Dư luận trái chiều về thỏa thuận lịch sử giữa Anh và EU

Trong khi nhiều người ủng hộ thỏa thuận mới đạt được gần đây giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU), có dư luận cho rằng thỏa thuận này đã khơi lại những vết thương chưa lành 9 năm sau khi người dân Anh bỏ phiếu để rời EU (Brexit)

Thỏa thuận mới

Thủ tướng Anh Keir Starmer (giữa) đón Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen (trái) và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Antonio Costa tới dự Hội nghị thượng đỉnh Anh-EU tại London, ngày 19/5. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Thủ tướng Anh Keir Starmer (giữa) đón Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen (trái) và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Antonio Costa tới dự Hội nghị thượng đỉnh Anh-EU tại London, ngày 19/5. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Thủ tướng Keir Starmer tự hào mô tả thỏa thuận mới với EU bao gồm quốc phòng, an ninh và thương mại là thắng lợi cho cả đôi bên đồng thời giúp đưa Anh “trở lại trường quốc tế”.

Thỏa thuận này đạt được ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa Anh và EU tại London kể từ sau Brexit.

Trên mạng xã hội X, Thủ tướng Anh Keir Starmer nhấn mạnh đã đến lúc cần hướng về phía trước để thoát khỏi những đối đầu chính trị và tìm ra giải pháp thực tế cho việc cải thiện cuộc sống của người dân.

Một trong những trọng tâm của thỏa thuận Anh - EU là việc cho phép các công ty quốc phòng Anh tham gia chương trình tái vũ trang châu Âu trị giá 150 tỷ euro (tương đương 167 tỷ USD).

EU là đối tác thương mại lớn nhất của Anh. Theo văn phòng của Thủ tướng Starmer, kể từ Brexit, xuất khẩu của Anh sang EU giảm 21% và ở chiều ngược lại là mức giảm 7%.

Theo Al Jazeera, thỏa thuận được công bố ngày 19/5 đã khiến một số người thở phào nhẹ nhõm trong khi một số người khác lại lên tiếng chỉ trích gay gắt. Điều này phản rõ mức độ chia rẽ sâu sắc mà Brexit vẫn để lại trong lòng nước Anh.

Quan điểm trái chiều

Quốc kỳ Anh (dưới) và cờ Liên minh châu Âu (EU) bên ngoài tòa nhà Quốc hội Anh ở Westminster, London. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Quốc kỳ Anh (dưới) và cờ Liên minh châu Âu (EU) bên ngoài tòa nhà Quốc hội Anh ở Westminster, London. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Ông Phil Rusted, lãnh đạo công ty có tên Practical Plants chuyên nhập khẩu cây trồng từ châu Âu, là một trong những người vui mừng khi nghe tin về thỏa thuận Anh - EU.

Ông chia sẻ: “Bản năng mách bảo đây là tin tốt nhất mà chúng tôi nhận được trong 9 năm qua. Nó gần như đưa chúng tôi trở lại thời điểm trước Brexit. Nó giúp tôi tuyển thêm nhân viên, phát triển kinh doanh. Vài năm trở lại đây rất khó đoán định, tôi sẽ yên tâm hơn về chi phí của mình”.

Nhìn chung, khu vực kinh doanh có phản ứng tích cực với thỏa thuận này. Nhà kinh tế học Philip Shaw tại Investec Bank đánh giá: “Trong một thế giới nơi mức thuế quan cao của Mỹ đang đe dọa đảo ngược toàn cầu hóa, các thỏa thuận thương mại, ngay cả khi tương đối nhỏ, nhìn chung vẫn là tin tốt. Phía hưởng lợi rõ ràng là lĩnh vực thực phẩm, từ việc giảm kiểm tra tại biên giới EU, tạo khác biệt đáng kể đối với chi phí của các nhà xuất khẩu và nhập khẩu”.

Liên đoàn các doanh nghiệp nhỏ tại Anh, mô tả thỏa thuận với EU là “tiến bộ thực sự” đồng thời đánh giá cao thỏa thuận này vì đã gỡ rối quy định cho các nhà xuất khẩu nhỏ về thực vật và động vật.

Và ý kiến chung ở Anh dường như ủng hộ thỏa thuận này. Cuộc thăm dò của YouGov cho thấy 66% muốn có mối quan hệ chặt chẽ hơn với EU, so với 14% có quan điểm ngược lại.

Theo các chuyên gia, Anh chắc chắn cũng phải thỏa hiệp. Nhà kinh tế Paul Dales tại Capital Economics cho biết ngoài việc chấp nhận cho EU tiếp cận vùng biển của Anh để đánh bắt cá, London cũng đồng ý trả một "khoản đóng góp tài chính phù hợp" để tham gia hệ thống pháp lý của Tòa án Công lý châu Âu.

Nhưng thỏa thuận Anh - EU cũng phải đối mặt với phản đối mạnh mẽ. Liên đoàn các tổ chức ngư dân quốc gia, ngày 19/5 đánh giá thỏa thuận này "đánh mất triển vọng tốt nhất mà ngành đánh bắt cá và cộng đồng ven biển có được để tăng trưởng trong thập niên tới". Ba ngày sau, họ đưa ra tuyên bố gay gắt hơn, cáo buộc thỏa thuận này "kéo ngành đánh bắt cá của Anh trở lại quá khứ tụt hậu".

Và không chỉ có ngư dân. Thỏa thuận này cũng thổi bùng trở lại tranh luận về việc liệu Anh, khi tìm cách điều chỉnh lại theo các quy tắc và quy định của EU, có vi phạm Brexit hay không.

Cựu Thủ tướng Boris Johnson trong một bài đăng trên mạng xã hội X đã mô tả thỏa thuận này là "sự bán rẻ khủng khiếp".

Hà Linh/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/du-luan-trai-chieu-ve-thoa-thuan-lich-su-giua-anh-va-eu-20250528091000292.htm
Zalo