Dự thảo chuẩn năng lực của GV dạy học bằng ngoại ngữ: Nhiều thầy cô khó đạt
Theo dự thảo Nghị định quy định việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài trong cơ sở giáo dục, có bổ sung quy định về năng lực ngoại ngữ tối thiểu của giáo viên.
Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành liên quan xây dựng dự thảo Nghị định quy định việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài trong cơ sở giáo dục, để trình Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Dự thảo có một số điều bổ sung và chỉnh sửa so với Quyết định số 72/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét và nghiên cứu tình hình thực tiễn 10 năm vừa qua.
Đây sẽ là một “cú hích” để các cơ sở giáo dục - đào tạo quan tâm đầu tư nhiều hơn vào chất lượng dạy và học bằng tiếng nước ngoài, nhưng cũng là thách thức với những địa phương, khi chưa có nhiều giáo viên đạt tiêu chuẩn năng lực ngoại ngữ.
Còn nhiều giáo viên chưa đạt chuẩn năng lực ngoại ngữ như dự thảo
Trong dự thảo Nghị định quy định việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài trong cơ sở giáo dục, yêu cầu về chuẩn năng lực ngoại ngữ của giáo viên khiến nhiều cơ sở đào tạo giáo dục đặc biệt quan tâm.
Cụ thể, ở Điều 5, Chương 1, quy định về năng lực ngoại ngữ: Giáo viên tiểu học, trung học cơ sở phải có năng lực ngoại ngữ tối thiểu bậc 4, giáo viên trung học phổ thông phải có năng lực ngoại ngữ tối thiểu bậc 5 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Văn Hưng - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi) cho biết, thành phố hiện có 1.891 giáo viên phổ thông, trong đó, có 179 giáo viên dạy học ngoại ngữ.
“Hiện tại, các giáo viên ngoại ngữ trên địa bàn thành phố có năng lực ngoại ngữ tối thiểu bậc 4 đạt 100%. Số giáo viên dạy các bộ môn còn lại chủ yếu có năng lực ngoại ngữ bậc 1, bậc 2. Như vậy, hiện tại, ở địa phương, năng lực của đội ngũ giáo viên giảng dạy không đáp ứng đủ những tiêu chí về trình độ trong dự thảo, nếu triển khai chương trình dạy học một số bộ môn bằng tiếng nước ngoài” - thầy Hưng cho biết thêm.
Để tăng cường năng lực dạy học bằng tiếng nước ngoài, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Quảng Ngãi trên cơ sở đề án các trường đang tiến hành rà soát năng lực ngoại ngữ của đội ngũ giáo viên, tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, nhằm từng bước đáp ứng nhu cầu theo kế hoạch đề ra.
Đây cũng là nỗi lo chung của nhiều trường phổ thông, đặc biệt với các trường ở vùng khó trên cả nước.
Thầy Hoàng Đình Thông - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Tố Hữu (thuộc xã có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) chia sẻ: “Chất lượng đội ngũ giáo viên nhà trường còn hạn chế về nhiều mặt, chất lượng giáo dục toàn diện chưa đồng bộ giữa các bộ môn. Trong đó, đặc biệt đối với môn ngoại ngữ, thiếu giáo viên bộ môn nên ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả học tập của học sinh.
Chất lượng dạy học bộ môn chưa cao, tỉ lệ học sinh Khá, Giỏi ít, tỉ lệ học sinh Yếu, Kém còn nhiều. Đa số học sinh từ bậc học dưới còn e ngại khi học ngoại ngữ và bị “hổng” kiến thức cơ bản, rất yếu về 4 kỹ năng học tập bộ môn đặc biệt là kỹ năng nói và đọc.
Việc thi tốt nghiệp trung học phổ thông hằng năm thường chỉ thực hiện theo hình thức trắc nghiệm, điều này chi phối đến việc dạy của giáo viên, phần nào đã xem nhẹ các kỹ năng khác. Ngoài ra, phương tiện, thiết bị dạy học chưa đồng bộ, còn thiếu so với yêu cầu thực tế giảng dạy”.
“Trước yêu cầu cấp bách về tăng cường triển khai thực hiện nhiệm vụ dạy và học ngoại ngữ, Trường Trung học phổ thông Tố Hữu có chỉ đạo tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng năm học/tháng/tuần học cụ thể, thực hiện nghiêm túc nội dung chương trình dạy học ngoại ngữ.
Bên cạnh đó, các giáo viên nhà trường cũng đang được bồi dưỡng ngoại ngữ định kỳ, với mục tiêu không chỉ dạy tốt môn ngoại ngữ mà có thể tiếp cận với việc dạy các môn khoa học bằng tiếng Anh.
Dựa vào nguồn tài chính của nhà trường và các nguồn đóng góp xã hội hóa, trường từng bước tăng cường cơ sở vật chất dạy và học ngoại ngữ theo lộ trình thực hiện kế hoạch. Đồng thời, xây dựng phòng học bộ môn, phòng nghe nhìn, phòng đa phương tiện, trang bị thiết bị, đồ dùng dạy học, trang bị đủ sách giáo khoa, sách giáo viên, sách tham khảo cho giáo viên; bổ sung thêm đầu sách tham khảo cho thư viện nhà trường. Cạnh đó, phòng Internet công cộng thường xuyên mở cửa tạo điều kiện cho học sinh khai thác thông tin học tập trên mạng” - thầy Thông nhấn mạnh.
Cần khắc phục chênh lệch năng lực ngoại ngữ giữa các vùng miền
Theo thầy Nguyễn Trọng Hoàn - Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An, việc dạy và học tiếng Anh đang có sự chênh lệch khá lớn giữa các vùng miền. Đối với khu vực miền núi cao, bậc tiểu học đang thiếu giáo viên tiếng Anh trầm trọng.
Theo đó, thầy Hoàn cho biết: “Khâu tuyển dụng giáo viên, nhất là giáo viên cho các huyện miền núi đang là vấn đề cấp thiết nhất. Công tác tuyển dụng được thực hiện theo kế hoạch phê duyệt, trong đó, chính sách ưu tiên cho sinh viên tốt nghiệp xuất sắc hoặc có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế. Khi đã tuyển đủ, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ có kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao năng lực giảng dạy cho giáo viên để đáp ứng được yêu cầu trong dự thảo.
Trong bối cảnh việc dạy và học tiếng Anh đang có chênh lệch khá lớn giữa các vùng miền, Sở sẽ tập trung xây dựng đội ngũ giáo viên tình nguyện, có tinh thần phục vụ cộng đồng, để hỗ trợ các cơ sở giáo dục vùng đặc biệt khó khăn, nhất là các huyện miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Bên cạnh đó, tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh chuyển đổi số, triển khai giáo án điện tử, xây dựng kho học liệu dạy học tiếng Anh, để giúp học sinh, đặc biệt là học sinh các huyện miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận và học với các giáo viên có chất lượng đạt chuẩn quốc tế”.
Theo thầy Hoàn, từ năm 2020, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành đề án “Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030”.
Sau 4 năm triển khai đồng bộ các giải pháp, kết quả dạy học ngoại ngữ tại Nghệ An đạt được nhiều tín hiệu tích cực cả về mũi nhọn lẫn đại trà. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025, có 50% trường phổ thông đủ điều kiện để triển khai thực hiện chương trình tiếng Anh tăng cường theo nhu cầu của học sinh, phụ huynh.
Các cơ sở giáo dục chủ động phối hợp với các trung tâm ngoại ngữ có người nước ngoài, để xây dựng các chương trình tiếng Anh tăng cường, với cam kết chuẩn đầu ra theo từng lớp học, cấp học, đồng thời công bố công khai cho học sinh, phụ huynh và cộng đồng được biết, để cùng giám sát chất lượng. Bên cạnh đó, Sở chỉ đạo việc dạy học ngoại ngữ tăng cường độc lập với việc kiểm tra, đánh giá thi và cấp chứng chỉ quốc tế cho người học. Song song với đó, sẽ tăng cường công tác chỉ đạo các hoạt động dạy học, đánh giá học sinh, theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực.
Xây dựng các sân chơi, môi trường trải nghiệm tiếng Anh cho học sinh, tổ chức các câu lạc bộ dạy tiếng Anh cho người dân tại các trung tâm học tập cộng đồng, nhất là các địa phương có tiềm năng phát triển du lịch, được tiếp xúc, được học tập với giáo viên tiếng Anh là người nước ngoài, góp phần tạo hứng thú trong việc học ngoại ngữ.
Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở giáo dục tập trung bồi dưỡng, bố trí sắp xếp sử dụng hợp lý đội ngũ giáo viên tiếng Anh của trường đạt chuẩn quốc tế, tham gia giảng dạy chương trình tiếng Anh tăng cường của nhà trường hoặc các cơ sở giáo dục khác trên địa bàn, nhằm tạo động lực cho giáo viên và góp phần nâng cao đời sống vật chất, tạo phong trào thi đua dạy học tiếng Anh trên địa bàn toàn tỉnh.
Phải hoàn thiện sớm Đề án dạy học bằng tiếng nước ngoài
Không chỉ tăng cường dạy học môn ngoại ngữ, dự thảo “Nghị định quy định việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài trong cơ sở giáo dục” còn có nội dung: “Cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông của Việt Nam có thể được dạy và học một số môn học, hoạt động giáo dục hoặc một số nội dung của một số môn học, hoạt động giáo dục bằng tiếng nước ngoài, ưu tiên đối với các môn học thuộc các lĩnh vực Toán học, Khoa học tự nhiên, Công nghệ và Tin học”.
Điều này hoàn toàn phù hợp với tinh thần Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị: “Tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học”.
Tuy nhiên, theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Quảng Ngãi, cho đến nay, chưa có bất kỳ đơn vị, cơ sở giáo dục nào tại địa phương trình Đề án tổ chức thực hiện chương trình dạy và học bằng tiếng nước ngoài.
Do chương trình và tài liệu dạy và học bằng tiếng nước ngoài không có, việc tổ chức kiểm tra đánh giá đối với từng chương trình cụ thể chưa có cơ sở pháp lý.
Thầy Nguyễn Văn Hưng chia sẻ: “Tôi cho rằng, giảng dạy bằng tiếng nước ngoài là một mô hình tổ chức giảng dạy đặc biệt, cần có quy định cụ thể, rõ ràng về định mức tiết dạy, chế độ đối với giáo viên và học bổng đối với học sinh (tương tự như quy định đối với giáo viên và học sinh trường chuyên); hỗ trợ toàn bộ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng năng lực ngoại ngữ đối với giáo viên khi tham gia”.
Để thúc đẩy các cơ sở giáo dục nhanh chóng trình Đề án tổ chức dạy và học bằng tiếng nước ngoài, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Quảng Ngãi sẽ xem xét, khảo sát nhu cầu dạy và học tiếng nước ngoài tại các cơ sở giáo dục phổ thông để các trường có cơ sở xây dựng Đề án.
Theo thầy Hưng, trong thời gian tới, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố sẽ chủ động lựa chọn một số đơn vị (cấp trung học cơ sở) có đội ngũ giáo viên và học sinh có năng lực về ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu dạy và học ngoại ngữ để triển khai để xây dựng Đề án tổ chức dạy một số môn ưu tiên (Toán, Khoa học tự nhiên, Công nghệ và Tin học).
Thầy Hưng cũng cho hay: “Việc tổ chức dạy và học bằng tiếng nước ngoài trong các cơ sở giáo dục sẽ phụ thuộc vào chương trình quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; mặt khác, các điều kiện tổ chức dạy và học bằng tiếng nước ngoài (theo Chương II của dự thảo) đòi hỏi có tính hệ thống và tầm nhìn lâu dài.
Đồng thời, ở cấp tiểu học hiện nay có 5 khối lớp, trung học cơ sở có 4 khối lớp, việc xây dựng Đề án phải có tầm nhìn bao quát để đánh giá kết quả thực hiện trong một quá trình.
Do đó, Quyết định phê duyệt Đề án tổ chức dạy và học bằng tiếng nước ngoài có hiệu lực trong 5 năm kể từ ngày ký là phù hợp với quy định, với thực tế và phù hợp với quá trình tổ chức dạy và học tại cơ sở”.
“5 năm/lần để đánh giá lại kết quả thực hiện Đề án, vừa là cơ sở để rà soát các điều kiện thực hiện theo quy định tại Điều 4 đến Điều 9 (dự thảo) để bổ sung thay đổi cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương là cần thiết. Căn cứ Khoản 1, 2, 3 Điều 13 (dự thảo) quy định rất chi tiết và cụ thể, tôi cho rằng, sẽ không có khó khăn gì trong việc thực hiện gia hạn Đề án 5 năm/lần” - thầy Nguyễn Văn Hưng bày tỏ.