Dư nợ tín dụng bị ảnh hưởng do Yagi và hệ lụy lũ lụt là khoảng 100.000 tỷ đồng
Tại Hội nghị triển khai các giải pháp tín dụng ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 (Yagi) diễn ra ở Hà Nội chiều 20/9, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết: Tính đến thời điểm này, dư nợ của tổ chức tín dụng (TCTD) bị ảnh hưởng do bão lũ, sạt lở là khoảng 100.000 tỷ đồng.
Đây là con số khá lớn, chiếm 5 - 7% dư nợ tại 26 tỉnh, thành phố miền Bắc. Hội nghị triển khai giải pháp chiều 20/9 của NHNN nhằm tìm các hướng tháo gỡ nhanh chóng hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Các TCTD dựa trên nguồn lực, tình hình "sức khỏe" của riêng mình để có các chính sách hỗ trợ phù hợp, giúp người dân ổn định cuộc sống sau thiên tai, bão lũ.
Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, bão số 3 là cơn bão mạnh nhất trong vòng 70 năm qua tại đất liền, là siêu bão với sức tàn phá lớn, ảnh hưởng rộng, khiến 26 địa phương bị ảnh hưởng nặng nề.
Cơn bão đã tác động trực tiếp tới nền kinh tế, theo số liệu thống kê đến ngày 17/9, thiệt hại đối với nền kinh tế là trên 50.000 tỷ đồng, dự báo làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế là 0,15%.
Đối với ngành Ngân hàng, doanh nghiệp, người dân là khách hàng của các TCTD chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão, dẫn đến khó khăn trong việc trả nợ, không đáp ứng các điều kiện vay mới… Con số thống kê cho thấy, dư nợ của TCTD bị ảnh hưởng do bão lũ, sạt lở là khoảng 100.000 tỷ đồng.
Theo Thống đốc, thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều quan tâm, chỉ đạo; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo, vào cuộc quyết liệt để ứng phó, khắc phục hậu quả do bão lũ gây ra. Thủ tướng Chính phủ đã có 10 Công điện, Chính phủ tổ chức Hội nghị với các địa phương để tìm giải pháp khắc phục sau cơn bão.
“NHNN đã vào cuộc khẩn trương, quyết liệt, ngay lập tức ban hành văn bản yêu cầu các TCTD chủ động rà soát dư nợ ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, chủ động thực hiện các giải pháp như miễn giảm lãi, giãn, hoãn nợ… phối hợp với các địa phương để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Ngoài ra, các TCTD cũng đã đóng góp vào công tác an sinh xã hội do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, với gần 40 tỷ đồng”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết.
Bên cạnh đó, các Vụ, Cục chức năng của NHNN cũng đã nhanh chóng vào cuộc, làm việc với các địa phương, TCTD để bàn giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. NHNN cũng đã tổ chức Hội nghị về vấn đề này. Ngày 17/9, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.
Theo Thống đốc, NHNN được giao hai nhiệm vụ.
Một là căn cứ quy định tại Khoản 4 Điều 147 Luật Các TCTD năm 2024 để báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9/2024 về việc phân loại tài sản có, mức trích lập dự phòng rủi ro, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý rủi ro nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, thiệt hại do ảnh hưởng của cơn bão số 3.
Hai là chỉ đạo các TCTD chủ động tính toán phương án hỗ trợ, thực hiện cơ cấu lại thời hạn, giữ nguyên nhóm nợ, xem xét miễn, giảm lãi vay cho các khách hàng bị thiệt hại, xây dựng các chương trình tín dụng mới với lãi suất phù hợp, tiếp tục cho vay mới đối với khách hàng để khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão theo các quy định pháp luật hiện hành.
Tại Hội nghị, ông Phạm Toàn Vượng, Tổng giám đốc Agribank cho biết: Dư nợ cho vay nền kinh tế của Agribank đạt trên 1,6 triệu tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của Agribank đạt trên 1 triệu tỷ đồng (chiếm 62,1% tổng dư nợ), dư nợ cho vay khách hàng cá nhân chiếm 75% đạt gần 1,2 triệu tỷ đồng chủ yếu là cho vay tiêu dùng và sản xuất kinh doanh nông nghiệp nông thôn.
Các khu vực chịu ảnh hưởng của thiên tai (bão, lũ) gồm 25 tỉnh, thành tại địa bàn miền núi cao biên giới; Trung du Bắc Bộ; Hà Nội; Đồng bằng sông Hồng. Tại các khu vực này, Agribank có 75 chi nhánh, với tổng dư nợ cho vay nền kinh tế là gần 640.000 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn tại các khu vực này là chiếm gần 54% (gần 342.000 tỷ đồng).
Theo ông Phạm Toàn Vượng, thống kê sơ bộ, đến thời điểm hiện tại, có 60/75 chi nhánh tại 25 tỉnh, thành phát sinh thiệt hại. Trong đó, gần 15.000 khách hàng vay của ngân hàng với ước tính dư nợ bị ảnh hưởng trên 30.000 tỷ đồng, dư nợ bị thiệt hại dự kiến gần 11.000 tỷ đồng.
Trong đó, cho vay theo Nghị định 55 (lĩnh vực chế biến, nuôi trồng thủy hải sản, trồng trọt, chăn nuôi...) với tổng số khoảng trên 10.700 khách hàng (tổng dư nợ ảnh hưởng trên 5.500 tỷ đồng, tổng dư nợ dự kiến phải cơ cấu nợ là trên 1.700 tỷ đồng).
Đối với các lĩnh vực khác, khách hàng doanh nghiệp dư nợ bị ảnh hưởng tập trung vào các ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt; công nghiệp, chế biến chế tạo; xây dựng; kinh doanh bất động sản; du lịch với tổng số khoảng 260 khách hàng, dư nợ bị thiệt hại dự kiến khoảng 5.500 tỷ đồng; khách hàng cá nhân, dư nợ bị ảnh hưởng tập trung chính ở các ngành kinh doanh bán lẻ, tiêu dùng với trên 7.300 khách hàng, dư nợ bị ảnh hưởng dự kiến trên 2.300 tỷ đồng.
“Riêng tại tỉnh Quảng Ninh, ước tính có hơn 2.000 khách hàng bị ảnh hưởng, tổng dư nợ hơn 6.000 tỷ đồng, trong đó dư nợ dự kiến thiệt hại gần 2.000 tỷ đồng, dư nợ bị ảnh hưởng thuộc đối tượng Nghị định 55 là 650 tỷ đồng. Tại Hải Phòng, có khoảng 300 khách hàng bị ảnh hưởng, tổng dư nợ hơn 3.000 tỷ đồng, trong đó dư nợ bị thiệt hại hơn 1.200 tỷ đồng, dư nợ bị ảnh hưởng thuộc đối tượng Nghị định 55 là trên 500 tỷ đồng”, Tổng giám đốc Agribank cho biết.
Đối với chương trình giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng vay vốn bị thiệt hại do bão số 3, với khoản vay có dư nợ nội bảng, Agribank căn cứ mức độ thiệt hại của khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão số 3 và lũ lụt để điều chỉnh giảm lãi suất từ 0,5%-2%/năm và miễn giảm 100% lãi quá hạn, lãi chậm trả trong thời gian từ ngày 6/9/2024 đến hết ngày 31/12/2024; giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay so với lãi suất cho vay đối với khoản vay phát sinh từ ngày 6/9/2024 đến ngày 31/12/2024.
Thời gian tới, Agribank sẽ khẩn trương ban hành các chương trình tín dụng ưu đãi đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão, mưa lũ đối với khách hàng trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề do bão, lũ lụt như nuôi trồng, chăm sóc cây trồng, vật nuôi... với lãi suất ưu đãi.
"Agribank đang tiếp tục triển khai từ nay đến cuối năm 5 chương trình cho vay ưu đãi đối với khách hàng doanh nghiệp (các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tập đoàn/tổng công ty, doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp xuất nhập khẩu, tài trợ các dự án đầu tư) với tổng quy mô 195.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay bình quân từ chỉ từ 3% đến dưới 7%/năm; triển khai nhiều chương trình cho vay ưu đãi lãi suất với khách hàng cá nhân như Chương trình cho vay OCOP (giải pháp thúc đẩy kinh tế nông thôn, khơi dậy tiềm năng phát triển của các địa phương) quy mô 2.000 tỷ đồng, cho vay khách hàng cá nhân phục vụ nhu cầu đời sống quy mô 15.000 tỷ đồng, cho vay trung, dài hạn phục vụ sản xuất kinh doanh quy mô 20.000 tỷ đồng…”, ông Phạm Toàn Vượng chia sẻ.
Ông Phạm Toàn Vượng cũng đưa ra một số kiến nghị cụ thể.
Thứ nhất, đề xuất Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố rà soát, đánh giá thực trạng các vùng bị ảnh hưởng/thiệt hại do thiên tai (bão, lũ), trường hợp thiệt hại, ảnh hưởng trên phạm vi rộng, cần sớm có văn bản thông báo tình trạng thiên tai, dịch bệnh xảy ra trên phạm vi rộng để hỗ trợ người dân/khách hàng vay vốn có điều kiện được khoanh nợ theo quy định pháp luật nhằm giảm bớt khó khăn cho người dân/khách hàng.
Thứ hai, với các TCTD cũng là doanh nghiệp, Agribank sẽ chủ động trong phạm vi nguồn lực tài chính để hỗ trợ khách hàng, nhưng đề nghị các bộ, ngành nghiên cứu hỗ trợ một số cơ chế chính sách để Agribank có thể tái đầu tư, hỗ trợ tốt hơn đối với khách hàng. Cụ thể, cơ chế hỗ trợ tài chính như chỉ tiêu chi phí, cơ chế trích lập và phân bổ dự phòng rủi ro, chỉ tiêu lợi nhuận; cơ chế cơ cấu nợ thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị thiệt hại do ảnh hưởng của bão, lũ lụt, không giới hạn thời điểm giải ngân, được áp dụng đối với khoản nợ đến hạn trước ngày 30/6/2025; đồng thời, có cơ chế trích lập và phân bổ dự phòng rủi ro phù hợp cho các TCTD.
Thứ ba, NHNN báo cáo Chính phủ xem xét có cơ chế hỗ trợ các khách hàng hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, du lịch, xây dựng, thương mại,.. bị thiệt hại bởi bão lũ (cơn bão số 3) nhưng không thuộc các đối tượng được quy định tại Nghị định 55/2015/NĐ-CP cũng được hưởng chính sách hỗ trợ khoanh nợ trong trường hợp các đối tượng nông nghiệp nông thôn thuộc Nghị định 55/2015/NĐ-CP được khoanh nợ.