g khoản 5 Điều 23)... để tạo hành lang pháp lý đầy đủ hơn đối với hoạt động quảng cáo trên mạng gây nhiều ồn ào thời gian qua.

Đối với quảng cáo xuyên biên giới, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng xác lập đây là loại hình quảng cáo cần quản lý, các chủ thể liên quan phải thực hiện nghĩa vụ thuế và tuân thủ pháp luật Việt Nam, quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo trên mạng, quảng cáo xuyên biên giới phải ngăn chặn, gỡ bỏ quảng cáo vi phạm, trường hợp không thực hiện thì cơ quan có thẩm quyền triển khai các biện pháp kỹ thuật ngăn chặn và thực hiện biện pháp xử lý theo quy định pháp luật.

Đại biểu Quốc hội nghe trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo

Đại biểu Quốc hội nghe trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo

Quảng cáo rao vặt

Có ý kiến đề nghị bổ sung, hoàn thiện quy định về quảng cáo rao vặt, trong đó xác định rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc bố trí địa điểm quảng cáo rao vặt. Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã bổ sung quảng cáo rao vặt trong nội dung quy hoạch quảng cáo ngoài trời (khoản 1 Điều 37), đồng thời, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung trách nhiệm của UBND cấp tỉnh đối với hoạt động quảng cáo rao vặt trên địa bàn trong văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành luật.

Về cơ bản, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo đã bảo đảm đúng mục tiêu sửa đổi Luật, không có nội dung lớn còn ý kiến khác nhau giữa Cơ quan chủ trì soạn thảo, Cơ quan chủ trì thẩm tra và các cơ quan liên quan. Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện gồm 03 điều, đã sửa đổi, bổ sung 23 điều, bãi bỏ 01 điều và 07 điểm, khoản của Luật Quảng cáo năm 2012, tăng 05 điều sửa đổi, bổ sung so với dự thảo trình tại Kỳ họp thứ 8./.

Anh Thư - Hoàng Quỳnh

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=94002
Zalo