Dự thảo Luật Nhà giáo quy định tường minh hơn về tạo nguồn giáo viên

Dự thảo Luật Nhà giáo quy định tường minh hơn về đào tạo nhà giáo, trong đó quan tâm đến đào tạo nguồn cả giáo viên và giảng viên.

Dự thảo Luật Nhà giáo quy định tường minh hơn về đào tạo nhà giáo. Ảnh: giaoducthoidai.vn

Dự thảo Luật Nhà giáo quy định tường minh hơn về đào tạo nhà giáo. Ảnh: giaoducthoidai.vn

Quan tâm đào tạo nguồn giáo viên

Đào tạo nguồn giáo viên, giảng viên là quá trình giúp người học đạt kiến thức, kỹ năng, phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu chuẩn nghề nghiệp nhà giáo.

Đào tạo nguồn giáo viên do cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng thực hiện thông qua các chương trình đào tạo giáo viên hoặc các chương trình đào tạo cử nhân chuyên ngành phù hợp với môn học, cấp học và chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm. Người trúng tuyển, theo học các chương trình đào tạo giáo viên được hưởng chính sách thu hút, hỗ trợ theo quy định của Chính phủ.

Đào tạo nguồn giảng viên do cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng thực hiện thông qua việc tuyển dụng ứng viên có năng lực và phẩm chất phù hợp với nghề dạy học, đã có bằng cử nhân trở lên hoặc văn bằng trình độ tương đương ở chuyên ngành đó.

Người được đào tạo trở thành giảng viên được hưởng các chính sách thu hút, hỗ trợ theo quy định của Chính phủ và các chính sách theo quy chế của cơ sở giáo dục.

Quy định cụ thể về nội dung, hình thức hợp tác quốc tế về nhà giáo

Hợp tác quốc tế về nhà giáo là việc nhà giáo Việt Nam tham gia học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học, trao đổi học thuật, các hoạt động hợp tác quốc tế khác với các cơ sở giáo dục, tổ chức của nước ngoài; nhà giáo người nước ngoài tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật và các hoạt động hợp tác quốc tế khác với các cơ sở giáo dục, tổ chức của Việt Nam.

Dự thảo Luật Nhà giáo quy định cụ thể về hình thức hợp tác quốc tế về nhà giáo như trao đổi, đào tạo, bồi dưỡng, tiếp nhận nhà giáo, việc nhà giáo Việt Nam ra nước ngoài và nhà giáo nước ngoài đến Việt Nam để giảng dạy, nghiên cứu khoa học, trao đổi học thuật…

 Ảnh: giaoducthoidai.vn.

Ảnh: giaoducthoidai.vn.

Khẳng định vai trò chủ trì trong quản lý nhà nước về nhà giáo

Theo dự thảo Luật Nhà giáo, Bộ GD&ĐT và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện việc quản lý nhà nước về nhà giáo và có các nhiệm vụ, quyền hạn. Cụ thể:

Thứ nhất, xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về nhà giáo;

Thứ hai, chủ trì phối hợp với Bộ Nội vụ, các bộ, cơ quan ngang bộ, ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng chiến lược, đề án, kế hoạch phát triển, tổng biên chế đội ngũ nhà giáo thuộc thẩm quyền quản lý trình cấp có thẩm quyền quyết định;

Thứ ba, chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, ủy ban nhân dân cấp tỉnh điều phối biên chế nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập theo số lượng được cơ quan có thẩm quyền giao;

Thứ tư, quy định chế độ làm việc, tiêu chuẩn cụ thể, phương thức tuyển dụng, đánh giá đối với nhà giáo;

Thứ năm, ban hành chương trình và quản lý việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo;

Thứ sáu, quản lý công tác hợp tác quốc tế đối với nhà giáo;

Thứ bảy, xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu, thống kê về nhà giáo;

Thứ tám, thanh tra, kiểm tra trách nhiệm quản lý nhà nước về nhà giáo;

Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng quy định rõ cơ quan chuyên môn chủ trì, tham mưu giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, UBND cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về nhà giáo gồm: Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội.

Minh Phong

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/du-thao-luat-nha-giao-quy-dinh-tuong-minh-hon-ve-tao-nguon-giao-vien-post706779.html
Zalo