Dư nợ tín dụng phục vụ mục tiêu bảo vệ môi trường đạt trên 4,28 triệu tỷ đồng
Việc tận dụng hiệu quả các công cụ tài chính xanh không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, mà còn tăng khả năng nhận thức và thực hành tốt, đáp ứng các tiêu chuẩn yêu cầu ESG.
48 tổ chức tín dụng cho vay tín dụng xanh
Tại Hội thảo “Khơi thông dòng vốn tín dụng xanh” do Báo Lao động phối hợp với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức ngày 25/4, Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết đến ngày 31/12/2024, dư nợ tín dụng phục vụ mục tiêu bảo vệ môi trường đạt trên 4,28 triệu tỷ đồng, chiếm trên 27,4% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.
“Từ chỗ chỉ có 15 tổ chức tín dụng (TCTD) tham gia cho vay xanh vào năm 2017 với dư nợ tín dụng xanh đạt 180 nghìn tỷ, đến 31/12/2024, đã có 48 TCTD cho vay với dư nợ tín dụng xanh đạt gần 680 nghìn tỷ đồng, tăng 9,5% so với cuối năm 2023.
Vốn cho vay tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm hơn 41%) và nông nghiệp xanh (trên 29%)”, Phó Thống đốc nói.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Hải Nguyễn.
Ông Vương Thành Long, Phó Trưởng Khối Kinh doanh vốn và tiền tệ, Ngân hàng BIDV, cho hay, theo lộ trình đến năm 2035, BIDV sẽ không còn dư nợ cho vay các dự án nhiệt điện, điện than.
“BIDV triển khai các gói tín dụng đi kèm dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật và các chính sách ưu đãi nhằm giải quyết những khó khăn thực tế mà nhiều doanh nghiệp gặp phải trong việc đáp ứng các tiêu chí ESG. Chúng tôi kết hợp cung cấp vốn với tư vấn kỹ thuật chuyên sâu, giúp doanh nghiệp lập báo cáo bền vững, kiểm kê phát thải khí nhà kính và hoàn thiện các chứng nhận xanh”, ông Vương Thành Long nói.
Phó Tổng Giám đốc Agribank Phùng Thị Bình chia sẻ, trong sản xuất nông nghiệp cần sản xuất theo chuỗi giá trị, tiêu biểu như Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại ĐBSCL do Agribank là ngân hàng chủ lực cho vay.
“Nếu từng thành phần trong chuỗi liên kết vay vốn riêng rẽ, ngân hàng chỉ có thể giảm lãi suất 1%. Nhưng nếu toàn bộ chuỗi cùng vay tại một ngân hàng, lãi suất có thể giảm tới 2%/năm”, bà Bình nói.
Do đó, nhiều dự án ngân hàng không thể cho vay vì vướng mắc những quy định của pháp luật về tài sản đảm bảo.
Để dòng vốn tín dụng xanh thực sự lan tỏa
Theo Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, việc xây dựng chính sách và tiêu chí thống nhất về tín dụng xanh là yêu cầu cấp thiết nhằm phát triển thị trường tài chính bền vững, thúc đẩy doanh nghiệp áp dụng thực hành ESG và huy động hiệu quả nguồn lực toàn xã hội.
Thời gian qua, NHNN đã có nhiều chủ trương và định hướng thúc đẩy phát triển ngân hàng xanh, tín dụng xanh, trong đó có Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh ngành ngân hàng.
Tuy nhiên, theo bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), thực tế triển khai vẫn gặp nhiều khó khăn: từ khung pháp lý, công cụ đánh giá rủi ro, cho đến thời gian hoàn vốn và năng lực tiếp cận vốn của doanh nghiệp.

Bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN. Ảnh: Hải Nguyễn.
Tại hội thảo, đại diện Ngân hàng Vietcombank cho rằng để thực hiện hiệu quả mô hình kinh tế xanh, Việt Nam cần triển khai một loạt giải pháp đồng bộ và toàn diện, trong đó nhấn mạnh sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp, ngân hàng và các tổ chức quốc tế.
Theo đó, để tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc dịch chuyển sang nền kinh tế xanh, cơ quan quản lý cần sớm ban hành Quy định xác nhận dự án xanh (green taxonomy) để các đơn vị liên quan có cơ sở triển khai các cơ chế, chính sách ưu đãi, đầu tư, phát triển dự án xanh.
Đồng thời, sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, chính sách và huy động nguồn lực cho phát triển xanh và bền vững.
Về phía ngân hàng, đại diện Vietcombank đề xuất các ngân hàng cần xây dựng định hướng phát triển chiến lược ngân hàng xanh, ban hành các quy định nội bộ về đánh giá rủi ro môi trường - xã hội, phù hợp với thực hành ESG và tài chính bền vững.
Bên cạnh đó, để khai thác tối đa tiềm năng của thị trường tài chính xanh, cần chủ động rà soát danh mục khách hàng nhằm xác định những đối tượng đáp ứng tiêu chí xanh, cũng như các doanh nghiệp có nhu cầu hoặc bắt buộc phải chuyển đổi từ mô hình “nâu” sang “xanh”.
Đặc biệt, ngân hàng nên tập trung vào các sản phẩm tài trợ chuỗi cung ứng và hệ sinh thái doanh nghiệp, đồng thời xây dựng các gói tài chính ưu đãi nhằm gia tăng thị phần và mang lại lợi ích toàn diện cho khách hàng.