Dự phòng rủi ro ngân hàng trái chiều quý đầu năm
Nợ xấu có xu hướng tăng nhẹ, song các ngân hàng giảm mạnh dự phòng rủi ro nhằm thu hẹp khoảng cách sụt giảm lợi nhuận trong quý đầu năm 2025.
Giảm mạnh dự phòng
Trong quý I/2025, Vietcombank đã cắt giảm hơn 50% chi phí dự phòng rủi ro so với cùng kỳ năm trước, giúp lợi nhuận trước thuế tăng nhẹ 1,3%, đạt 10.860 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế ở mức 8.702 tỷ đồng, tăng 1,3%, Vietcombank tiếp tục giữ vững vị trí quán quân lợi nhuận của ngành ngân hàng, bỏ xa các đối thủ còn lại.
Xét về cơ cấu, thu nhập lãi thuần của Vietcombank đạt 13.687 tỷ đồng, giảm 2,8% so với cùng kỳ, do mức tăng của thu nhập lãi (tăng 2,31%) của Ngân hàng khiêm tốn hơn so với mức tăng của chi phí lãi (tăng 9,52%). Ở chiều ngược lại, mảng kinh doanh ngoài lãi đem lại kết quả khả quan, khi thu về 3.578 tỷ đồng, tăng 11,72% so với cùng kỳ.
Từ những kết quả trên, trong quý I/2025, tổng thu nhập hoạt động của Vietcombank đi ngang so với cùng kỳ, trong khi tổng chi phí tăng 11,8%, do đó thu hẹp lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh, giảm 5%, đạt 11.612 tỷ đồng. Việc cắt 50,1% chi phí dự phòng rủi ro so với cùng kỳ giúp Vietcombank vẫn ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng trưởng dương so với cùng kỳ. Số dư nợ xấu tăng 7,7%, lên mức 15.036 tỷ đồng, kéo theo tỷ lệ nợ xấu/dư nợ vay tăng từ 0,96% lên 1,03%.
Sau 3 tháng đầu năm, VietinBank lãi trước thuế 6.823 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế ở mức 5.499 tỷ đồng, tăng gần 10%. Thu nhập lãi thuần của Ngân hàng tăng 2% khi mức tăng thêm của thu nhập lãi tăng trội hơn so với chi phí lãi. Đồng thời, thu nhập ngoài lãi của Ngân hàng ghi nhận mức tăng gần 28%, mang về 4.978 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, lãi từ hoạt động dịch vụ của VietinBank giảm 9,5%, đạt 1.611 tỷ đồng, lãi từ kinh doanh ngoại hối giảm hơn 32%, từ 1.344 tỷ xuống còn 913 tỷ đồng. Trong quý I/2025, tổng thu nhập hoạt động của Ngân hàng tăng 7,3%, trong khi tổng chi phí tăng gần 15%, do đó thu hẹp lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh, chỉ tăng khiêm tốn 4,7%, đạt 14.934 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, chi phí dự phòng rủi ro của VietinBank dường như đi ngang so với cùng kỳ, do đó nới rộng mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế so với cùng kỳ năm trước. Số dư nợ xấu tính đến cuối quý I tăng 31%, lên mức 27.971 tỷ đồng, kéo theo tỷ lệ nợ xấu lên 1,55%.
Thu hẹp khoảng cách lợi nhuận
Chi phí dự phòng rủi ro của Techcombank giảm 10% trong quý đầu năm nay, chỉ trích gần 1.100 tỷ đồng. Vì thế, Ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 7.236 tỷ đồng, giảm 7,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, số dư nợ xấu tăng 9,6% so với đầu năm, kéo theo tỷ lệ nợ xấu tăng nhẹ (tính bằng nợ nhóm 3, 4 và 5 chia tổng cho vay khách hàng) ở mức 1,17% - vẫn là mức thấp so với quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Trong quý I/2025, TPBank giảm 59% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, chỉ còn trích gần 490 tỷ đồng. Theo đó, lợi nhuận trước thuế đạt gần 2,109 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ. Nhưng đi cùng xu hướng chung của toàn hệ thống, tổng nợ xấu tính đến ngày 31/3 của Ngân hàng là gần 5,971 tỷ đồng, tăng 57% so với đầu năm, tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tăng từ mức 1,52% đầu năm lên 2,27%.
Trong khi đó, ACB tăng 22% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, trích hơn 626 tỷ đồng trong quý I/2025. Kết quả, Ngân hàng giảm 6% lãi trước thuế, còn gần 4,597 tỷ đồng, chủ yếu do Ngân hàng chủ động thực hiện các chương trình ưu đãi lãi suất hỗ trợ khách hàng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Dù lợi nhuận giảm nhẹ, ACB vẫn duy trì tỷ lệ ROE (lợi nhuận/vốn chủ sở hữu) ở mức cao trên 20%.
Tại Saigonbank, dù tín dụng tăng trưởng âm, song nợ xấu lại đi lùi, số dư nợ xấu (từ nhóm 3 đến nhóm 5) ở mức 685 tỷ đồng, tăng gần 18% so với cuối năm trước, kéo theo tỷ lệ nợ xấu tăng từ 2,66% lên mức 3,28%. Vì vậy, Saigonbank trích hơn 66 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng trong quý đầu năm nay, gấp gần 10 lần so với cùng kỳ. Song nhà băng này vẫn báo lãi trước thuế tăng 44%, lên hơn 98 tỷ đồng, đạt 33% kế hoạch đề ra.
Tổng nợ xấu tính đến ngày 31/3/2025 của PGBank tăng 16%, lên 1,229 tỷ đồng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng mạnh nhất 48%. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu/dư nợ vay tăng từ 2,57% đầu năm lên 2,71%. PGBank dành gần 147 tỷ đồng để dự phòng rủi ro, gấp 3,5 lần cùng kỳ, nên chỉ còn gần 96 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 17%.
Thực tế cho thấy, bộ đệm dự phòng không còn “dày”, nhưng có sự phân hóa rõ nét giữa các ngân hàng. Các ngân hàng tư nhân quy mô nhỏ nhìn chung có bộ đệm dự phòng thấp hơn nhóm các ngân hàng quốc doanh.