Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản: Kỳ vọng tạo đà phát triển bền vững ngành khai khoáng

Hệ thống pháp luật về địa chất và khoáng sản có tính khoa học, toàn diện, thực tiễn sẽ loại đạt được mục tiêu phát triển bền vững của ngành công nghiệp khai khoáng theo đúng yêu cầu của Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị.

 Luật Địa chất và Khoáng sản được trình xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, vào tháng 10/2024 tới sẽ tháo gỡ “thế khó” trong công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản.

Luật Địa chất và Khoáng sản được trình xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, vào tháng 10/2024 tới sẽ tháo gỡ “thế khó” trong công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản.

Theo thống kê năm 2022, lĩnh vực khai khoáng đóng góp khoảng 2,8% GDP. Tuy nhiên, tỷ trọng xuất khẩu khoáng sản thô còn khá lớn, chiếm khoảng 8% tổng kim ngạch thương mại.

Đóng góp của ngành công nghiệp khai khoáng trong nền kinh tế trong thời gian qua là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, công nghiệp khai khoáng của Việt Nam chưa phát triển hết tiềm năng. Chúng ta mới chỉ tập trung khai thác mà chưa có đủ công nghệ cũng như năng lực để đầu tư chế biến nhiều loại khoáng sản kim loại.

Một số loại khoáng sản mang tính chiến lược, như đất hiếm vẫn chưa được khai thác để mang lại hiệu quả kinh tế, đối ngoại cho đất nước. Việc khai thác xuống sâu, khai thác ngầm nhiều loại khoáng sản còn gặp nhiều khó khăn.

Với những điểm mới của dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản cho thấy, sẽ tháo gỡ được những bất cập trong công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản. Trong đó nổi bật là có một chương mới về quản lý cát, sỏi, lòng sông, lòng hồ và khu vực biển. Chương này quy định mới, Luật hóa quy định Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24/02/2020 của Chính phủ quy định về cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông; quy định mới về quản lý cát ở vùng biển. Theo đó, quy định nguyên tắc của hoạt động thăm dò, khai thác; Hoạt động thu hồi cát, sỏi lòng sông, lòng hồ và ở khu vực biển; Quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân khai thác; Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân thu hồi cát, sỏi.

Một trong những quy định mới là tổ chức, cá nhân thu hồi cát, sỏi lòng sông, lòng hồ, khu vực biển trong quá trình nạo vét được thu hồi, sử dụng, tiêu thụ cát, sỏi thông qua hoạt động nạo vét, duy tu vùng nước cảng nội địa, vùng nước đường thủy nội địa, hồ chứa, khu vực cửa sông, cửa biển, khu vực tránh, trú bão, khu neo đậu tàu, thuyền theo dự án, kế hoạch được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Với quy định như vậy sẽ thắt chặt về công tác quản lý trong hoạt động cát, sỏi; đảm bảo công tác cấp phép và hoạt động thăm dò, khai thác cát, sỏi được thực hiện đúng quy định, tránh nguy cơ thất thoát tài nguyên, ổn định lòng sông, bờ sông, lòng hồ, khu vực biển, đảm bảo về môi trường và nguyên vật liệu cho các dự án công trình phát triển kinh tế - xã hội.

Với quy định phân nhóm khoáng sản để thực hiện quản lý khoáng sản theo nhóm; phân cấp mạnh cho địa phương cấp tỉnh; cải cách hành chính; tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo sản lượng kinh tế hàng năm; sử dụng vốn ngân sách Nhà nước để thăm dò khoáng sản chiến lược...

Đáng chú ý, về cải cách thủ tục hành chính, dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản có 23 thủ tục. Trong số này, 18 thủ tục được kế thừa từ hệ thống văn bản pháp luật về khoáng sản hiện hành, 5 thủ tục mới (bao gồm điều chỉnh giấy phép thăm dò; cấp lại giấy phép thăm dò; điều chỉnh giấy phép khai thác; cấp lại giấy phép khai thác; điều chỉnh đề án đóng cửa mỏ) nhằm giải quyết các yêu cầu thực tiễn trong công tác quản lý và để tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản. Các thủ tục hành chính đã được rà soát, đơn giản tối đa trình tự, thủ tục giải quyết. Ví dụ, đối với khoáng sản nhóm IV, thay vì phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép thăm dò, giấy phép khai thác thì chỉ cần thực hiện đăng ký khai thác khoáng sản (cắt giảm 90% thời gian và kinh phí cho doanh nghiệp).

Như vậy, việc phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong việc cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản theo từng nhóm sẽ giúp cho địa phương có thẩm quyền và chủ động trong việc cấp phép theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt, phù hợp với quy hoạch chung của địa phương.

Một điểm mới nổi bật khác của Dự án Luật Địa chất và Khoáng sản là bổ sung quy định tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo hướng “tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo sản lượng khai thác thực tế hàng năm” sẽ giúp nhà đầu tư không mất khoản chi phí lớn tại thời điểm bắt đầu triển khai dự án. Việc quyết toán tiền theo sản lượng thực tế sẽ công bằng hơn về vấn đề chênh lệnh giữa trữ lượng thăm dò sản với sản lượng thực tế. Điều này sẽ có lợi cho nhà đầu tư cũng như Nhà nước khi trữ lượng khai thác có thể không chính xác lúc khảo sát, thăm dò. Đồng thời, sẽ khắc phục được hạn chế của quy định cũ là tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản dựa trên trữ lượng khoáng sản được phê duyệt, mà trữ lượng này thường hay bị sai số.

Để đảm bảo Luật Địa chất và Khoáng sản mới được phát huy hiệu quả cao nhất; góp phần nâng cao chất lượng quản lý, phát huy hiệu quả nguồn lực tài nguyên khoáng sản cũng như chống lãng phí, thất thoát tài nguyên khoáng sản quốc gia, cần nghiên cứu, bổ sung vào dự thảo Luật nội dung về đấu thầu dự án khai thác khoáng sản để lựa chọn nhà đầu tư và chỉnh lý các nội dung liên quan về đấu giá quyền khai thác khoáng sản để bảo đảm thực hiện công bằng đối với các nhà đầu tư, mang lại hiệu quả kinh tế cho nhà nước, người dân và doanh nghiệp, địa phương, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững; Nghiên cứu chỉnh lý, bổ sung quy định mở rộng đấu giá quyền khai thác khoáng sản để giảm bớt tiêu cực, nhũng nhiễu; tăng hiệu quả trong khai thác, sử dụng khoáng sản; tăng thu cho ngân sách.

Phó Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam Mai Thế Toản nhấn mạnh, pháp luật sẽ khó đi vào cuộc sống nếu như năng lực thực thi không đáp ứng. Do vậy, Nhà nước cần có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước từ khâu lập quy hoạch đến cấp phép, đóng cửa mỏ, bảo đảm giảm thiểu tất cả các tác động tiêu cực, rủi ro, sự cố về môi trường và xã hội có thể xảy ra trong suốt vòng đời của dự án khai thác mỏ và sau khi đóng cửa mỏ.

Ngoài ra, các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản cần quan tâm áp dụng các công nghệ, giải pháp thân thiện môi trường (tiết kiệm năng lượng, tái sử dụng chất thải như đất đá thải, quặng đuôi) và thực hiện tốt các trách nhiệm, nghĩa vụ theo luật định. Hệ thống pháp luật về địa chất và khoáng sản có tính khoa học, toàn diện, thực tiễn và được tuân thủ nghiêm minh sẽ loại trừ được những bất cập liên quan đến hoạt động địa chất, khoáng sản như hiện nay.

Hệ thống pháp luật về địa chất và khoáng sản có tính khoa học, toàn diện, thực tiễn và được tuân thủ nghiêm minh sẽ loại trừ được những bất cập liên quan đến hoạt động địa chất, khoáng sản như hiện nay. Với sự vào cuộc có trách nhiệm của tất cả các bên có liên quan, từng bước chúng ta sẽ đạt được mục tiêu phát triển bền vững của ngành công nghiệp khai khoáng theo đúng yêu cầu của Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Theo dự kiến kế hoạch xây dựng Luật Địa chất và Khoáng sản, Quốc hội sẽ cho ý kiến đối với hồ sơ dự án Luật tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) và xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024). Theo tiến độ này, chỉ chưa đầy 2 tháng nữa, Luật Địa chất và Khoáng sản dự kiến sẽ được thông qua. Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tập trung hoàn thiện Dự thảo theo ý kiến góp ý của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, các bộ, ngành, địa phương, nhà quản lý, nhà khoa học...

Duy Khánh

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/du-thao-luat-dia-chat-va-khoang-san-ky-vong-tao-da-phat-trien-ben-vung-nganh-khai-khoang-92134.html
Zalo