Dự thảo Luật Nhà giáo: Giáo viên sẽ được hưởng phụ cấp thâm niên?

Điều 43 dự thảo Luật Nhà giáo lần 3 quy định nhà giáo ở cơ sở giáo dục công lập được hưởng phụ cấp thâm niên. Tuy nhiên, khi Nhà nước trả lương theo vị trí việc làm thì khoản phụ cấp này sẽ bị cắt.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo Luật Nhà giáo lần 3. Đáng chú ý, khoản 1 Điều 43 quy định nhà giáo ở cơ sở giáo dục công lập được hưởng lương và phụ cấp như sau:

a) Lương theo bảng lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp;

b) Phụ cấp thâm niên;

c) Phụ cấp ưu đãi nghề cao nhất trong các ngành, lĩnh vực được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề;

d) Phụ cấp khác theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, căn cứ theo nội dung cải cách phụ cấp tại điểm d khoản 3.1 Mục II Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018, đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (khu vực công) khi thực hiện cải cách tiền lương sẽ không còn phụ cấp thâm niên nghề.

Do đó, đối với giáo viên, khi cải cách tiền lương (dự kiến năm 2026) được thực hiện sẽ bị cắt bỏ phụ cấp thâm niên nghề. Điều này khiến nhiều giáo viên băn khoăn, nhất là những thầy cô giáo có thâm niên công tác khoảng từ 10 năm trở lên.

Ví dụ: Giáo viên trung học phổ thông hạng III lương bậc 6 (3,99) có 15 năm thâm niên thì hiện nay sẽ được nhận thêm khoảng 1,8 triệu đồng/tháng. Nếu bỏ khoản phụ cấp này thì giáo viên bị mất một khoản thu nhập đáng kể.

Mặc dù vậy, căn cứ theo Mục II Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018, về cơ bản, việc cải cách tiền lương sẽ không làm giảm lương.

Cụ thể, lương của cán bộ, công chức, viên chức (trong đó có giáo vên) và lực lượng vũ trang trong khu vực công sau cải cách sẽ đảm bảo không thấp hơn tiền lương hiện hưởng.

Đồng thời, tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Chính phủ cho biết, từ năm 2025 trở đi, tiếp tục điều chỉnh tiền lương tăng bình quân 7%/năm đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang cho đến khi mức lương thấp nhất bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất vùng I của khu vực doanh nghiệp.

Theo đó, đối với giáo viên là viên chức, dự kiến từ năm 2025, lương giáo viên sẽ được tăng bình quân 7% mỗi năm, cho đến khi mức lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất vùng I của khu vực doanh nghiệp.

Ngoài ra, theo dự thảo Luật Nhà giáo lần 3, Nhà nước có chính sách hỗ trợ nhà giáo trẻ; nhà giáo công tác ở vùng khó khăn; nhà giáo dạy trường chuyên biệt, nhà giáo dạy trẻ khuyết tật, nhà giáo dạy tiếng dân tộc thiểu số, nhà giáo dạy tăng cường tiếng Việt cho học sinh người dân tộc thiểu số, dạy các môn năng khiếu, nghệ thuật (Điều 44).

Chính sách hỗ trợ nhà giáo gồm: nhà ở, chế độ phụ cấp, chế độ trợ cấp, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, chăm sóc sức khỏe định kỳ, chăm sóc sức khỏe nghề nghiệp và các chế độ khác bảo đảm an sinh xã hội cho nhà giáo.

Nhà nước có chính sách thu hút nhà giáo về công tác và công tác lâu dài ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, các xã đảo, hải đảo, xã biên giới, xã an toàn khu theo quy định của Chính phủ (Điều 45).

Chính sách thu hút nhà giáo gồm: chính sách ưu tiên tuyển dụng, vay mua nhà ở, chế độ phụ cấp và trợ cấp thu hút, chính sách đào tạo, bồi dưỡng và các chế độ khác cho nhà giáo.

Ngoài ra, Điều 46 dự thảo Luật Nhà giáo lần 3 còn quy định quỹ khuyến khích, phát triển đội ngũ nhà giáo. Theo đó, quỹ khuyến khích, phát triển đội ngũ nhà giáo là quỹ không vì lợi nhuận; dùng để hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo; hỗ trợ nhà giáo có hoàn cảnh khó khăn; khen thưởng, tôn vinh nhà giáo.

Ly Hương

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/du-thao-luat-nha-giao-giao-vien-se-duoc-huong-phu-cap-tham-nien-179240811103321285.htm
Zalo