Đủ nghiêm khắc nhưng cũng bảo đảm nhân văn

Theo Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Văn Tiến, Luật Tư pháp người chưa thành niên được xây dựng nhằm hoàn thiện pháp luật tư pháp đủ nghiêm khắc nhưng cũng bảo đảm nhân văn đối với người chưa thành niên phạm tội; tăng cường giáo dục, hỗ trợ, giúp đỡ người chưa thành niên phạm tội tự sửa chữa lỗi lầm, cải thiện hành vi thông qua xử lý chuyển hướng, hạn chế tối đa việc áp dụng biện pháp mang tính chất trừng phạt, giam giữ nhưng vẫn bảo đảm sự an toàn của cộng đồng và trật tự xã hội.

Quy định 12 biện pháp xử lý chuyển hướng

Tại Họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về các luật được thông qua tại Kỳ họp thứ Tám, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Văn Tiến nêu rõ, “điểm mới của Luật là quy định xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội. Việc áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng phải phù hợp với hoàn cảnh, độ tuổi, đặc điểm tâm sinh lý của người chưa thành niên và căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội; khả năng giáo dục, phục hồi của người chưa thành niên phạm tội và sự an toàn của bị hại, cộng đồng”.

 Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Tiến

Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Tiến

Luật quy định 12 biện pháp xử lý chuyển hướng, gồm: Khiển trách; Xin lỗi bị hại; Bồi thường thiệt hại; Giáo dục tại xã, phường, thị trấn; Quản thúc tại gia đình; Hạn chế khung giờ đi lại; Cấm tiếp xúc với người có nguy cơ dẫn đến người chưa thành niên phạm tội mới; Cấm đến địa điểm có nguy cơ dẫn đến người chưa thành niên phạm tội mới; Tham gia chương trình học tập, dạy nghề; Tham gia điều trị hoặc tư vấn tâm lý; Thực hiện công việc phục vụ cộng đồng; Giáo dục tại trường giáo dưỡng.

Quy định 2 thủ tục thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng gồm: Thủ tục thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng tại cộng đồng. Thủ tục thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng giáo dục tại trường giáo dưỡng.

Quy định về việc chấm dứt trước thời hạn việc chấp hành biện pháp xử lý chuyển hướng trong trường hợp người chấp hành biện pháp xử lý chuyển hướng đã chấp hành được 1/2 thời gian áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng và có nhiều tiến bộ nhằm khích lệ họ tích cực rèn luyện bản thân và nâng cao hiệu quả áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng.

Để bảo đảm nghiêm minh, Luật quy định chế tài xử lý vi phạm nghĩa vụ trong quá trình chấp hành biện pháp xử lý chuyển hướng tại cộng đồng. Cụ thể người chấp hành biện pháp xử lý chuyển hướng tại cộng đồng mà cố ý vi phạm nghĩa vụ 1 lần trong thời gian thực hiện nghĩa vụ thì có thể bị gia hạn thực hiện nghĩa vụ. Người chấp hành biện pháp xử lý chuyển hướng tại cộng đồng mà cố ý vi phạm 1 lần trong thời gian gia hạn thực hiện nghĩa vụ hoặc cố ý vi phạm 2 lần trở lên trong thời gian thực hiện nghĩa vụ có thể bị đổi từ biện pháp xử lý chuyển hướng tại cộng đồng sang biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng.

Người chưa thành niên thi hành án phạt tù tại trại giam riêng

Luật giữ nguyên hệ thống hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội như Bộ luật Hình sự hiện hành gồm: cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ và tù có thời hạn. Không áp dụng hình phạt tù chung thân và tử hình đối với người chưa thành niên.

Bổ sung điều luật về hình phạt cảnh cáo đối với người chưa thành niên khi phạm tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng do vô ý và có tình tiết giảm nhẹ, nhưng chưa đến mức miễn hình phạt.

Mở rộng đối tượng người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi, nếu có tài sản riêng cũng có thể áp dụng hình phạt tiền và mức tiền phạt không quá một phần ba mức tiền phạt mà điều luật quy định.

Giảm mức hình phạt cao nhất đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi từ 18 năm xuống 15 năm tù, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội từ 12 năm xuống 9 năm tù, trừ trường hợp phạm 5 loại tội: tội giết người, tội hiếp dâm, tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi; tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi; tội sản xuất trái phép chất ma túy.

Giảm thời gian thử thách khi được hưởng án treo xuống không quá 3 năm; giảm thời hạn được xóa án tích đối với người chưa thành niên so với quy định của Bộ luật Hình sự.

Luật quy định 10 biện pháp ngăn chặn đối với người chưa thành niên bị buộc tội gồm: giữ người trong trường hợp khẩn cấp; bắt người theo các trường hợp quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự; tạm giữ; tạm giam; giám sát điện tử; giám sát tại nhà; bảo lĩnh; đặt tiền để bảo đảm; cấm đi khỏi nơi cư trú; tạm hoãn xuất cảnh. Trong đó có 2 biện pháp ngăn chặn mới là giám sát điện tử và giám sát tại nhà.

Quy định 3 biện pháp cưỡng chế đối với người chưa thành niên bị buộc tội gồm: áp giải, dẫn giải; kê biên tài sản; phong tỏa tài khoản.

Thu hẹp các trường hợp người chưa thành niên bị áp dụng biện pháp tạm giam và quy định rõ ràng, cụ thể căn cứ áp dụng biện pháp tạm giam, theo đó, người chưa thành niên chỉ bị áp dụng biện pháp tạm giam trong trường hợp thật cần thiết và khi các biện pháp ngăn chặn khác không hiệu quả.

Việc xét xử vụ án hình sự có người chưa thành niên là người bị buộc tội do Tòa gia đình và người chưa thành niên giải quyết. Đối với Tòa án chưa tổ chức Tòa gia đình và người chưa thành niên thì việc xét xử vụ án hình sự có người chưa thành niên là người bị buộc tội do Thẩm phán quy định tại khoản 1, Điều 29 của Luật Tư pháp người chưa thành niên thực hiện.

Vụ án hình sự về người chưa thành niên được xét xử trong phòng xử án thân thiện. Phiên tòa phải được tổ chức xét xử thân thiện: Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa mặc trang phục hành chính của Tòa án; Kiểm sát viên mặc trang phục phù hợp, không mặc trang phục Kiểm sát nhân dân. Khi xét xử không còng tay hoặc áp dụng các biện pháp mang tính cưỡng chế khác, trừ trường hợp người chưa thành niên có trường hợp chống đối, gây mất trật tự tại phiên tòa hoặc hành động tiêu cực khác.

Việc xét hỏi, tranh luận đối với người chưa thành niên tại phiên tòa được tiến hành phù hợp với lứa tuổi, giới tính, khả năng nhận thức và mức độ trưởng thành của họ. Câu hỏi cần ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu, không hỏi nhiều vấn đề cùng một lúc.

Trong trường hợp đặc biệt cần bảo vệ người chưa thành niên, Tòa án có thể xét xử kín nhưng phải tuyên công khai phần quyết định của bản án. Khi tuyên án, Hội đồng xét xử đọc phần quyết định trong bản án.

Luật cũng quy định việc tiến hành tố tụng đối với người chưa thành niên là bị hại, người làm chứng phải được tiến hành trong môi trường thuận lợi cho việc bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản, bí mật cá nhận, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của họ. Hạn chế đến mức thấp nhất số lần tiếp xúc giữa người chưa thành niên là bị hại, người làm chứng với người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị buộc tội và không áp dụng biện pháp dẫn giải đối với người chưa thành niên là bị hại, người làm chứng...

Đáng lưu ý, người chưa thành niên thi hành án phạt tù tại trại giam riêng, phân trại hoặc khu giam giữ dành riêng cho người chưa thành niên là phạm nhân để có môi trường giáo dục, phục hồi tốt nhất. Cán bộ trại giam phải là người đã được đào tạo hoặc bồi dưỡng về tâm lý học, khoa học giáo dục người chưa thành niên hoặc đã từng tham gia giải quyết các vụ việc liên quan đến người chưa thành niên.

Bổ sung trường hợp được hoãn chấp hành hình phạt tù đối với người chưa thành niên bị xử phạt tù đã đăng ký và đủ điều kiện tham gia hoặc đang tham gia kỳ thi tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông, thi tốt nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, được cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp nơi người đó học tập xác nhận thì có thể được hoãn cho đến khi thực hiện xong kỳ thi.

Quy định mở rộng phạm vi được tha tù trước thời hạn. Ngay sau khi người chưa thành niên có đủ các điều kiện được xét tha tù trước hạn có điều kiện thì phải lập hồ sơ đề nghị mà không cần căn cứ theo đợt như Luật Thi hành án hình sự.

Người chưa thành niên là phạm nhân chấp hành án phạt tù tốt, có tiến bộ thì được khen thưởng, nếu vi phạm thì bị kỷ luật.

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2026. Riêng các điều khoản của Luật Tư pháp người chưa thành niên quy định về hình phạt cảnh cáo, phạt tiền, tù có thời hạn, quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt, giảm mức hình phạt đã tuyên, án treo, hoãn chấp hành hình phạt tù, tha tù trước thời hạn có điều kiện, xóa án tích và các quy định khác có lợi cho người phạm tội quy định tại chương VI của Luật được áp dụng kể từ ngày Luật được công bố.

Hoàng Ngọc

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/du-nghiem-khac-nhung-cung-bao-dam-nhan-van-post402207.html
Zalo